Trò chuyện Chủ nhật

Lãnh đạo liêm khiết, trong sạch sẽ nêu gương cho cấp dưới, tạo niềm tin cho xã hội

Chủ Nhật, 15/10/2017, 08:59
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý: Người lãnh đạo phải ý thức được trách nhiệm của mình để tập trung công việc, lãnh đạo quản lý. Còn nếu chưa gì đã lợi dụng quyền lực để tham nhũng, để đạt được lợi ích cá nhân của mình thì nói gì nữa, như vậy là tầm thường hóa mình đi, chỉ vì cái nhà, cái đất, cái xe..., tức tự tầm thường hóa vì những lợi ích vật chất trong cuộc sống.

Theo dõi việc Bộ Chính trị, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm gần đây, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, điều quan trọng là làm sao trong việc xử lý kỷ luật vừa mang ý nghĩa răn đe, vừa giáo dục, phòng ngừa chung, cảnh tỉnh, cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác, nhất là người có chức quyền.

Nó không chỉ là các vụ việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên cấp cao trong Đảng mà kể cả các vụ xử lý bằng hình sự như vừa rồi có ý nghĩa rất lớn, củng cố niềm tin của nhân dân, của đảng viên đối với Đảng, đặc biệt là vai trò của Bộ Chính trị, BCH Trung ương, của Tổng Bí thư.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc lưu ý: Người lãnh đạo phải ý thức được trách nhiệm của mình để tập trung công việc, lãnh đạo quản lý. Còn nếu chưa gì đã lợi dụng quyền lực để tham nhũng, để đạt được lợi ích cá nhân của mình thì nói gì nữa, như vậy là tầm thường hóa mình đi, chỉ vì cái nhà, cái đất, cái xe..., tức tự tầm thường hóa vì những lợi ích vật chất trong cuộc sống.

Khi vào vị trí mới rồi thì bắt đầu bộc lộ tham vọng quyền lực

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, chúng ta không thích thú gì khi phải xử lý cán bộ sai phạm nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm mà phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người... Nay, “bộ phận không nhỏ” đó đã được chỉ tên, ông thấy sao?

+ Đương nhiên, những vụ việc kỷ luật như thế này về mặt tâm tư không ai muốn, không thích thú gì khi phải xử lý cán bộ, đảng viên của mình, nhất là những đồng chí có vai trò, trọng trách như vậy. Đó là điều đáng buồn, đáng tiếc nhưng vì vi phạm như thế thì kỷ luật là cần thiết, là tất yếu. Làm sao trong việc xử lý kỷ luật đó nó vừa mang ý nghĩa răn đe, vừa giáo dục, phòng ngừa chung, cảnh tỉnh cảnh báo đối với cán bộ, đảng viên khác, nhất là người có chức quyền.

Đương nhiên, đấu tranh chống tham nhũng là vấn đề lớn nhưng nhìn rộng ra, đây còn là vấn đề về công tác cán bộ. Nếu công tác cán bộ làm tốt, từ quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm được tích cực, chặt chẽ hơn thì hậu quả đã không xảy ra. Như Tổng Bí thư từng đề cập, không để lọt vào Trung ương những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người có dấu hiệu tham vọng quyền lực, cơ hội chính trị, lợi ích  nhóm, tham ô, tham nhũng... 

- Nhưng những vụ việc này cho thấy, chúng ta đã để lọt vào Trung ương những cán bộ thuộc diện “khoanh vùng” trên?

+ Những vụ việc vừa rồi cho thấy, quả thật sự quyết tâm là không để lọt nhưng trên thực tế cho thấy công tác lựa chọn cán bộ cũng phải rút ra bài học đánh giá thế nào cho chính xác, tất nhiên đánh giá cán bộ, con người là khó lắm. Lúc lựa chọn đưa vào quy hoạch, đưa vào bồi dưỡng, đào tạo thì có thể đánh giá đúng và có thể họ tốt thật, nhưng khi đưa vào chức vụ này kia rồi thì có khi người ta lại có biểu hiện sai phạm mà cơ quan tổ chức, kiểm tra không hình dung hết được. Khi họ được vào vị trí mới rồi thì bắt đầu bộc lộ tham vọng quyền lực, lạm quyền, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, những cám dỗ khác chi phối và họ mới bộc lộ khuyết điểm của mình.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc.

 - Tức đặt ra vấn đề phải kiểm soát cán bộ, kiểm soát từ tổ chức đảng chứ không phải chỉ chờ Ủy ban Kiểm tra?

