Kinh nghiệm ở nơi 5 năm “Tết không tiếng pháo”

Chủ Nhật, 11/02/2018, 18:36
5 năm liên tục, Thái Bình không có tiếng pháo nổ, không có hiện tượng đốt và thả đèn trời trong đêm Giao thừa ở các địa phương trong toàn tỉnh, được Chính phủ biểu dương và nhân dân đồng tình, ủng hộ.


Chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi ông vừa cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra cơ sở về việc thực hiện  Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định 36 của Chính phủ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về an ninh trật tự trên địa bàn trở về. Dù rất bận rộn nhưng ông vẫn giành thời gian trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm thành công của chiến dịch “không tiếng pháo” ở Thái Bình. 

5 năm liên tục, Thái Bình không có tiếng pháo nổ, không có hiện tượng đốt và thả đèn trời trong đêm Giao thừa ở các địa phương trong toàn tỉnh, được Chính phủ biểu dương và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đang trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm 5 năm không tiếng pháo ở Thái Bình.

Phóng viên: Thưa đồng chí Chủ tịch, còn nhớ, năm 2011, Thái Bình là địa phương từng bị Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhắc nhở vì để xảy ra tình trạng đốt pháo tràn lan vào dịp Tết. Nhưng liên tục những năm qua, điểm sáng của Thái Bình rõ nhất chính là trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, là đơn vị liên tục dẫn đầu khi không có tiếng pháo nổ, không có hiện tượng đốt và thả đèn trời trong đêm Giao thừa... Ông có thể chia sẻ về những yếu tố làm nên những thành công trên?

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên: Có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, song quan trọng nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc tích cực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. 

Các lực lượng Công an, quân sự, biên phòng cũng đã thực hiện tốt vai trò tham mưu và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở; đồng thời, đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai tốt các phương án, kế hoạch chuyên ngành về phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháp trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể đều vào cuộc và có những cách làm sáng tạo. 

Chẳng hạn, tổ chức Đoàn thanh niên có sáng kiến: Cánh én mùa xuân, phát động đến từng đoàn viên, thanh niên, nếu phát hiện có hiện tượng nghi vấn về tàng trữ, mua bán hay đốt pháo nổ thì viết thư tố giác cho vào các hộp thư kín của từng xã, phường, thị trấn, từ đó lực lượng chức năng có những biện pháp răn đe, xử lý thích hợp…

Trong đêm Giao thừa, tất cả các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh xuống xã, thôn, các Sở và đoàn thể liên quan đều phải có mặt ở các địa bàn cơ sở để kiểm tra công tác đảm bảo ANTT và phòng, chống đốt pháo nổ. Như tôi, thường kiểm tra và chúc Tết ở 2 địa bàn trọng điểm là Thái Thụy và Tiền Hải. Vào sáng mùng 1, khi tình hình đã thực sự ổn định, các đồng chí lãnh đạo mới trở về nhà. 

Ngoài việc tổ chức lực lượng và đề cao tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia chiến dịch “Tết không tiếng pháo”, tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ cho các xã, phường, thị trấn, các thôn, tổ dân phố; đồng thời, khuyến khích các huyện, thành phố hỗ trợ thêm cho các xã hoặc các lực lượng hoạt động tích cực và có hiệu quả…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế. Tuy nhỏ thôi nhưng trước những phát sinh này, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc đánh giá, xác định cụ thể các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của các tồn tại, hạn chế ở địa phương, đơn vị mình; từ đó đề ra các giải pháp sát thực, khả thi để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao…

Phát biểu tại hội nghị triển khai một số nhiệm vụ bảo đảm ANTT các tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Nơi nào xảy ra pháo nổ hay thả đèn trời trong đêm Giao thừa, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Phóng viên: Để tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, TTATXH; thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định 36 của Chính phủ, phục vụ nhân dân đón Tết lành mạnh, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, dịp Tết năm nay, tỉnh Thái Bình đã triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên: Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 và các Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Tết năm 2018; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Thông tri số 09-TT/TU, UBNDn tỉnh ban hành Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 22/12/2017 và nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự những tháng cuối năm 2017 và Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn triển khai, quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, của Chính phủ, của các cấp về công tác bảo đảm an ninh trật tự trong dịp Tết.

Việc triển khai, quán triệt phải được tiến hành đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để thống nhất cao về nhận thức và hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn, thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ và pháo, bảo đảm các yêu cầu đề ra…

Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Vì vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận cao trong hành động của các tầng lớp nhân dân.

Các Sở, ngành chức năng có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí địa phương và hệ thống phát thanh, truyền hình ở cơ sở tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đồng bộ về các chủ trương, giải pháp của Chính phủ và của tỉnh về đảm bảo an ninh trật tự; vận động nhân dân tự giác giao nộp hoặc chủ động tố giác các hành vi sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; đồng thời, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý triệt để các hành vi vi phạm nhằm răn đe, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước; chỉ đạo ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và các ngành Nội chính phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và pháo có dấu hiệu hình sự; nếu đủ căn cứ phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để khởi tố, truy tố và sớm đưa ra xét xử lưu động để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, các xã, phường, thị trấn tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan; tổ chức ký cam kết đến các hộ gia đình trên địa bàn; có phương án cụ thể huy động lực lượng tham gia và phân công nhiệm vụ cấp ủy viên, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị ở cơ sở phụ trách từng nhóm hộ, theo dõi từng đối tượng để vận động, thuyết phục cùng thực hiện; đồng thời, có các hình thức động viên, khen thưởng kịp thời cho những tập thể, cá nhân có cách làm hay, cách làm sáng tạo và đạt hiệu quả tốt nhất.

