Kích hoạt hệ thống giám sát để ngăn chặn vi phạm

Thứ Sáu, 20/04/2018, 08:18
Vụ việc chủ cơ sở thu mua nông sản tại huyện Đắk Rlấp, tỉnh Đắk Nông tẩm hóa chất bẩn gồm hỗn hợp nước và pin ngâm nhuộm đen vỏ cà phê trộn với đất sỏi vừa được lực lượng Công an phát hiện đã gây bức xúc trong dư luận về hành vi gian dối, táng tận lương tâm của người chủ sản xuất.


Hơn 21 tấn hỗn hợp “cà phê” độc hại này đã được ngâm tẩm, nhuộm đen  đóng bao bì chờ đưa ra thị trường. Tại hiện trường hàng chục lít dung dịch, bột pin chuẩn bị để sản xuất tiếp được phát hiện. Chủ cơ sở cũng khai báo đã xuất bán 3 tấn hỗn hợp này ra thị trường. Chỉ nghe qua con số đó thôi cũng đã khiến những người tiêu dùng rùng mình.

Điều gì sẽ xẩy ra nếu hàng chục tấn thứ gọi là “càphê” tẩm hóa chất là bột pin này được đưa đi tiêu thụ? Điều đáng sợ hơn là trước khi bị phát giác thì cơ sở này đã hoạt động được bao nhiêu lâu, sản xuất và tiêu thụ bao nhiêu tấn hỗn hợp độc hại này là điều chưa được xác định.

Đây không phải là lần đầu tiên một vụ phát hiện cà phê bẩn được xác định. Với nhu cầu cực lớn của thị trường cà phê, việc sản xuất cà phê bẩn đã được thực hiện dưới khá nhiều hình thức. Câu chuyện cà phê không làm từ cà phê đã từ lâu được người tiêu dùng nhắc đến.

Trong một khảo sát cách đây ít lâu của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafeine trong hơn 250 mẫu cà phê đen tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Sóc Trăng đã phát hiện có tới gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ có hàm lượng cafeine thấp dưới 1g/l. Một số mẫu hoàn toàn không chưa cafeine.

Cà phê được trộn thêm nhiều loại phụ gia như bột bắp, đậu nành...rang cháy cộng thêm hỗn hợp những tinh chất tạo mùi, tạo bọt bán tràn lan ở những quán cóc bình dân, căng tin, bệnh viện....đã thực sự là mối nguy hiểm đối với người tiêu dùng. Hàng loạt những vụ việc những cơ sở sản xuất cà phê  bẩn đã được cơ quan Công an phát hiện suốt thời gian qua. Trong đó có những cơ sở quy mô lớn với nhiều hệ thống máy móc rang, xay, trộn công suất cao mỗi ngày sản xuất được cả tấn cà phê bẩn từ phụ gia, hương liệu không rõ nguồn gốc bị phát hiện. Tuy nhiên do nguồn lợi quá lớn nên tình trạng vi phạm này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.

Cũng trong những ngày qua, vụ việc thuốc trị ung thư được sản xuất bằng than tre bị phát hiện đã thực sự nóng lên trên các trang báo và mạng xã hội.  Chỉ có thành phần chủ yếu từ bột than tre nhưng với công nghệ đóng gói mẫu mã, bao bì bắt mắt và khoác lên cái tên hết sức mỹ miều như Vinaca ung thư CO3.2 sản phẩm này đã kịp hiện diện với hàng chục đại lý từ Bắc vào Nam để đánh lừa người tiêu dùng.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Y tế cũng đã khẳng định sản phẩm Vinaca ung thư CO3.2 là sản phẩm không phép, không được cấp giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng...Không chỉ tự đánh bóng phù phép tên tuổi mình, điều nguy hiểm hơn là sản phẩm trị ung thư làm bằng bột than tre này còn được hà hơi tiếp sức để trở nên chính danh hợp pháp bởi giải thưởng top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2017.

Không có thứ gì là không thể làm giả. Thực phẩm bẩn, thuốc giả....không phải là câu chuyện mới được đề cập. Cách đây ít lâu lực lượng Công an các địa phương đã phát hiện bắt quả tang nhiều vụ việc sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất mỹ phẩm kem trộn. Hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc được hô biến thành những lọ kem dưỡng da, tẩy trắng siêu tốc...tung ra thị trường để bán cho người tiêu dùng.

Trước đó, tháng 10-2017, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã kiểm tra và phát hiện một lô hàng hơn 14.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ xuất xứ nguồn gốc đang được đóng hộp, dán nhãn tại một xưởng sản xuất trên địa bàn Hà Nội.

Thật khó có thể chỉ trông chờ vào lương tâm và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh khi mà những vụ việc vi phạm đang có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về tính chất, mức độ nguy hiểm. Điều dư luận đặt câu hỏi là hệ thống quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm trên các lĩnh vực này ở đâu để những cơ sở sản xuất kinh doanh này hoạt động một thời gian dài mới bị phát hiện?

Dùng cà phê bẩn có khả năng mắc ung thư cao, còn thuốc trị ung thư lại được chế từ bột than tre cộng hóa chất thì đúng là người tiêu dùng đã lâm vào tình cảnh “tứ bề thọ địch”. Theo số liệu được Cục ATTP - Bộ Y tế công bố tại cuộc hội thảo vừa được tổ chức đầu tháng 4-2018 thì ở nước ta tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng.

Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn năm 2011 - 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.

Và một câu hỏi được nhiều người đề cập đến là trách nhiệm về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực ATTP này thuộc về ai vẫn đang bị bỏ lửng. Trong hầu hết các vụ việc vi phạm ATTP thì chỉ có cơ sở vi phạm bị phát hiện xử phạt còn các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại thì không hề bị xem xét trách nhiệm, xử lý, mặc dù điều đó đã được pháp luật đã quy định rõ.

Và sau tất cả những vụ việc vi phạm vừa qua thì vấn đề kích hoạt hệ thống giám sát bằng cách quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương từ cấp phường, xã, quận, huyện trong trường hợp để xảy ra vi phạm cũng như việc xử lý nghiêm, quyết liệt, công khai những địa chỉ vi phạm...là những vấn đề cần phải được đặt ra hết sức nghiêm túc để ngăn ngừa vi phạm.

Đức Thọ
.
.
.