Học tập, làm theo Bác - những góc nhìn từ thực tiễn

Thứ Tư, 01/11/2017, 09:23
Bác Hồ thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải: “Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr.217). Thế nhưng, hiện nay vẫn có không ít người tham vọng chức quyền, tìm mọi cách để có quyền lực. Do tham vọng quyền lực, một số người bất chấp tất cả, sẵn sàng chà đạp lên tình anh em, đồng chí, bạn bè, đạo cha con, nghĩa vợ chồng.


Bài học đắt giá cho những ai không chịu tu dưỡng, rèn luyện

Bên cạnh những gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác được xã hội tôn vinh, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên không những không học tập và làm theo, mà còn làm trái với những lời dạy của Bác Hồ. Do không chịu tu dưỡng, rèn luyện, một số cán bộ, đảng viên đã bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, bị sa ngã, tha hoá đạo đức, lối sống trước những cám dỗ của danh vọng, quyền lực, lợi ích cá nhân...

Bác Hồ thường dạy chúng ta: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr.249). Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”...

Đáng tiếc, một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở một số cơ quan, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã thiếu trách nhiệm, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội của đất nước. Do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh mà một số cá nhân trong Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 – 2016 và trong lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã để xảy ra hậu quả hết sức nghiêm trọng về môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Cũng vì thiếu trách nhiệm mà những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã ký ban hành một số văn bản trái quy định của luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại nặng nề, làm thất thoát nguồn vốn đầu tư lớn của Nhà nước. Vì thiếu trách nhiệm của một số cán bộ lãnh đạo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã để cho nhiều dự án, như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2 Lào Cai... hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nghiêm trọng, thất thoát vốn sở hữu của Nhà nước với số tiền trên 4.200 tỷ đồng.

Khi nói về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Bác Hồ thường nhấn mạnh phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Người coi “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân” và căn dặn cán bộ, đảng viên “phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu”.

Vậy mà, lãng phí lại đang là vấn đề lớn, gây tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của đất nước, trong khi nhiều nơi, đồi sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Điển hình là 12 dự án đầu tư kém hiệu quả phải dừng hoạt động hoặc phá sản, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, có dự án thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng.

Bác Hồ thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải: “Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr.217). Thế nhưng, hiện nay vẫn có không ít người tham vọng chức quyền, tìm mọi cách để có quyền lực. Do tham vọng quyền lực, một số người bất chấp tất cả, sẵn sàng chà đạp lên tình anh em, đồng chí, bạn bè, đạo cha con, nghĩa vợ chồng.

Trong công tác cán bộ, Bác luôn căn dặn: “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng… Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”; “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho những đồng chí khác thêm hăng hái”. Nhưng thời gian vừa qua, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn mà theo các “tiêu chí”: “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”, dẫn đến “trào lưu” cán bộ, đảng viên muốn có chức, có quyền thì phải “chạy”; sinh ra nạn “mua quan, bán chức”, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Nguyễn Phong Quang, với cương vị là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trực tiếp ký bổ nhiệm 32 trường hợp không bảo đảm nguyên tắc và không đủ tiêu chuẩn, trong đó có trường hợp Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Tiến Khoa mà dư luận và báo chí nhiều lần nêu. Việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan (44/46 người trong biên chế) ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương lại được ngụy biện là “vì lợi ích chung, vì sự phát triển, vì nhân dân” – như lời ông Lưu Văn Bản, nguyên Giám đốc Sở này? Tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân, người không đủ tiêu chuẩn, bổ nhiệm vượt cơ cấu quy định diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, đang gây bức xúc trong dư luận.

Với tư cách là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người luôn gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Người từng cảnh báo: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, tr.620).

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc này, thể hiện rõ nhất trong công tác cán bộ. Trong việc thực hiện quy trình bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, nguyên tắc tập trung dân chủ đã bị biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân và mưu đồ tiến thân của con người này.

Từ một cán bộ có nhiều sai phạm nghiêm trọng, đang bị kiểm tra, xem xét, bị cho thôi các chức vụ về Đảng và chính quyền, nhưng Trịnh Xuân Thanh vẫn thăng tiến một cách “thần tốc” qua nhiều chức vụ, lên đến Phó Chủ tịch UBND tỉnh, rồi trúng cử đại biểu Quốc hội. Cũng vì xem nhẹ nguyên tắc tập trung dân chủ mà nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã có biểu hiện áp đặt trong việc xem xét, quyết định một số nhân sự của thành phố, trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền, gây phân tâm, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Nhiều lần, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng ta: “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”. Người coi tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng, là “vũ khí thần diệu” để Đảng ta thường xuyên trong sạch, vững mạnh. Thế nhưng, trong thực tế nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều tổ chức đảng.

Trong số hàng chục vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, chưa có vụ nào được phát hiện qua đấu tranh phê bình và tự phê bình. Trong sự thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh, phải chăng tất cả các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nơi Thanh từng công tác, cùng sinh hoạt lại không biết, không nhận ra những khuyết điểm của con người này.

Hay với Giang Kim Đạt, chỉ là một quyền trưởng phòng chưa đến 40 tuổi, xuất thân từ một gia đình ở quê lúa Thái Bình, nhưng có lối sống xa hoa, sở hữu hàng chục biệt thự, căn hộ cao cấp, ô tô hạng sang... tại sao tổ chức Đảng, cơ quan nơi Đạt làm việc không ai nhận thấy sự bất thường về lối sống, sinh hoạt và khối tài sản ấy? Nếu những biểu hiệu bất thường về đạo đức, lối sống của Trịnh Xuân Thanh, của Giang Kim Đạt được phát hiện và chấn chỉnh từ sớm, thì có lẽ sự tha hóa đạo đức, lối sống, trượt dài trên con đường tội lỗi của những cán bộ này đã được ngăn chặn.

Những bản án, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc là bài học đắt giá cho những người thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống. Giờ đây, khi không còn giữ các chức vụ hoặc đang ngồi trong nhà tù, trại tạm giam, liệu họ có suy nghĩ, thấm thía về những điều Bác Hồ đã căn dặn, đã cảnh báo lúc sinh thời. Giá như, họ làm đúng với chức trách của mình, gương mẫu trong việc học tập và làm theo Bác, thì có lẽ họ không phải chịu một kết cục như vậy.

 (Còn tiếp)

Đại tá, TS Trần Quang Tám
.
.
.