Khi nhân dân là người giám sát

Thứ Hai, 19/03/2018, 09:19
Ngày 16-3, mạng xã hội đăng tải đoạn video quay cảnh vi phạm của một nữ tài xế quay đầu xe trên cầu Cót (Hà Nội). Ngay lập tức, dư luận ào ào phản ứng hành vi và thái độ ứng xử của người này. Thậm chí sau đó, danh tính và vị trí công tác của chị này cũng được công khai ngay trong các bình luận bên dưới video.

Từ những vụ việc như trên mới thấy rằng, bất kể một hành vi nào ở nơi công cộng cũng đều bị giám sát chặt chẽ bởi hàng nghìn, hàng triệu “tai mắt” của nhân dân.

1. Hình ảnh vi phạm của nữ tài xế đã được một lái xe phía sau ghi lại và đưa lên trang facebook Otofun. Từ đoạn video đó, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã mời người phụ nữ này lên trụ sở làm việc và phạt hành chính 1,35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng vì các lỗi vi phạm. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc mà người dân tự giám sát, phát hiện và đưa lên mạng xã hội.

Cơ quan chức năng căn cứ vào đó, coi đó là một nguồn thông tin quan trọng để làm công tác quản lý nhà nước. Trong vụ việc này, chúng ta có thể coi đó là điển hình của việc giám sát, phát hiện hành vi vi phạm.

Ở đây chúng ta không bàn đến mặt trái của mạng xã hội mà chỉ đề cập đến tác dụng do nó mang lại. Bất kể người dân nào cũng có thể sử dụng mạng xã hội và lấy đó là công cụ để phản ánh thực trạng xã hội một cách dễ dàng nhất. Một hành động đẹp trên đường cũng được biểu dương trên mạng xã hội.

Một hành vi xấu cũng được chia sẻ ngay cho cộng đồng và nó lan truyền với cấp số nhân. Thế nên, mọi người bảo nhau phải sống có ý thức và chỉn chu, nhất là các cán bộ nhà nước, những người đã khoác trên mình chiếc áo để làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Lời nói, hành vi của mỗi người, bất kể là người dân hay cán bộ đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật, thuận theo phép tắc ứng xử của người Việt Nam. Nếu đi chệch quỹ đạo, ắt người đó sẽ phải lĩnh hậu quả.

Tôi tin rằng, sau khi bị tung đoạn video trên mạng, chắc hẳn vị nữ tài xế kia đã rất xấu hổ và ước rằng, giá mình có cách hành xử khác. Vụ việc này lại thêm một bài học cho mỗi người dân.

2. Có lẽ, chưa bao giờ có tiền lệ các cán bộ công chức của Hà Nội phải có một phiên giải trình trước Hội đồng nhân dân TP như vừa qua. Những tồn tại ở các cơ quan, công sở như tình trạng “cò mồi” giấy phép lái xe ở Sở GTVT, mua bán giấy khám sức khỏe, dịch vụ làm thủ tục nhanh, thái độ công chức chưa phù hợp như ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa), phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), vụ liên quan đến Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân va chạm với người dân... đều phải có giải trình từ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

Việc ban hành hai bộ quy tắc (Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội) và việc triển khai thực hiện quy tắc này cho thấy, Hà Nội đang quyết tâm, tạo bước chuyển biến trong cải cách hành chính để định hình những chuẩn mực văn hóa của cơ quan, cá nhân nơi công cộng. Người dân Thủ đô luôn mong mỏi thành phố sẽ thực hiện triệt để quy tắc này để người dân tạo thói quen ứng xử văn hóa, đồng thời người dân cũng không phải ám ảnh, ngại ngần khi đến nơi vốn trước đây vẫn gọi bằng cái tên xa lạ mà lạnh lùng - “cơ quan công quyền”.

Để thực hiện được mục tiêu ấy, ngoài việc nghiêm khắc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng thì một yếu tố rất quan trọng là phải phát huy vai trò giám sát của chính người dân. Khi người dân không hài lòng, phản ánh thái độ ứng xử của cán bộ công chức thì ngay lập tức vị cán bộ đó sẽ phải giải trình, nhẹ thì chỉnh sửa thái độ, cung cách ứng xử, nặng thì xử lý kỷ luật, điều chuyển công tác…

Những vụ việc mà Hà Nội vừa chấn chỉnh như trên cho thấy, vai trò giám sát của người dân không chỉ thể hiện tại nơi các cơ quan hành chính nhà nước làm việc mà ở nơi công cộng, nơi mọi người dân đều tham gia các hoạt động bình đẳng như nhau thì cũng đều có sự giám sát của người dân.

Nói rộng ra, liên hệ với vấn đề đấu tranh chống tham nhũng hiện nay cũng vậy. Kênh thông tin, giám sát của nhân dân là một kênh vô cùng quan trọng và hiệu quả giúp Đảng phát hiện cán bộ sai phạm. Cơ quan Công an dựa vào dân để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình như lời Bác Hồ dạy, nhân dân ta có hàng chục triệu người và mấy chục triệu tai, mắt, nếu biết dựa và dân thì việc gì cũng xong.

Bất kể người dân hay công chức, quan chức thì cũng đều phải sống và làm việc có trách nhiệm, chỉn chu, chấp hành pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi. Bởi, mọi hành vi đều được người dân, cộng đồng giám sát.

Việt Hà
.
.
.