Kế “sâu rễ bền gốc” và vận hội đất nước năm 2016

Chủ Nhật, 14/02/2016, 09:09
“Tết đến tấn tài/Xuân sang đắc lộc/Gia đình hạnh phúc/Vạn sự cát tường!”- Lời chúc phúc gợi khát vọng của muôn dân và vận hội của dân tộc vào thời khắc đón Xuân Bính Thân 2016 xuyên suốt cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo CAND với Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc. 

Ngược dòng lịch sử, năm Thân, không ít anh hùng hào kiệt tuổi Thân đã ghi dấu vàng son trong lịch sử phát triển của dân tộc, khiến chúng ta tự hào và kỳ vọng Xuân Bính Thân đem đến nhiều thành công khi biết nắm bắt vận hội…

Phóng viên (PV): Xin chúc Giáo sư, Tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Ngọc cùng gia đình một năm mới nhiều sức khỏe, an khang, thịnh vượng. Là nhà sử học, Xuân Bính Thân đến gợi mở điều gì với Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Tôi nhớ rất rõ những cứ liệu lịch sử ghi dấu những trang vàng dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, gắn với những năm Thân và Anh hùng hào kiệt tuổi Thân. Trong không khí Xuân sang, lòng người hòa quyện, nhận thấy rất rõ những tín hiệu lạc quan của một năm vận hội cho mỗi người cũng như của đất nước hứa hẹn những thành công.

PV: Những cứ liệu thêm tự tin, dự cảm làm lòng người phấn chấn. Giáo sư có thể dẫn ra một vài ví dụ?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Xin bắt đầu từ những người tuổi Thân có đóng góp rất quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc, điển hình như Nguyễn Trãi, sinh năm Canh Thân 1380. Theo quan niệm từ xa xưa, người tuổi Thân có tố chất thông minh bẩm sinh, trí tuệ cao, không chỉ có cách suy nghĩ nghiêm túc, cẩn thận, mà còn giỏi tùy cơ ứng biến, có năng lực tạo dựng cơ đồ, tạo nên những thành công lớn vượt tầm… nhưng họ cũng là những người chịu nhiều gian khổ, trắc trở.

Chúng ta đều biết, Nguyễn Trãi là nhà ái quốc vĩ đại, Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Với lòng yêu nước cháy bỏng, ông đã cùng Lê Lợi lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, viết bản “Bình Ngô đại cáo” tổng kết chiến thắng oanh liệt của dân tộc: “Chẳng những mưu kế cực kỳ sâu xa/ Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy/ Xã tắc do đó vững bền/ Non sông từ đây đổi mới…); với sở học uyên bác, trí tuệ sắc bén, hết lòng hết sức phụng sự dân tộc, ông trở thành nhà chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, nhà ngoại giao, bậc hiền tài quốc gia với tư tưởng nhân nghĩa trác việt: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo…”. 

Tôi muốn nhấn mạnh, nhân nghĩa ở đây được Nguyễn Trãi xác định một cách rõ ràng mục tiêu quang minh chính đại của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đồng thời “nhân nghĩa” là vũ khí tinh thần tối quan trọng hiệu triệu nhân dân kháng chiến, là độc tố làm rệu rã tinh thần quân giặc, đạt được mục tiêu kháng chiến thắng lợi. Với Nguyễn Trãi, con đường chính đạo mà ông luôn nung nấu là thực hành “nhân nghĩa để yên dân”. Lòng yêu nước trong ông gắn với khái niệm “ái dân, cận dân”. Nói cách khác, với ông, lòng ái dân là thước đo tuyệt đối của lòng ái quốc.

Một danh nhân khác trong lịch sử dân tộc tài-đức, văn-võ song toàn đó là Nguyễn Cư Trinh, sinh năm Bính Thân 1716, tại Thừa Thiên - Huế, vừa rồi chúng ta kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông. Ông không chỉ nổi tiếng với các công trình văn hóa ở đàng trong, mà nổi bật là một nhà chiến lược gia vĩ đại trong công cuộc mở đất, đồng thời trực tiếp tổ chức công cuộc mở đất, xác lập chủ quyền quốc gia cho giang sơn gấm vóc đất nước ta như ngày nay.

