Trò chuyện chủ nhật

Kết nối cung cầu lao động còn bị chia cắt, manh mún

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:58
Làm thế nào để giải bài toán việc làm cho học viên ra trường, nâng cao công tác đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập hiện nay đang là thách thức đối với các trường dạy nghề và các cơ quan quản lý. PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Học viên học nghề ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, thế nhưng có một nghịch lý đang tồn tại là nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động. Rất nhiều nguyên nhân đã được đưa ra từ các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Làm thế nào để giải bài toán việc làm cho học viên ra trường, nâng cao công tác đào tạo nghề trong bối cảnh hội nhập hiện nay đang là thách thức đối với các trường dạy nghề và các cơ quan quản lý. PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.                                                                                                           

PV: Thưa ông, có một vấn đề đang tồn tại, đó là công tác đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động về tay nghề, các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp. Đây là đánh giá đã được đưa ra tại một cuộc hội thảo do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức mới đây. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Hồng Minh.

TS Nguyễn Hồng Minh: Đúng là nhìn tổng thể, đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nói riêng và nhu cầu của thị trường lao động nói chung, nhất là về các kỹ năng mềm và tác phong công nghiệp. Có những nguyên nhân đã được nêu ra, trong đó có nguyên nhân trong một thời gian dài các trường nghề chỉ chú trọng đến đào tạo lý thuyết của nghề, phần thực hành còn mang tính hình thức và đặc biệt chưa gắn với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Mặt khác, do thiết kế của chương trình nên các trường chưa chú trọng đến giáo dục ý thức kỷ luật và đào tạo kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc theo tổ nhóm, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa... các hạn chế này hiện nay đang dần được khắc phục.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng đào tạo nghề ở Việt Nam chủ yếu học nặng về lý thuyết mà không được thực hành nhiều. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc lao động được đào tạo ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động?

TS Nguyễn Hồng Minh: Trong chương trình đào tạo việc phân bổ thời gian giữa lý thuyết và thực hành trong các môn học, mô đun trình độ trung cấp nghề là: Lý thuyết chiếm 15%-30%, thực hành chiếm 70-85%; trình độ cao đẳng nghề là: Lý thuyết chiếm 25%-35%, thực hành chiếm 65-75%.

Với cách kết cấu chương trình nêu trên, thời gian dành cho đào tạo thực hành rất nhiều, cùng với việc được đầu tư trang thiết bị dạy nghề có số lượng và chất lượng nên đã tạo điều kiện tăng cường thực hành cho học sinh, sinh viên. Mặt khác các cơ sở dạy nghề tăng cường gắn với doanh nghiệp trong đào tạo và đưa người học đi thực tập nâng cao kỹ năng.

 Vì vậy, lao động qua đào tạo bước đầu đáp ứng được thị trường lao động có chất lượng cao cho các KCN, KCX, các ngành kinh tế mũi nhọn, các doanh nghiệp FDI và cho xuất khẩu lao động.

PV: Chương trình đào tạo nghề ít được cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở dạy nghề còn lỏng kẻo…Ông có thể nói rõ hơn về những bất cập trong công tác đào tạo nghề của chúng ta hiện nay?

TS Nguyễn Hồng Minh: Việc xây dựng chương trình đào tạo trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề đều dựa trên kết quả phân tích nghề, phân tích công việc với sự tham gia của các doanh nghiệp đảm bảo các nội dung phù hợp với kỹ thuật công nghệ, thị trường lao động. Trong chương trình khung quy định thời gian thực học tối thiểu dành cho các môn học, mô-đun đào tạo nghề bắt buộc chiếm 70% - 80%; thời gian thực học tối thiểu dành cho các môn học, mô đun đào tạo nghề tự chọn chiếm 20% - 30%; các cơ sở dạy nghề chủ động xây dựng, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung theo sự phát triển của khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, trong công tác dạy nghề vẫn còn một số bất cập như: đội ngũ giáo viên dạy nghề tuy đã được đào tạo, nâng cao về kỹ năng nghề nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chi phí đào tạo nghề cao, nguồn thu từ học phí và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được thực tế đào tạo, trong khi các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư, dành chi phí cho đào tạo nghề.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc kết nối giữa cung và cầu, giữa nhà trường và doanh nghiệp để tạo cơ sở đầu ra cho học viên hiện nay của các trường dạy nghề?

TS Nguyễn Hồng Minh: Hiện nay mối quan hệ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mối quan hệ này vẫn lỏng lẻo, mang tính tự phát, tình cảm nhiều hơn là mang tính pháp lý, tính trách nhiệm. Các cơ sở dạy nghề chưa có được thông tin đầy đủ từ doanh nghiệp về nhu cầu cụ thể về số lượng, về cơ cấu ngành nghề, về kỹ năng doanh nghiệp cần có cho mỗi nghề. Ngược lại, doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin về năng lực đào tạo của nhà trường. Chính vì vậy, luôn có độ "vênh" giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu trung lại có các nhóm: Thứ nhất, hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động của quốc gia còn hạn chế, thậm chí còn bị chia cắt, manh mún; Thứ hai, chưa phát huy vai trò và chưa có các quy định về pháp lý để doanh nghiệp là một trong các chủ thể tham gia đào tạo nghề. Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có 1 chương quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng quy định này chưa đi vào cuộc sống.

