Khắc phục tình trạng “thân quen, cánh hẩu” trong công tác cán bộ

Thứ Năm, 10/05/2018, 07:19
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của cán bộ và công tác cán bộ trong sự nghiệp cách mạng và công tác xây dựng Đảng. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta rút ra kết luận: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.

Từ nhận thức sâu sắc về vai trò của cán bộ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ.

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín; có tư duy đổi mới, khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Sự trưởng thành và phát triển của đội ngũ cán bộ các cấp là nhân tố quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước.

Bên cạnh đó, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.

Từ kết quả tổng kết 20 năm thực hiện chiến lược cán bộ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chỉ rõ: “Trong công tác cán bộ vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Vẫn có cán bộ năng lực hạn chế, vi phạm kỷ luật, không gương mẫu, để xảy ra mất đoàn kết hoặc không đủ thời gian công tác vẫn được bố trí vào chức vụ cao hơn. Việc bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân cán bộ lãnh đạo vẫn xảy ra ở một số nơi, thậm chí xuất hiện khái niệm bổ nhiệm “thần tốc”.

 Có một thực tế đáng suy nghĩ, tình trạng “lạm phát cấp phó” không phải là hiện tượng cá biệt mà diễn ra ở nhiều nơi: Một Sở Lao động, Thương binh và Xã hội 46 biên chế nhưng có tới 44 người là lãnh đạo từ phó trưởng phòng trở lên; có Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm vượt cơ cấu 23 lãnh đạo; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở một tỉnh có đến 8 phó giám đốc....

Hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Năm 2016, Bộ Nội vụ đã chỉ ra 9 địa phương, đơn vị có hiện tượng “cả nhà làm quan”.

Đáng chú ý là nhiều trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, điển hình là ở các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định...

Dư luận đặc biệt quan tâm đến hiện tượng thăng tiến một cách “thần tốc” của nhiều người, như ông Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Công thương, bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, ông Vũ Minh Hoàng ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ...

Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có thể thấy rõ, chúng ta đã có nhiều bước “đột phá” trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những vấn đề cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời kỳ mới.

Công tác cán bộ tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, còn nhiều khe hở, lỗ hổng để một số người lạm dụng, lợi dụng quyền lực để làm những việc sai quy định. Những trường hợp cán bộ có sai phạm vừa qua cho thấy công tác cán bộ có nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện, từ quy trình bổ nhiệm, quy định trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu, đến xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực...

Thời gian qua, dư luận đặt câu hỏi: Quy trình bổ nhiệm cán bộ đúng, mà sao vẫn lọt cán bộ yếu kém, nhiều người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vẫn được bổ nhiệm?

Qua những vụ xử lý sai phạm về công tác cán bộ thấy rằng, trên thực tế việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ đã được hợp thức hóa theo ý chủ quan, áp đặt của người đứng đầu; công tác đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, xuê xoa, không thực chất, có trường hợp cán bộ yếu kém, đang bị kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật vẫn được nhận xét tốt, vẫn đạt 100% phiếu đồng ý bổ nhiệm.

Công tác cán bộ hiện nay đang thuộc trách nhiệm của cấp ủy, của tổ chức, nên không rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đây chính là điều kiện để người đứng đầu núp dưới bóng tập thể cấp ủy để thực hiện ý đồ cá nhân, trong khi cấp ủy không phát huy được vai trò trách nhiệm, nguyên tắc tập trung dân chủ bị xem nhẹ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm quyền trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua là do thiếu những biện pháp hiệu quả để giám sát, kiểm soát quyền lực của người được giao quyền.

Việc giao quyền nhưng không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ đã tạo cơ hội cho một số người lợi dụng làm trái quy định, bổ nhiệm cán bộ một cách tràn lan, họ sử dụng quyền được bổ nhiệm cán bộ như một thứ để “ban phát” cho người nhà, người thân, “cánh hẩu”… dù những người này không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Công tác cán bộ luôn được xác định là vấn đề trọng yếu, là khâu then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Song những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ là một điểm yếu, cản trở sự phát triển của đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị truy tố, đưa ra xét xử trong thời gian qua cũng là hệ quả từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ.

Vì vậy, yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay là phải đổi mới mạnh mẽ, tạo những bước “đột phá” có tính căn bản và toàn diện để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới.

Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp lớn, có tính đột phá nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong đó, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải trả lời cho được câu hỏi vì sao quy trình công tác cán bộ đúng, nhưng bố trí con người cụ thể lại sai? Làm gì để khắc phục tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa?...      

Để trả lời những câu hỏi trên, trước hết cần sớm hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế, quy trình, cơ chế trong công tác cán bộ, bảo đảm đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp nhằm bịt kín những kẽ hở, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, nạn “chạy chức”, “chạy quyền”…

Quy chế, quy trình công tác cán bộ phải bảo đảm chặt chẽ để người muốn “chạy chức”, “chạy quyền” cũng “không thể chạy” và “không dám chạy”. Đồng thời, cần quy định cụ thể trách nhiệm của tập thể cấp ủy, của từng thành viên cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ nhằm khắc phục tình trạng dựa dẫm vào tập thể hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp thức hóa, thực hiện ý đồ cá nhân.

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bằng các quy định của pháp luật, quy định của Đảng, bảo đảm kiểm soát, giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa sự lạm quyền trong công tác cán bộ.

Trong kiểm soát quyền lực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra Đảng và thanh tra, kiểm toán Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác cán bộ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên đối với việc bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ. Mọi dấu hiệu không bình thường trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cần được kịp thời xem xét, kết luận; nếu vi phạm phải xử lý nghiêm minh, “không có vùng cấm”.

Chỉ như thế mới đẩy lùi được nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lạm quyền trong công tác cán bộ. Phải tạo bước đột phá trong công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ.

Thực hiện chế độ thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý để tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ nhằm lựa chọn được người có phẩm chất và năng lực, bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc, qua đó tạo cơ chế thu hút, trọng dụng người đủ đức, đủ tài.

Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng. Làm tốt công tác cán bộ, đất nước sẽ có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp “vừa hồng, vừa chuyên”, “đủ tâm, đủ tầm” để đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Nhân dân đang rất kỳ vọng vào Hội nghị Trung ương 7, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao sẽ đưa ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, có tính đột phá về công tác cán bộ. Khi kỳ vọng được đáp ứng, niềm tin của nhân dân sẽ được nâng lên.

Đại tá, PGS, TS Trần Quang Tám, Phó Cục trưởng Cục Chính trị An ninh
.
.
.