Sự kiện và suy ngẫm

Đừng để sự đánh tráo bóp chết những mầm xanh

Thứ Tư, 18/07/2018, 09:35
Không muốn tin, cũng phải tin. Đó là, điểm Toán đang từ 1 biến thành 9; điểm Vật lý từ 1, biến thành 8,75; điểm Hóa từ 0,75, biến thành 9,5; điểm Lịch sử từ 2,5 thành 9,75; điểm tiếng Anh từ 1,2 thành 9; điểm Địa lý từ 3, biến thành 9… Đây là sự đánh tráo xảy ra ở Hội đồng thi tỉnh Hà Giang trong bối cảnh hàng vạn thí sinh đặt trọn niềm tin vào kỳ thi THPT quốc gia.

Rúng động chính là từ biểu đạt chuẩn xác khi kết quả kiểm tra về kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang được công bố. Trong buổi họp báo tại Hà Giang chiều 17-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức công bố kết luận, có sai phạm trong  việc chấm bài tại Hội đồng thi tỉnh này. Cụ thể, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Ở một kỳ thi quan trọng bậc nhất trong năm của quốc gia và cũng là kỳ thi quyết định tương lai của một con người mà lại có sự sai lệch kết quả choáng váng đến thế kia ư? Tổng điểm của một thí sinh có thể chênh lệch đến sấp xỉ 30 điểm thì ngoài sức tưởng tượng. Trong một kỳ thi có hàng vạn thí sinh tham gia, trong đó có không ít các thí sinh tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng nên tính cạnh tranh rất cao. Chỉ ¼ điểm thôi đã có thể khiến các em phải thay đổi trong việc chọn trường, chọn nghề và có khi còn thay đổi cả số phận.

Thế nhưng, những gì được phơi bày sau khi cơ quan chức năng kiểm tra lại kết quả chấm thi ở Hà Giang cho thấy, chỉ trong 6 giây ngắn ngủi, người ta đã thao tác xong việc sửa lại kết quả của một bài thi. Và trong khoảng 2h đồng hồ, người ta đã biến 330 bài thi có nhiều đáp án sai thành đúng. Cho đến lúc này, khi có kết quả kiểm tra, cơ quan chức năng mới công bố danh tính một người duy nhất “hóa phép” những bài thi điểm thấp thành điểm cao trong tích tắc, đó là ông Vũ Trọng Lương, phó phòng Khảo thí, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Hà Giang.

Không phải đợi dư luận lên tiếng đặt câu hỏi, chỉ có cá nhân ông Lương có thể làm nên chuyện đổi trắng thay đen này hay còn có sự “trợ giúp” khác mà tại buổi họp báo, đại diện cơ quan Công an đã nêu ra những con số cụ thể để so sánh. Đó là, theo camera của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Giang ghi lại, chỉ có một mình ông Lương làm việc này trong khoảng 2h.

Nhưng, khi lực lượng kiểm tra vào cuộc  với 10 người làm việc cật lực thì họ phải mất nhiều giờ hơn để thực hiện. Chính vì thế, đại diện cơ quan Công an cho biết sẽ tiếp tục điều tra làm rõ vấn đề này.

Điều gì khiến ông Lương đi làm cái việc mà một người làm công tác giáo dục, nhất là ở mảng khảo thí biết mười mươi là tối kỵ? Mà sao lại có nhiều người biết và gửi tin nhắn đến điện thoại của ông Lương để ông này căn cứ vào đó mà tìm bài thi để sửa lại kết quả? Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh động cơ việc làm bất chính này của ông Phó phòng Khảo thí. Dư luận rất mong đợi, cơ quan Công an sẽ sớm có kết quả điều tra để trả lời cho những câu hỏi này.

330 bài thi đã “được” sửa điểm từ thấp thành cao. Trong đó, Toán 102 bài, Vật lý 85 bài, Hóa 56 bài, Sinh 8 bài, Lịch sử 9 bài, Địa lý 3 bài, tiếng Anh 52 bài. 

Đấy là kết quả kiểm tra tại Hà Giang, còn tại một số Hội đồng thi ở một số tỉnh mà dư luận cũng râm ran về số lượng bài thi có điểm cao bất thường thì sao? Bộ Giáo dục và Đào tạo có tiếp tục kiểm tra tiếp để làm minh bạch mọi vấn đề? Tới đây, các trường đại học sẽ xét tuyển để tuyển chọn những thí sinh ưu tú cho mình. Công bằng cho mọi thí sinh là mong muốn của toàn xã hội ta lúc này.

Cao Hồng
.
.
.