PV: Có ý kiến cho rằng, học viên học nghề ra đi tìm việc làm hiện nay giống như “bơi trên cạn”. Bên cạnh đó còn một nghịch lý nữa là nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp lại không tuyển được lao động. Ý kiến của ông về vấn đề trên như thế nào?

TS Nguyễn Hồng Minh: Trong những năm qua, tình hình giải quyết việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã đạt được kết quả khả quan. Thực tế đối với những học sinh, sinh viên học các nghề kỹ thuật không thể nói khó khăn trong việc làm được. Xin nếu mấy con số: năm 2015 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 70,2%, trong đó tỷ lệ sinh viên cao đẳng nghề ra trường có việc làm đạt 68,3 %, trung cấp nghề đạt 71,5%.

Tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư trọng điểm trở thành trường chất lượng cao vào năm 2020, tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐN, TCN đạt 77%. Một số nghề có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò (98%), hàn (91%), điện công nghiệp (88%), cắt gọt kim loại (87%), công nghệ ôtô (83%), kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (81%)...

Nhiều trường cao đẳng nghề khi tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên ra trường, doanh nghiệp đã trực tiếp đến tiếp nhận ngay. Qua đánh giá học nghề, tỷ lệ thất nghiệp thấp. Để tránh tình trạng học xong ra trường không tìm được việc làm, xu hướng hiện nay học sinh trung học phổ thông đã hướng vào đăng ký học các trường nghề.

PV: Giải pháp nào để có thể bảo đảm người học nghề có việc làm sau tốt nghiệp, thưa ông? Việc xây dựng hệ thống dữ liệu để dự báo được cung – cầu, đặc biệt là cầu thị trường lao động để từ đó xác định từng ngành nghề đào tạo cần phải được xây dựng như thế nào trong điều kiện hiện nay?

TS Nguyễn Hồng Minh: Để đảm bảo người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp, chúng tôi đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp chủ yếu sau: Tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề, tập trung đầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế để thu hút người học tham gia đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho vùng kinh tế động lực, khu công nghiệp, khu chế xuất và hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi học nghề; tổ chức đào tạo nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp; mời doanh nghiệp tham gia vào các khâu của quá trình đào tạo, tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với học sinh, sinh viên tốt nghiệp; Về xây dựng hệ thống dữ liệu cung - cầu  của thị trường lao động, chúng tôi cho rằng phát triển thông tin và dự báo thị trường lao động đang là một yêu cầu cần thiết để thỏa mãn cung cầu lao động hiện nay.

Ứng dụng công nghệ thông tin để hình thành hệ thống dự báo nhu cầu đào tạo nghề; bảo đảm dự báo nhu cầu đào tạo chính xác, kịp thời; xác định rõ cơ cấu nghề đào tạo, cơ cấu cấp trình độ đào tạo và theo vùng miền để cung cấp thông tin cho người học lựa chọn nghề phù hợp, đảm bảo có việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó các cơ sở dạy nghề cần chủ động thu thập thông tin thị trường lao động, đặc biệt là thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp; liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy nghề, giúp người lao động sau khi tốt nghiệp có đầy đủ kỹ năng làm việc cần thiết tham gia vào thị trường lao động.

PV: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đặc biệt khi chính thức hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tới đây, nhiều người lo ngại rằng lao động Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với lao động các nước có chuyên môn tay nghề cao. Tổng cục Dạy nghề có giải pháp gì để nâng cao chất lượng?

TS Nguyễn Hồng Minh: Khi tham gia AEC, lao động Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo (theo bằng cấp, trình độ danh nghĩa) của Việt Nam chỉ chiếm 20-22% trong tổng số lực lượng lao động. Điều đó có nghĩa gần 80% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo và đương nhiên, họ chỉ làm được những công việc giản đơn, khu vực có năng suất lao động thấp.

Mặt khác, trong số 20-22% lao động qua đào tạo thì như đã nêu, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm vẫn hạn chế, đặc biệt là ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, tính chuyên nghiệp trong công việc với tình trạng này, khi hội nhập AEC, lao động có tay nghề của Việt Nam gặp nhiều bất lợi, khó cạnh tranh ngay trên thị trường lao động trong nước.

 Để khắc phục điều này, các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đổi mới tập trung vào đổi mới chương trình đào tạo trong đó tăng cường đào tạo cả kiến thức và kỹ năng nghề; cả kỹ năng mềm, an toàn lao động và tác phong công nghiệp. Phải đổi mới phương thức đào tạo và cách đánh giá người học. Đặc biệt là phải có sự vào cuộc thực chất của doanh nghiệp từ xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, tổ chức thực hành cho học sinh, đánh giá kết quả đào tạo. Mặt khác, đẩy mạnh công tác đánh giá kỹ năng nghề theo các tiêu chuẩn khu vực.

Để tập trung đào tạo nhân lực phục vụ hội nhập, theo quyết định của Chính phủ đã lựa chọn 45 trường nghề để đầu tư tập trung phát triển đến năm 2020 thành trường chất lượng cao; chuyển giao các bộ chương trình đào tạo nghề cấp độ quốc tế; hiện nay đang tích cực triển khai đào tạo thí điểm 12 nghề đã chuyển giao từ Úc tại 25 trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng nghề của Úc. Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên chắc chắn nhân lực qua đào tạo nghề của Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh với nhân lực quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.