+ Đúng vậy, ví dụ cấp ủy TP Đà Nẵng, thường vụ ở đó phải kiểm tra, thấy sai phải ngăn chặn, rồi cơ quan cấp trên phải kiểm soát, nhất là với cán bộ trẻ được bổ nhiệm ở vị trí, địa bàn, lĩnh vực quan trọng. Tôi nghĩ bài học ở đây là phải luôn kiểm tra giám sát mà bây giờ ta gọi là kiểm soát quyền lực. Nếu anh kiểm soát quyền lực không tốt thì có thể khi chọn đúng, trúng rồi nhưng sau lại không đảm bảo, vẫn sai phạm những lỗi lầm nghiêm trọng.

- Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, nhiều người vẫn lấy làm tiếc vì đây là cán bộ trẻ, lẽ ra còn nhiều cơ hội để phấn đấu, rèn luyện. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đưa người trẻ chưa có kinh nghiệm lên vị trí Bí thư Thành ủy quan trọng như vậy là “chín ép”?

+ Bài học ở đây là từ phía những cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào những vị trí như thế phải thấy hết được sự quan tâm của Đảng, quan tâm của tập thể, từ đó ý thức được trách nhiệm của mình để tập trung công việc, quản lý lãnh đạo quản lý.

Còn nếu chưa gì đã lợi dụng quyền lực của anh để tham nhũng, để đạt được lợi ích cá nhân của mình thì nói gì nữa, như vậy là tầm thường hóa mình đi, chỉ vì cái nhà, cái đất, cái xe..., tức tự tầm thường hóa vì những lợi ích vật chất trong cuộc sống. Đây đúng là bài học về công tác cán bộ mà những thế hệ như chúng tôi đã lớn tuổi rồi, nghĩ về cán bộ trẻ lắm lúc mình thấy đáng tiếc quá. Lẽ ra họ phải nghĩ đến vấn đề lớn hơn, sâu xa hơn, phấn đấu dài hơi, hết sức mình, nhất là như đồng chí Nguyễn Xuân Anh lại trưởng thành trong gia đình có truyền thống. Cho nên, đó là điều đáng tiếc.

Trong xây dựng Đảng, việc làm gương là cực kỳ quan trọng

- Qua những vụ việc xử lý kỷ luật gần đây cho thấy lòng tin vào Đảng rất tốt. Công tác chống tham nhũng chuyển động thành cao trào mà nói như Tổng Bí thư, “lò nóng lên rồi, củi tươi cũng cháy”. Để tạo không khí, cao trào tích cực như vậy, ông nghĩ gì về vai trò “người cầm trịch” trong cuộc chiến vốn rất phức tạp này?

+ Thật sự, nếu không có người đứng đầu nêu cao tinh thần đấu tranh như vậy thì khó thành công. Bản thân đồng chí Tổng Bí thư là người rất gương mẫu. Trong xây dựng đảng, việc làm gương là cực kỳ quan trọng. Bác Hồ luôn luôn nhấn mạnh vai trò làm gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách phải nêu gương và Bác Hồ luôn nêu gương.

Nghiên cứu lịch sử, tôi thấy rất nhiều nhà lãnh đạo của Đảng ta nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm chính trị, nhìn nhận vấn đề thấu đáo, chỉ đạo kịp thời, tích cực để Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc. Rồi thường xuyên kiểm tra đôn đốc. Bản thân đồng chí Tổng Bí thư từ trong cuộc sống gia đình đến công việc đều gương mẫu, tạo ra sự đồng thuận trong Đảng và cả xã hội.

Tôi nghiên cứu thấy ở thời điểm nào, Đảng cũng xuất hiện những nhân vật như thế, từ đó củng cố niềm tin để hợp sức lại vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Chứ bây giờ tôi thấy trong xã hội, kể cả trong Đảng có những biểu hiện thiếu niềm tin, chẳng hạn như cho rằng chống tham nhũng là quá khó, rồi cho rằng làm sao chống được, làm sao làm được... Ta phải hiểu đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài và phải kiên trì, quyết tâm và phải có cách làm bài bản. 

- Có thực tế rằng, dù chúng ta làm quyết liệt như vậy nhưng trên mạng Internet, các thế lực xấu vẫn tìm cách chọc phá, xuyên tạc rằng trong Đảng “đang có biến”, “thanh trừng”, “đấu đá nội bộ”... Làm không tốt, chúng chửi, phá nhưng làm tốt, tích cực, chúng cũng chửi, thế nghĩa là sao?

+ Các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xằng bậy vì chúng không bao giờ ủng hộ những việc làm của ta. Mình làm kém, chúng bới móc ra chửi bới. Nhưng làm kiên quyết, thẳng thắn, đến nơi, đến chốn thì chúng cũng tìm cách xuyên tạc, bảo nội bộ thanh trừng nhau, đấu đá nội bộ, phe nhóm này kia.

Cho nên mình phải hiểu bản chất của các thế lực thù địch, chúng luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc sự thật nên cái chính là việc mình thì mình phải quyết tâm làm, làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật. Mình làm tốt thì chúng có xuyên tạc cũng không làm thay đổi được sự thật.

- Xin cảm ơn ông!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.