Dũng cảm chỉ ra những tồn tại để khắc phục

Chủ Nhật, 14/10/2018, 06:42
Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao trong Đảng được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.


Nhiều quy định chi tiết về trách nhiệm nêu gương đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng được cụ thể hoá. Phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xung quanh quy định này

Phóng viên (PV): Tại Hội nghị Trung ương 8, khoá XII vừa diễn ra, Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa ra thảo luận quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, ý kiến của ông về sự cần thiết phải ban hành quy định này?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trước đó năm 2012, Ban Bí thư đã có Quy định 101/QĐ-TƯ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp nhưng quy định này vẫn còn chung chung. Việc quy định trách nhiệm nêu gương lần này đã định danh rất rõ, đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng.

Từ xưa, ông cha ta luôn yêu cầu với người thủ lĩnh là: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Để trở thành người lãnh đạo trước hết phải “tu thân”, “tề gia” rồi mới làm được những điều lớn hơn là “trị quốc”, “bình thiên hạ”. “Tu thân” ở đây là tu dưỡng đạo đức, phong cách, nâng cao năng lực, đổi mới tư duy… Khi cách mạng mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở đến tư cách người đảng viên. Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Người viết: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong… Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng…”. Những viện dẫn trên cho thấy, người xưa đã đúc kết và Đảng ta cũng chỉ ra, muốn cho quốc thái dân an, cán bộ phải nêu gương là cái gốc.

Thực tế hiện nay, Đảng ta cũng chỉ ra “một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên thoái hoá, biến chất. Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII còn chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái. Những vấn đề văn kiện Đảng đã nêu ra cho thấy rõ thực trạng và tính cấp bách của việc ban hành quy định này.

Pv: Qua nghiên cứu bản dự thảo và theo dõi thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 khoá XII được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông thấy nội dung quy định chú trọng những vấn đề gì?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nêu gương về mọi mặt là đương nhiên. Nhưng tôi thấy rõ quy định này rất chú trọng đến vấn đề đạo đức. Nêu gương bằng những hành vi, nhất là hành vi đạo đức, nhân cách, tinh thần trách nhiệm, tự trau dồi nâng cao trình độ.

Pv: Trong bản dự thảo có nêu nhiều việc “chống” mà từng đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải thực hiện, theo ông điều đó có nghĩa thiết thực như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đó là việc làm rất thẳng thắn, cụ thể, thiết thực trong tình hình hiện nay. Trong bản dự thảo đưa ra 9 điều chống. Đó là: Chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, “tư duy nhiệm kỳ”, công thần…; chống lạm quyền, lộng quyền, bè phái, cục bộ, chạy chức, chạy quyền…; chống đoàn kết xuôi chiều, xa dân, độc đoán…; chống tham nhũng, hối lộ, “bôi trơn”, “lại quả”, lãng phí tài sản, công quỹ…; chống liên kết lập “sân sau”, “lợi ích nhóm”, dung túng, bao chê, móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp…; chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong lãnh đạo, điều hành và đề xuất ban hành luật, quy định, cơ chế chính sách để trục lợi…; chống việc để bố mẹ, vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để can thiệp, chi phối, thao túng vào các công việc của địa phương, cơ quan, đơn vị…; chống lãng phí thời gian, tài sản, tiền của, nhân lực khi đi công tác trong và ngoài nước…; chống lợi dụng uy tín, mượn danh người khác thông qua hội nghị, các phương tiện thông tin đại chúng để đề cao cá nhân, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân, tập thể…

Pv: Để chỉ rõ những cái phải “chống” này cho thấy Đảng ta không né tránh mà nhìn thẳng vào sự thật phải không thưa ông?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng thế. Đây là những biểu hiện xấu xa đang tồn tại trong xã hội nhưng đừng để nó thành phổ biến. Đảng ta nêu ra như thế là rất dũng cảm. Bác Hồ từng nói, một đảng mạnh là một đảng dám nói ra những sai sót của mình. Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác nêu: “Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Pv: Trong quy định nêu gương lần này, quy định từ chức khi không đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất, trách nhiệm…, đặc biệt gây chú ý của công luận. Người ta kỳ vọng qua đây sẽ dần hình thành văn hoá từ chức, ông nhìn nhận việc này như thế nào?

