Lật mặt tin giả

Thứ Hai, 11/06/2018, 19:27
“Nghe nói công an, cảnh sát đàn áp dân biểu tình nói tiếng ‘xí xa xí xồ’ với nhau… Chúng ta có thể giết chết tên cảnh sát Tàu này mà không mang tội gì cả” là lời lẽ xách động rợn người của facebooker Trương Nhân Tuấn lợi dụng sự kiện ngày 10 và 11-6 vừa qua ở Bình Thuận. 


Đó là một thứ tin giả (fake news) cực kỳ nguy hiểm, kích động bạo lực nhắm thẳng vào lực lượng công an, những người thực tế đã phải chịu rất nhiều gian khổ để vãn hồi trật tự trong sự ôn hoà nhất mà khả năng họ có thể. 

Bản thân hai chữ “Nghe nói” đã cho thấy thông tin của Trương Nhân Tuấn là không có tính xác thực ra sao. Người ta thường nói “một nửa sự thật không phải là sự thật” và ở trường hợp này, thông tin đưa ra thậm chí còn không có nổi 0.00001% sự thật nào.

Và kiểu tin giả này không đơn độc ở những ngày nóng bỏng vừa qua. Có hàng loạt tin giả lan tràn khắp nơi có chủ đích rõ ràng nhằm kích động bạo lực, gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng nặng nề tới an ninh nội bộ quốc gia và khiến tình hình lao động, sản xuất kinh doanh bị thiệt hại nghiêm trọng. Mục đích của các nhóm phá hoại ở đây là rất rõ ràng.

Lợi dụng tiếng nói dân chủ, lợi dụng sự cả tin của dân chúng, đặc biệt là nhân dân ở các vùng xa, chúng tạo nên các tin giả độc hại bôi nhọ chính quyền, bôi nhọ lực lượng công an, quân đội, từ đó xách động những đối tượng manh động gây ra những hành vi quấy rối, phá hoại, chống phá khiến đời sống đình trệ. 

Từ sự đình trệ, những người dân lành bị ảnh hưởng đến đời sống thường nhật sẽ đến lúc có những diễn biến bất lợi cho tình hình an ninh chung. Có thể nói, nếu cần phải chỉ rõ ‘nội xâm” cấp bách nhất lúc này, chúng ta cần phải lật mặt những đối tượng tung tin giả như ví dụ ở trên và nghiêm trị theo đúng tinh thần của pháp luật.

Tình hình thế giới nói chung đã biến động rất nhiều trong vài năm qua và một trong những nguyên nhân tác động mạnh mẽ dẫn đến biến động tiêu cực ấy chính là các hành vi tung tin giả. Ở những quốc gia văn minh, có trình độ dân trí cao, tin giả còn lộng hành và tạo ra những hệ lụy nghiệt ngã. 

Vậy thì ở Việt Nam, nơi mặt bằng dân trí vẫn còn chưa ở tầm vóc của thế giới, tin giả lại càng dễ hoành hành hơn, đặc biệt khi chúng được bơm ra từ những kẻ xưa nay vốn khoác lên mình chiếc áo “dân túy”, “đấu tranh dân chủ”, “ái quốc” với vẻ ngoài lúc nào cũng đau đáu với quốc gia đại sự.

Ở việc Chính phủ đệ trình dự thảo luật đặc khu trước Quốc Hội, lẽ ra những góp ý dân chủ nên chỉ xoay quanh vấn đề học thuật như tiêu chuẩn công nghệ phải ra sao để tránh bài học ô nhiễm từ các nhà máy ở đặc khu; đòi hỏi sử dụng và đào tạo lao động bản địa tại đặc khu như thế nào cho xứng tầm (trách nhiệm xã hội); hạn ngạch người lao động nước ngoài ra sao cho tương xứng; các ngành nghề mũi nhọn nên phát huy cho đặc khu… 

Vậy mà các nguồn tin giả lại vu lên rằng đặc khu sẽ là nơi Trung Quốc vào sản xuất vũ khí; đưa người vào định cư bén rễ… Chính những dạng tin giả không hề hướng tới góp ý phát triển này đã kích động một bộ phận dân chúng thiếu hiểu biết có thái độ thù địch với chính quyền thay vì cùng chính quyền chung tay xây dựng dự thảo chặt chẽ hơn, khoa học hơn.

Chỉ cần rà soát lại các thông tin theo đúng dòng chảy của nó, chịu khó đầu tư thời gian tìm hiểu thêm những gì mình chưa biết, chúng ta sẽ nhận diện rất nhiều tin giả đang lộng hành ở thời điểm này. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có sự tỉnh táo, phải có sự khôn ngoan trước khi chia sẻ thông tin dữ liệu bởi chính việc chia sẻ thông tin, bình luận thêm mắm dặm muối sẽ khiến tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi nó trực tiếp kích động vào thần kinh những người đang vô cùng thiếu tỉnh táo. 

Chính việc không chia sẻ, không bàn luận, tảng lờ luôn các tin giả là phương cách hữu hiệu nhất để tiêu diệt tin giả và nói khác hơn là góp một phần vào công cuộc bảo vệ an ninh mạng.

Văn Đoàn
.
.
.