Trong dịp Tết, đặc biệt là đêm Giao thừa, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn kết hợp tổ chức thăm hỏi, chúc tết gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.

Trước đó, yêu cầu UBND huyện, thành phố rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và phân công, xác định rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; từng cơ quan, đơn vị; từng thôn, tổ dân phố và đến từng cán bộ, đảng viên; đồng thời tiếp tục chỉ đạo huy động lực lượng Công an, quân sự, biên phòng và các ngành chức năng của tỉnh tăng cường nhân lực cho cơ sở để phối hợp các Tổ công tác của huyện, thành phố tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ Pháp lệnh 16, Nghị định 36; đấu tranh kiên quyết và xử lý thật nghiêm các hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và đốt các loại pháo trái phép. Nơi nào để xảy ra các hành vi vi phạm nêu trên hoặc có các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự thì tỉnh và huyện phải xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu địa phương và cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đó…

Công an Thái Bình tăng cường tuần tra kiểm soát để phát hiện các đối tượng tàng trữ pháo nổ, vi phạm pháp luật.

Phóng viên: Ông vừa nói đến trách nhiệm của người đứng đầu. Trong những chiến dịch như thế này, ông đánh giá thế nào về vai trò của người đứng đầu?Chúng ta có quy định cụ thể về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi mà địa bàn đó xảy ra pháo nổ?

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên: Vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là rất quan trọng. Đứng đầu cấp ủy là linh hồn của hệ thống chính trị, đứng đầu chính quyền là tư lệnh trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức lực lượng thực thi các nhiệm vụ. Vậy nên, ở đâu, người đứng đầu thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm thì ở đó chất lượng, hiệu quả của phong trào nói chung và trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nói riêng thể hiện rõ.

Trong Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ, ở nơi nào mà để xảy ra hiện tượng đốt pháo hoặc là thả đèn trời trong đêm Giao thừa thì người đứng đầu ở đó và cán bộ được phân công phụ trách địa bàn đấy phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định. Căn cứ tùy theo mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý thích hợp.

Phóng viên: Kinh nghiệm cho thấy, ở các khu vực giáp ranh thường rất dễ xảy ra hiện tượng pháo nổ. Tỉnh đã triển khai như nào trong việc ngăn chặn hành vi đốt pháo ở các khu vực giáp danh, thưa ông?

Chủ tịch Nguyễn Hồng Diên: Vào những thời gian cao điểm như Tết, lực lượng tuần tra được bố trí rất dày đặc, không phải chỉ lực lượng vũ trang nữa mà còn phát huy vai trò tự quản trong nhân dân của từng thôn, làng, tổ dân phố; tổ tự quản của từng đoàn thể, rồi tổ liên ngành của các tổ chức đoàn thể…

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến địa bàn giáp danh nên chỉ cần có hiện tượng nghi vấn tàng trữ hay chuẩn bị đốt pháo nổ ở đâu, trong một thời gian rất ngắn, các lực lượng này đã có mặt để lập biên bản, xử lý từ gốc.

Cách đây một năm, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón Tết, vui xuân, Tỉnh có tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp vào đêm giao thừa nhưng cũng không có hiện tượng người dân dựa vào bắn pháo hoa để đốt pháo nổ hoặc là tự mua pháo hoa thủ công để đốt. Năm nay, Thái Bình dự kiến có 6 hoặc 7 điểm bắn pháo hoa. Mặc dù có 5 năm đạt thành tích không tiếng pháo nổ và không có hiện tượng đốt thả đèn trời, tình hình an ninh trật tự đi vào nề nếp nhưng tỉnh cũng không chủ quan, đã cho triển khai và chủ động với nhiều phương án phòng ngừa… bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trong toàn tỉnh, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh.

Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Chủ tịch. Chúc tỉnh Thái Bình tiếp tục giữ vững thành tích không tiếng pháo trong đêm Giao thừa Mậu Tuất 2018!

Năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh Thái Bình đã tiến hành 4 cuộc tọa đàm, 41 phóng sự, 57 tin, bài trên sóng phát thanh và truyền hình về các vấn đề liên quan đến pháp, 3 chuyên mục pháp luật cuộc sống, 4 chuyên mục an ninh, 4 chuyên mục văn bản mới, 3 thông điệp về pháo. Công an tỉnh đã in sao hàng nghìn đĩa CD cấp phát đến các xã, phường, thị trấn, trường học để tuyên truyền…Trong năm, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3 vụ, 4 đối tượng vi phạm về pháo, thu hồi 187,02kg pháo; 28,56kg thuốc pháo; đã khởi tố 1 vụ, xử lý hành chính 2 vụ; vận động 81 trường hợp tự giác giao nộp 174,51kg pháo nổ các loại, 13,11 kg thuốc pháo.
T. Hòa- X. Trường (thực hiện)
.
.
.