Hiểu đúng về chính sách quốc phòng, tránh các luận điệu hướng lái sai lệch

Thứ Hai, 13/05/2019, 07:22
Trên một số tờ báo hải ngoại và diễn đàn mạng gần đây đã đăng tải những bài viết phê phán chính sách quốc phòng của Việt Nam, về đường lối, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.


Luận điệu của các bài viết này là: đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi quân đội phải “độc lập”, cho rằng chính sách quốc phòng “ba không” là lạc điệu “không giống ai”; cùng với đó là những bài viết dựa vào vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo để xuyên tạc, hướng lái nhằm kích động người dân.

Có những bài viết lợi dụng vấn đề phức tạp trên biển Đông để xuyên tạc lịch sử, đưa ra hình ảnh gán ghép, dữ liệu sai lệch, từ đó vin cớ miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phê phán đường lối, chính sách quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Vậy, cần nắm rõ bản chất vấn đề này như thế nào?

Ngày 25-6-2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Quốc phòng (Luật số 22/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, gồm 7 chương, 40 điều. Tại khoản 3, Điều 4, Chương I có ghi: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. 

Chính sách trên thể hiện quan điểm khoa học, đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về quốc phòng nói chung, công tác đối ngoại quốc phòng nói riêng, thể hiện bản chất chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hướng đến sự hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới. Chính sách quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ Tổ quốc. Ngoài mục đích đó, chính sách quân sự của Việt Nam không có mục đích nào khác.

Đảng, Nhà nước Việt Nam tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ, cùng hợp tác để phát triển, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là bạn, là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước truyền thống, các nước lớn trên thế giới và trong khu vực, đưa các mối quan hệ đó vào chiều sâu và thực chất.

Việt Nam ký ba hiệp định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga (2001), Ấn Độ (2007) và Trung Quốc (2008); ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản (2014), đối tác chiến lược với Úc (2018), đối tác toàn diện với Mỹ (2013).

Việt Nam đã tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống; chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); các hoạt động tổ chức giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị với 5 nước (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Myanmar), các hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, kết nghĩa, khám, chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới, diễn tập chung khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa được diễn ra thường xuyên...

Thông qua hoạt động đối ngoại quốc phòng, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn đường lối, chính sách quốc phòng

Đi liền với sự ổn định, phát triển kinh tế của đất nước những năm qua, cùng với “chiều sâu và thực chất” trong mối quan hệ với các nước lớn về lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam đang dần dần từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Các hoạt động mua sắm vũ khí, trang thiết bị những năm qua của Việt Nam đều nằm trong chính sách đối ngoại quốc phòng và chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Hiện nay, trong bối cảnh cục diện thế giới có nhiều thay đổi, những tranh chấp lợi ích chính trị, kinh tế, hoạt động chạy đua vũ trang, lôi kéo quốc gia khác vào vòng xoáy của các nước lớn đã tạo ra môi trường đối ngoại phức tạp, những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, chiến tranh khu vực, tôn giáo, sắc tộc; các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo tiếp tục nóng lên bất thường; chủ nghĩa tư bản thân hữu ở các nước trung lập, các nước theo con đường XHCN được đẩy mạnh. Nhất là trước sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nước lớn cùng với các hoạt động xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có các đảo chiếm đóng trái phép của Việt Nam, hoạt động nhận diện phòng không, đường lưỡi bò,… tạo nên căng thẳng trong khu vực và trong mối quan hệ với Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, các thế lực thù địch phản động đã ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện những thủ đoạn thâm độc nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hóa quân đội, xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng XHCN và đòi hỏi Việt Nam thay đổi chính sách quốc phòng.

Chúng đưa ra luận điệu: “Việt Nam hãy học theo mô hình của Ukraina, thực hiện liên minh với nước khác để tự bảo vệ cho chính mình. Họ cho rằng, khi Việt Nam không thể tự mình đủ sức bảo vệ đất nước thì liên minh là phương cách duy nhất đúng đắn của một nhà nước biết đặt sự an nguy của dân tộc lên trên tất cả”.

Trước âm mưu, hoạt động chống phá nói trên, trước sự biến đổi mau lẹ của tình hình khu vực và thế giới, trước những thuận lợi và khó khăn, thách thức, chúng ta cần giữ vững được sự độc lập về đường lối, cả đối nội và đối ngoại, phải kiên định và giữ vững chính sách ba không trong quốc phòng: “Không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, coi đó là nguyên tắc bất di, bất dịch không thay đổi.

Những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động, nhằm lật đổ chế độ XHCN, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng trước những hành động bất thường trên Biển Đông của các nước lớn, chúng ta càng phải tỉnh táo trước những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bên cạnh chính sách ba không, trong giải quyết tranh chấp với các bên cần kiên định các nguyên tắc: “2B (bình tĩnh, bình thường), bốn tránh (tránh xung đột về quân sự, tránh đối đầu về kinh tế, tránh bị cô lập về ngoại giao, tránh bị lệ thuộc về chính trị), ba điều không để mất (không để mất chủ quyền lãnh thổ, không để mất hòa bình và ổn định, không để mất tình hữu nghị với các nước), 8K (kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm, không để xảy ra xung đột)”. Phát huy sức mạnh tổng hợp, tranh thủ ngoại lực, lấy nội lực là nhân tố then chốt, tranh thủ thời cơ xây dựng đất nước phát triển…

Thực hiện bảo vệ Tổ quốc ngay từ trong hòa bình, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong mọi tình huống, trước mọi thử thách.

Hồng Phú
.
.
.