Không thấy giữa ban ngày

Thứ Năm, 01/10/2015, 08:32
Cao ốc cao vút đứng gần khu vực Lăng Bác trở thành vấn đề nổi cộm hơn một tuần qua. Sự việc khiến Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp Bộ Xây dựng kiểm tra, báo cáo gấp. Đến lúc này, mọi việc mới được xới lại, từ vấn đề quy hoạch chung khu trung tâm chính trị Ba Đình, việc cấp phép xây dựng tòa nhà số 8B Lê Trực (dự án Discovery Complex II), về chiều cao cho phép cũng như các mối đe dọa đến an ninh, cảnh quan…


Vấn đề đặt ra ở đây là: Cao ốc có thực sự nằm trong khu trung tâm chính trị Ba Đình hay không? Nếu có, tại sao được cấp phép với chiều cao gấp 3 lần Lăng Bác? Cao ốc đã được xây dựng nhiều năm nay nhưng tại sao đến nay (khi sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng), sự việc mới được xới tung?

Điểm thứ nhất, xét về vị trí trong tương quan khu vực trung tâm chính trị Ba Đình. Dự án Discovery Complex II là tòa nhà trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực, gần Quảng trường Ba Đình, cao 17 tầng và 4 tầng hầm. Trong 17 tầng cao của tòa nhà có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, 12 tầng văn phòng cho thuê và khối căn hộ cao cấp. Khoảng cách tính theo đường chim bay từ nóc tòa nhà này tới khuôn viên Lăng Bác khoảng 400m. Thực tế, sau khi bản Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được phê duyệt năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2000 và đến năm 2013 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu vực này.

Theo quy hoạch này, phạm vi ranh giới khu trung tâm chính trị Ba Đình được xác định giới hạn phía Bắc là phố Phan Đình Phùng, đường Thanh Niên, hồ Tây, đường Hoàng Hoa Thám; phía Nam là đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương; phía Tây là đường Ngọc Hà. Như vậy, khu đất tại số 8B Lê Trực nằm phía trong giới hạn đường Nguyễn Thái Học. 

Cùng trên trục đường Nguyễn Thái Học - Trần Phú này, toà nhà Văn phòng Quốc hội được khống chế chiều cao 9 tầng. Trong chỉ giới đỏ nói trên, 11 tầng là chiều cao tối đa được giới hạn đối với những điểm công trình cao nhất. Tòa nhà 8B Lê Trực nằm trong chỉ giới đỏ, do đó chiều cao hiển nhiên không được vượt quá 11 tầng. Vậy tại sao Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp giấy phép xây dựng tới 17 tầng, đó là vấn đề cần làm rõ và có biện pháp xử lý.

Vấn đề thứ hai, tại sao dự án đã được chấp thuận đầu tư từ 2009 và Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép xây dựng từ đầu năm 2014 nhưng mọi việc vẫn “im lìm”, đến nay khi dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng mới được “bóc mẽ”? Việc xây dựng dự án là cả quá trình với rất nhiều thủ tục, quy trình, trong suốt thời gian đó, không cơ quan nào lên tiếng. Ngay cả việc phát hiện cũng không phải do cơ quan thanh, kiểm tra khui ra, mà là do báo chí vào cuộc, trong khi cả tòa nhà sừng sững như vậy, ai đi qua cũng nhìn thấy, ai cũng thấy rất gần Lăng Bác, án ngự khu không gian trung tâm Ba Đình nhưng vì sao không ai lên tiếng?

Bởi lẽ đó, giải quyết vụ việc này dù bằng cách nào cũng đều nằm ở thu dọn hậu quả. Tuân chỉ quy hoạch đã đặt ra, không gì khác, tòa nhà phải được “cắt ngọn”, cách làm giống như những công trình cao vượt giới hạn mà Hà Nội đã xử lý trước đây (từ năm 2007, tòa nhà số 9 Đào Duy Anh làm nóng dư luận khi chủ đầu tư xây vượt số tầng cho phép, ảnh hưởng đến an toàn của tòa nhà, sau buộc phải cắt tầng; năm 2012, chung cư B6 - B7 Giảng Võ cũng rùm beng quanh việc xây dựng vượt tầng…). Hơn ai hết, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan nắm rõ vấn đề quy hoạch, chỉ giới chiều cao cho phép và cũng chính là cơ quan cấp phép xây dựng. Trách nhiệm này phải được làm rõ.

Giải quyết hậu quả là điều không ai muốn nhưng phải làm, dù rằng điều này động chạm rất nhiều vấn đề, mà trước hết là tiền bạc. Một mét vuông chung cư ở cao ốc 8B Lê Trực được rao bán với giá khoảng 80 triệu đồng. Mặt sàn xây dựng cao ốc này gần 18.000m², vậy tính sơ bộ mỗi sàn cũng tương ứng 140 tỷ đồng, trừ diện tích chung khoảng 30% còn khoảng 100 tỷ đồng. Như vậy, cắt một tầng là cắt mất 100 tỷ đồng, nhích thêm một tầng cũng có thêm 100 tỷ đồng. Tòa nhà 18 tầng nếu cắt 7 tầng để còn 11 tầng như chỉ giới quy hoạch thì nhà đầu tư mất 700 tỷ đồng. Đó là con số khủng của dự án, lý giải vì sao người ta luôn tìm cách nhích tầng lên. 

Thiệt hại khi cắt ngọn là lớn, nhưng sẽ mất lớn hơn nhiều nếu giữ nguyên, đó là mất niềm tin, mất kỷ cương phép nước, đặc biệt ở vị trí nhạy cảm và liên quan trực tiếp đến an ninh, quốc phòng như khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Minh Đăng
.
.
.