Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa"

Học tập, làm theo Bác – những góc nhìn từ thực tiễn (tiếp theo)

Thứ Năm, 02/11/2017, 09:00
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Vậy mà nhiều cán bộ lãnh đạo lại quên đi điều đó.


Điều cốt yếu nhất là học Bác về việc chống chủ nghĩa cá nhân 

Một điều dễ nhận thấy, những gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác là những con người rất đỗi bình dị, họ là những cựu chiến binh, thương bệnh binh, cán bộ làm công tác mặt trận ở cơ sở, những người công nhân, nông dân hay những chiến sĩ trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm. Mặc dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng những việc họ làm lại hết sức cao cả, mang đậm tính nhân văn.

Trong khi đó, những người tham ô, tham nhũng, tham vọng địa vị, tiền tài... lại là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong cơ quan nhà nước. Lẽ ra, họ phải là người gương mẫu, đi đầu trong việc học tập và làm theo Bác, nhưng họ lại nêu gương xấu, là “một bộ phận không nhỏ” suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở: “Cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Vậy mà nhiều cán bộ lãnh đạo lại quên đi điều đó.

Nguyên nhân nào đã khiến họ đi đến chỗ tha hoá, biến chất? Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã rất đúng khi khẳng định nguyên nhân sâu xa, chủ yếu là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất...

Vì sa vào chủ nghĩa cá nhân mà có không ít người đề cao lối sống vị kỷ, hưởng thụ, chạy theo vụ lợi... Và không chỉ dừng ở lợi ích cá nhân, nhiều người còn câu kết, hình thành các “lợi ích nhóm”. Họ cùng nhau tham nhũng, tham ô tài sản, bòn rút hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước thông qua các dự án, các chương trình đầu tư, các công ty “sân sau”, công ty con, công ty cháu, công ty nhánh của gia đình; hoặc thông qua cách điều hành, quản lý mập mờ, không minh bạch.

Vì lợi ích của Công ty Cường Hưng nơi chồng mình là cổ đông sáng lập, là Chủ tịch Hội đồng thành viên mà bà Phan Thị Mỹ Thanh đã ký một số văn bản trái quy định của pháp luật, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Cũng vì lợi ích cá nhân, bà Hồ Thị Kim Thoa đã làm một số việc không đúng với chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp của Nhà nước. Những vụ án gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, phải chăng do thiếu trách nhiệm hay do lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”?

Nghiêm trọng hơn, vì lợi ích cá nhân, thậm chí “lợi ích nhóm”, một số cán bộ lãnh đạo liên quan đến vụ án xảy ra ở Công ty VN Pharma đã chà đạp lên những giá trị đạo đức để trục lợi trên sức khoẻ, tính mạng của người khác. Còn chuyện, vì lợi nhuận mà người ta đã bất chấp đạo lý, tiêm vào hàng nghìn con lợn chuẩn bị giết mổ những liều thuốc an thần, có thể gây nguy hại tới sức khoẻ người tiêu dùng...

Bác Hồ từng cảnh báo, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó trói buộc, nó bịt mắt, nó khéo dỗ dành người ta xuống dốc. Do chủ nghĩa cá nhân mà nhiều người sa vào tham ô, tham nhũng, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, làm trái đường lối, chính sách của Đảng, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nó ngăn trở người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. 

Một khi cán bộ, đảng viên không trong sạch về đạo đức, không trong sáng về lối sống thì sẽ rất khó để vượt qua được những cám dỗ của lợi ích vật chất, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hoá chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, cán bộ, đảng viên sẽ không có tinh thần vì nhân dân phục vụ, thay vào đó là thái độ “xem khinh quần chúng”, “đục khoét của nhân dân”.

Nếu cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị nào, làm bất cứ việc gì cũng luôn nghĩ đến lợi ích chung của Đảng thì sẽ không có sự so đo, tính toán thiệt hơn, kèn cựa về mặt hưởng thụ mà luôn tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nếu mỗi người đều biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước và nhân dân thì sẽ không có các biểu hiện công thần, quan liêu, kiêu ngạo, hủ hoá... mà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Vì vậy, điều cốt yếu nhất trong học tập và làm theo Bác, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau”. Chống chủ nghĩa cá nhân là đòi hỏi khách quan trong mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức.

Song, đây là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, bởi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, mà nó ẩn nấp trong tư tưởng, trong suy nghĩ và hành vi của mỗi con người: “Kẻ địch ấy lại không thể lấy súng bắn vào được. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó”. Để loại trừ chủ nghĩa cá nhân, ngoài những giải pháp về tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, chất lượng sinh hoạt Đảng, siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật và thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng và cấp uỷ các cấp, thì yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định, đó là sự bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện và quyết tâm phấn đấu của cán bộ, đảng viên trong việc học và làm theo Bác.

Bản thân mỗi người phải làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc tự giác, thường xuyên hằng ngày.

Học Bác là học cái tâm, cái đức, cái trí, nhất là tư tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng và phong cách chuẩn mực của Hồ Chí Minh để làm tốt những việc được phân công theo chức trách, nhiệm vụ của mình, để trở thành con người như lời Bác dạy, nên người Bác mong. Học và làm theo Bác không khó, ai cũng có thể học được, làm theo được, nhất là tấm gương đạo đức của Người.

Mỗi người hãy làm những việc mà mình cho là hợp với lẽ đời, đúng với đạo lý và không làm bất cứ điều gì khiến lương tâm mình bị cắn rứt, cảm thấy hổ thẹn. Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, bình dị nhất trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Nếu mỗi người luôn nghĩ về Bác với một lòng thành kính, chúng ta sẽ cảm thấy như có sự thanh lọc bởi chính tâm hồn mình, để phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, làm việc hiệu quả, xứng đáng với Bác hơn nữa.

Đại tá, TS Trần Quang Tám
.
.
.