Để Tây Nguyên phát triển bền vững

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:02
Để gắn việc phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo bền vững quốc phòng, an ninh cho toàn vùng chiến lược Tây Nguyên là điều không đơn giản. Hay nói cách khác, để phát triển Tây Nguyên một cách bền vững, trước hết phải hiểu rõ Tây Nguyên với vốn có về tiềm năng, lợi thế và cả khó khăn, từ đó có những giải pháp phù hợp, làm sao giữ cho “trong ấm, ngoài êm”...


Kì cuối : Giữ cho “trong ấm, ngoài êm”

Những mô hình gắn kết cần phát huy

Có thể nói, sau những năm đổi mới, được sự đầu tư phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Tây Nguyên, các doanh nghiệp Nhà nước như các công ty cao su, cà phê; các đơn vị kinh tế quốc phòng như Binh đoàn 15... đã mở ra bước phát triển mới cho kinh tế nông thôn vùng Tây Nguyên.

Nhiều khu trang trại phát triển cây nông nghiệp, công nghiệp được phát huy về số lượng và chất lượng, thu hút nguồn lao động tại chỗ khá nhiều, làm thay đổi rõ rệt về bộ mặt kinh tế-xã hội vùng nông thôn miền núi. Nhưng để làm được điều này không đơn giản, lúc đầu bộ đội, công nhân cao su ở các doanh nghiệp đến khai hoang, mở đất làm cây cao su, cà phê, cũng gặp không ít người dân tại chỗ phản ứng, cản trở không cho làm.

Dần về sau nhiều người thấy việc phát triển cây cao su, cà phê không chỉ có lợi cho công ty, mà lợi cả người dân nên bà con trong làng mới “ưng cái bụng”.

Bài học mở ra cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương lúc bấy giờ là phải gắn phát triển kinh tế với việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nơi doanh nghiệp đứng chân. Để làm được điều này, không chỉ đầu tư kinh phí để làm cơ sở hạ tầng, xây dựng công trình văn hóa, trường học, bệnh xá..., mà còn phải tạo lòng tin bền vững và lâu dài bằng kế sách yên dân. Đó là đưa người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân ở các doanh nghiệp để xóa đói giảm nghèo cho từng hộ gia đình.

Binh đoàn 15 đào tạo nghề cho công nhân đồng bào dân tộc thiểu số.

Bài học thành công trong phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững thế trận lòng dân ở Tây Nguyên là phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động người dân tộc thiểu số tại chỗ và xây dựng khu dân cư đến đó. Binh đoàn 15 đã thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động là người dân tộc thiểu số, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động, chăm lo hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nhằm tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn.

Nhờ đó, đến nay Binh đoàn 15 đã có 17.000 lao động, trong đó có trên 7.000 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ, được bố trí trên 10 cụm với 266 điểm dân cư dọc biên giới. Các thôn, làng mới được thành lập đã tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc.

Cùng với Binh đoàn 15, nhiều công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên cũng luôn gắn việc phát triển kinh tế với chăm lo đời sống cho người dân tộc thiểu số tại chỗ. Điển hình như Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh hiện có trên 60% công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số, với mức tiền lương bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty đã duy trì thường xuyên các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện..., góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.

 Ý Đảng gắn với lòng dân

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về lao động, các tỉnh Tây Nguyên đã được Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho chục ngàn lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số và người nghèo.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít bất cập trong đào tạo nghề ở đây là chưa bám sát nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp và chạy theo số lượng trước mắt, lao động đơn giản, chứ chưa tính đến đề án phát triển công nghiệp nông thôn và dịch vụ... chất lượng cao để phục vụ yêu cầu phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên. 

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa qua: Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kết luận số 12-KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) và Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên...

Theo đó, cần tuân thủ quy hoạch tổng thể chung của toàn vùng; chú trọng các chính sách thích hợp nhằm vận dụng mô hình quản lý rừng theo hình thức lâm nghiệp cộng đồng, gắn việc bảo vệ rừng với việc giao đất, giao rừng, khoán công việc bảo vệ rừng cho một bộ phận nông dân thiếu đất sản xuất, cho từng hộ đồng bào dân tộc đang gắn bó với rừng.

Nhằm tạo điều kiện để một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm của rừng, ổn định cuộc sống nhờ nguồn thu nhập từ rừng. Gắn giao đất, giao rừng với việc tổ chức không gian sống và tạo lập lại các buôn làng bị dịch chuyển trong quá trình thu hồi đất...

Để khai thác tốt nguồn lực đất đai, phát triển Tây Nguyên ổn định, bền vững, Nhà nước cần có chính sách thực sự hấp dẫn, ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả đẩy mạnh xã hội hóa. Tập trung nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên, trọng tâm là đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn, ưu tiên trước hết cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tập trung nâng cao một bước về chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho con em đồng bào các dân tộc, cho đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là số cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm trong một tương lai gần, đại bộ phận con em đồng bào có đủ trình độ tay nghề, đủ năng lực chuyên môn tham gia làm việc ở tất cả các doanh nghiệp, các nông, lâm trường, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các tổ chức chính trị  xã hội và trở thành cán bộ chủ chốt các thôn, làng.

Phát triển kinh tế- xã hội Tây Nguyên ổn định, nhanh, bền vững là cơ sở tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; ngược lại, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nền tảng vững chắc cho quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Thực tiễn cho thấy, sự ổn định và phát triển vùng dân tộc thiểu số đã tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của Tây Nguyên. Vì vậy, chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng cho vùng Tây Nguyên là chủ trương xuyên suốt từ trước đến nay của Đảng, Nhà nước ta.

Để thực hiện có hiệu quả vấn đề trên, ngoài việc đề ra các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân. Trong đó lực lượng CAND giữ vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội để góp phần cho phát triển kinh tế-xã hội.

Ngọc Như-V. Thành
.
.
.