Không thể làm báo theo kiểu 'Thày bói xem voi'

Thứ Tư, 17/06/2015, 10:04
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn trong cuộc trao đổi với các cơ quan báo chí tại Hà Nội ngày 16/6 nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6).

Theo khẳng định của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, dòng chủ đạo của hoạt động báo chí hiện nay vẫn là dòng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh dòng tích cực đó vẫn còn nơi này nơi khác, báo chí chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, một số phóng viên, cơ qua báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các quy định tác nghiệp, dẫn đến những tác động không như mong muốn, làm phiền lòng các cơ quan Đảng, Nhà nước và cả nhân dân. Thời gian tới, Bộ TT&TT cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có một số giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của truyền thông xã hội đang đặt ra nhiều thách thức không chỉ cho các cơ quan báo chí mà cho cả những người quản lý. Mỗi ngày chúng ta đều thấy có sự thay đổi rất lớn. Vì thế đặt ra cho các cơ quan báo chí truyền thống rất nhiều vấn đề như tính nhanh nhạy của thông tin, tuổi thọ của tin... Trước đây, với 1 tờ báo in thì tin có thể để hàng tuần vẫn không lạc hậu. Nhưng giờ chỉ sau 1 phút, thậm chí vài giây thì thông tin đã lạc hậu.

Trước những thông tin đa dạng của mạng xã hội, các cơ quan báo chí truyền thống phải bắt kịp xu thế thời đại để không bị lạc hậu thông tin. Một vấn đề nữa đặt ra là cùng với việc cập nhật thông tin nhanh nhạy nhất, các báo cũng phải đảm bảo thông tin đúng định hướng. Nói cách khác, thông tin phải được kiểm chứng, xem xét kỹ lưỡng. Phóng viên phải kiếm chứng thông tin trước khi đăng. Tòa soạn cũng phải thực hiện kiểm chứng lại thông tin cho chính xác.

“Hiện nay, không ít cơ quan báo chí, đặc biệt là báo chí điện tử và mạng xã hội đưa thông tin không chỉ không chính xác mà còn xâm phạm đời tư, xâm phạm lợi ích cá nhân. Ví dụ vừa rồi báo mạng đăng thông tin ở Huế, cháu bé lớp 7 có thai, mạng xã hội cũng đăng tải nhiều. Sau đó, cháu bé 13 tuổi bỏ học, phải tự tử, đưa đi cấp cứu. Những việc như vậy đặt ra vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời đại kỹ thuật số. Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, thông tin số hiện nay, người làm báo phải đặt vấn đề đạo đức của mình lên trên hết”- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, tính nhanh nhạy của nhà báo, người làm báo là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, có tình trạng rất nhiều nhà báo làm việc trong phòng kín, lướt web, lên Facebook lấy thông tin xào xáo lại, để đăng thông tin cho nhanh, kịp thời, bất kể hành vi này xâm phạm quyền tác giả của người khác. “Người làm báo cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình, phải kiếm chứng thông tin để tránh sơ suất, sai sót. Phải thông tin nhiều chiều. Không thể làm báo theo kiểu "thày bói xem voi" mà phải đánh giá toàn diện vấn đề. Nhà báo, phóng viên khi đưa tin cần phải đứng ngoài, nhìn tổng thể để đưa tin chính xác, khách quan nhất. Tránh tình trạng để cho cảm xúc lấn át, làm làm lệch lạc thông tin”-Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định.


H.Thanh
.
.
.