PV: Thế còn những dấu mốc năm Thân nổi bật trong lịch sử, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Chỉ tính từ thời Trần, thì năm Giáp Thân 1284, trước tình thế đất nước lâm nguy, quân Nguyên Mông sau thất bại lần một năm 1258 đã quay trở lại xâm lược nước ta. Vua Trần tổ chức Hội nghị Diên Hồng lấy ý kiến các vị bô lão trong cả nước, sử chép lại không khí “bừng bừng khí thế quyết đánh”, vua tôi một lòng kháng chiến thắng lợi vào năm 1285. Từ đó, tinh thần Diên Hồng trở thành truyền thống đoàn kết, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 5 Tết vừa qua, chúng ta kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2016). Nhưng thực chất, ngọn nguồn của chiến thắng bắt đầu từ năm Mậu Thân (1788). Vào thời điểm này, giặc Thanh kéo 29 vạn quân xâm lược nước ta với mục tiêu tiêu diệt quân kháng chiến tại Thăng Long, sau đó kéo vào Huế. Ngay sau đó, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, hiệu triệu nhân dân, thu phục binh lính, thần tốc hành quân ra Bắc với quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”, tức là đánh để sử sách ghi chép nước Nam này ngàn đời có chủ. Đây được xem là tuyên ngôn độc lập lần thứ ba của dân tộc.

Và gần đây nhất là Tết Mậu Thân 1968, chúng ta tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, tạo thế chiến lược, khẳng định chúng ta có đủ khả năng đánh bại đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc.

PV: Ngày Xuân trở lại với những bài học cả thành công và thất bại trong lịch sử, dõi vào bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để phát huy thế mạnh và hạn chế cái yếu, hội nhập mà không bị hòa tan, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Nhìn vào sự thành công trong lịch sử dân tộc, đương nhiên là có vai trò to lớn, sức mạnh đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Nhưng đi liền với những chiến thắng vĩ đại và sự hưng thịnh ở mỗi thời kỳ đều gắn với tên tuổi của những vị Anh hùng hào kiệt. Các vị đó là tinh hoa của đất nước, của dân tộc. Những tinh hoa ấy đã sáng suốt tìm được đường hướng cho dân tộc theo đi và phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là phải biết khai thác, huy động cao độ sức mạnh nguồn lực từ nhân dân. Trong bài học kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Trần Nhân Tông khi đến thăm Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo có nói một câu đại ý: Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách để giữ nước. Chính sách đó quán triệt một phương châm: Để cho tận thôn cùng xóm vắng, không còn tiếng hờn giận oán sầu! Cũng có bài học đau xót dẫn tới thất bại của đời nhà Hồ, nguyên nhân như Nguyễn Trãi tổng kết: “Vì họ Hồ chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận”.

PV: Vấn đề đặt ra là làm thế nào để huy động được cao độ sức dân, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh để kiến thiết đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Bài học lịch sử cho thấy, muốn huy động được sức dân thì các chính sách phải vì dân. Nguyễn Trãi coi “ái dân, cận dân” là thước đo lòng yêu nước. Điều này đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói đại ý, phải gần dân, trọng dân, rồi mới vì được dân. Để cho người dân thấy được vai trò của họ trong từng chủ trương, chính sách, phát huy khả năng đóng góp của họ, và cuối cùng chính họ là người được thụ hưởng thành quả của các chính sách đó. Huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới hiện nay là chủ trương đúng. Nhưng huy động quá mức, mắc “bệnh thành tích” để dân mắc nợ khi phải hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì lại không đúng, không hợp lòng dân. Trong quá trình hội nhập, yếu tố bên trong - đoàn kết dân tộc, phát huy tinh thần tự chủ sáng tạo của mọi người, mọi ngành giữ vai trò quyết định thành công.

PV: Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay chịu tác động của yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, cả khách quan và chủ quan... Vậy theo Giáo sư, đâu là những yếu tố cốt lõi để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Cơ hội và thách thức đan xen hiện nay đặt ra không riêng gì cho Việt Nam. Vấn đề là phải chủ động đồng hành, với tư chất, tài trí của dân tộc ta, con người Việt Nam ta mà lịch sử đã chứng minh. Hội nhập để phát triển, nhưng muốn phát triển thì phải chủ động hội nhập, như Đảng đã chủ trương. Phát huy tinh thần nhân nghĩa, chúng ta đã có quan hệ đa phương với bạn bè quốc tế; hội nhập sâu rộng với các tổ chức kinh tế thế giới; ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, người Việt Nam đã chứng tỏ tài trí thông minh, cần cù, sáng tạo và đạt nhiều thành công. Bước sang Xuân Bính Thân, chúng ta có tiền đề rất quan trọng là Hiến pháp 2013 có nhiều sửa đổi theo hướng tôn trọng, mở rộng quyền con người; nhiều đạo luật được xây dựng phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới; Đại hội Đảng XII thành công… Tôi cho rằng, dù có nhiều thách thức, thì với tinh thần đó, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta nhất định đạt được thành công.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư và một lần nữa chúc Giáo sư cùng gia đình một năm mới sức khỏe, tràn đầy sức sáng tạo và thành công!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.