Đội mũ rộng vành

Thứ Hai, 20/06/2016, 09:29
Thiên hạ thường có chuyện người nhỏ mặc áo to, tuổi trẻ làm “quan lớn”, cũng như chuyện cậu bé đội mũ rộng vành, mãi không thể vừa được nên cứ phải vừa đi vừa giữ khỏi rớt!

Tôi muốn nói đến chuyện báo chí đang bàn tán, nhân vật thì mới nhưng cốt chuyện lại quá cũ: Bổ nhiệm người trẻ lên ghế cao. Điều khiến dư luận ngạc nhiên là lần này việc phản ánh, tố giác không phải từ việc phanh phui của báo chí hay “đơn nặc danh” mà lại thể hiện dưới dạng văn bản của cơ quan, tổ chức khá… trọng lượng: Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) gửi thư chất vấn nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đã bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo Sabeco.

Văn bản do Phó Chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải ký nói rằng, đầu năm 2015, người này khi đó mới 28 tuổi được điều động về Sabeco ở vị thế hàm Phó Vụ trưởng để đảm đương vị trí chủ chốt là thành viên HĐQT, đại diện cho cổ phần Nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó Tổng Giám đốc. Trước đó, khi 25 tuổi đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính dầu khí (PVFI).  

Rõ là cốt chuyện trở lại vấn đề cũ: Bổ nhiệm lãnh đạo là cán bộ trẻ. Hồi cuối năm ngoái, báo chí từng sục sôi với sự kiện tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi mới 30 tuổi.

Giám đốc tuổi 30 chưa nguôi thì đầu tháng 3-2016, Bộ Giao thông Vận tải “khuấy động” bằng quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng tuổi 33: Ông Nguyễn Xuân Ảnh, sinh năm 1983, từng là thư ký của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ.

Dư luận bàn tán bởi cán bộ trẻ làm chức to. Vậy câu hỏi đặt ra: Tuổi bao nhiêu bổ nhiệm vào các chức vụ tương ứng (cấp đội, phòng, vụ - cục, tổng cục…) thì được coi là “vừa tầm”, để dư luận không cho là quá trẻ? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã lật tìm các văn bản pháp luật liên quan.

Điều đáng nói, trong các văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ, công chức thì chỉ có quy định trần về độ tuổi mà không có quy định sàn. Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg, ngày 19-2-2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.

Khoản 3, Điều 6 của quyết định này ghi rõ điều kiện bổ nhiệm về tuổi như sau: Cán bộ, công chức bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ; riêng các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ). Các văn bản, hướng dẫn của các bộ, ngành cũng tuân theo quyết định này.

Như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chỉ khống chế trần tuổi (không quá 55 đối với nam, 50 đối với nữ - trường hợp bổ nhiệm lần đầu). Không thấy văn bản nào quy định sàn tuổi thấp nhất là phải bao nhiêu, chẳng hạn lãnh đạo phòng, lãnh đạo cục, lãnh đạo tổng cục… thì tối thiểu mức tuổi nào.

Điều này thực chất xuất phát từ nguyên tắc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ là lấy “đức và tài” làm trọng, chỉ khống chế trần tuổi cho phù hợp quy định về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động.

Không khống chế sàn tuổi bổ nhiệm nhằm đảm bảo nguyên tắc cán bộ không phân biệt trẻ hay không, nếu có đủ năng lực, trình độ, đạo đức thì có thể được bổ nhiệm. Cũng chính bởi vậy nên mặc dù những vụ việc trên, báo chí phản ứng nhiều, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng rốt cục đều kết luận “đúng quy trình”.

Nguyên tắc bổ nhiệm không quy định sàn tuổi vừa có mặt ưu (không làm chậm bước tiến của người có năng lực, trình độ) song mặt khác lại dễ bị lạm dụng. Tính bình quân, người tốt nghiệp đại học thường ở độ tuổi 22 đến 23. Vậy nếu 24, 25 đã là lãnh đạo phòng, 30 lãnh đạo sở, cục, 33 lãnh đạo tổng cục… sẽ dẫn tới việc “bổ nhiệm cấp tập” trong khi họ chưa có kinh nghiệm thực tiễn.

Để hạn chế điều này, một số ngành, nghề quy định phải có thâm niên công tác mới được quy hoạch, bổ nhiệm (như trong lực lượng vũ trang, ít nhất phải có 5 năm thâm niên công tác mới đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm). Thiết nghĩ, đây cũng điều mà các ngành cần nghiên cứu, trám lỗ hổng “chưa làm lính đã làm quan”.

Tất nhiên, việc quy định thâm niên công tác thực tiễn để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào từng vị trí (như cấp phòng phải có 5 năm, cấp cục 10 năm, tổng cục 15 năm…) chỉ áp dụng trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội. Ai cũng biết, các vụ lùm xùm dư luận về “quan trẻ” là bởi người ta nhìn vào vị trí của cha mẹ, kiểu “truyền nối”.

Nếu một cán bộ thường, gốc gác nông dân bỗng dưng được thăng tiến bởi họ có năng lực, trình độ, tất xã hội phải ngả mũ soi gương chứ ai cày xới? Hay doanh nhân trẻ, chẳng phải nghĩ chuyện học vấn, tuổi tác, nếu 18, 20 tuổi mà tháo vát, làm giám đốc, tổng giám đốc ăn nên làm ra thì xã hội trọng dụng lắm chứ, đâu phải đợi 40, 50 mới “lắp ghế”!

Tóm lại, mũ rộng vành hay không chỉ bởi dư luận quan ngại về mặt tiêu cực trong bổ nhiệm, đề bạt. Khi hành lang pháp lý còn hổng như nói trên thì sự thể ấy vẫn có điều kiện tồn tại vậy.

Đăng Trường
.
.
.