Ông Vũ Quốc Hùng: Vấn đề từ chức trong đảng không chỉ là phẩm chất đạo đức cá nhân mà còn thể hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tôi nghĩ, để tạo ra một thứ “văn hoá thì cần phải có thời gian, lâu dài, từng bước một để việc xin từ chức là bình thường. Muốn làm được như vậy phải nêu rõ tính liêm sỉ, tự trọng đối với cán bộ. Từ chức có hai hình thức, đó là tự giác và bắt buộc. 

Một lần trước đây, tôi được Ban Bí thư giao gặp một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh khi trong một thời gian dài, đã để xảy ra những sai phạm, bất ổn ở địa phương. Sau cuộc gặp gỡ này, đồng chí đã nhận thức rõ yếu kém trong công tác lãnh đạo, điều hành và xin rút khỏi Trung ương. 

Theo tôi, để quy định này khả thi cần có những hướng dẫn tiếp theo. Đây là cẩm nang để cán bộ cao cấp đối chiếu, xem xét lại bản thân, nếu ai đó thấy không vượt qua được chính mình thì xin từ chức, miễn nhiệm. Nếu thực hiện tốt việc này, sẽ tránh được hậu quả xấu do yếu kém của người lãnh đạo.

Pv: Theo ông, vai trò của cán bộ, đảng viên cấp dưới, người dân như thế nào để quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp cao phát huy hiệu quả?

Ông Vũ Quốc Hùng: Cần dân chủ, công khai, minh bạch để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân biết rõ nội dung của quy định này. Các cơ quan quản lý cán bộ Trung ương, địa phương luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân và đảng viên mình. Những cuộc tiếp xúc với nhân dân phải thực chất, không mang tính hình thức, phải tiếp thu ý kiến xây dựng của nhân dân, phải chủ động hỏi cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc nhận xét, đánh giá cán bộ cao cấp theo quy định này đã chỉ ra. Ngoài ra, cần khuyến khích mọi người góp ý kiến thẳng thắn bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo vệ người góp ý kiến thẳng thắn, chân thành.

Pv: Trong khoảng nửa nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã có nhiều cán bộ do Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là người từng làm công tác kiểm tra đảng, ông nhìn nhận và đánh giá việc này như thế nào? Việc ban hành quy định trách nhiệm nêu gương đối với các lãnh đạo cấp cao trong Đảng hẳn là ông sẽ kỳ vọng rất nhiều?

Ông Vũ Quốc Hùng: Như tôi đã đề cập ở trên, một đảng mạnh là một đảng dám nhìn nhận thiếu sót và sửa chữa nó. Việc xử lý những cán bộ cao cấp trong đảng thời gian vừa qua là đúng nguyên tắc đảng, thấu tính đạt lý. Chỉ ở một đảng mạnh và nội bộ thống nhất cao mới làm được như vậy. Tôi cũng đặt niềm tin và hy vọng lớn vào quy định trách nhiệm nêu gương lần này không nói chung chung mà chỉ rõ từng vị trí cấp cao trong đảng; đề cập đến vấn đề từ chức; đề cao tu dưỡng đạo đức, năng lực. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”, nên từng việc làm, hành vi, lời nói mẫu mực của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ cao cấp sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển chung của xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Thế nên, việc quy định trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là đối với các đồng chí giữ trọng trách cao trong Đảng và Nhà nước sẽ góp phần để công cuộc chỉnh đốn và xây dựng Đảng của chúng ta đạt hiệu quả cao hơn.

Pv: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.