Đâu chỉ là chuyện “cầy tơ 7 món”...

Thứ Bảy, 15/09/2018, 06:59
Việc UBND thành phố Hà Nội ra Văn bản số 4170 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó mèo trên địa bàn Thủ đô là cơ sở để những người nuôi chó, mèo có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi của mình; hạn chế lây lan dịch bệnh; góp phần xây dựng nếp sống văn minh.


Sau khi Hà Nội ra văn bản về quản lý, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo, dư luận bàn tán khá rôm rả. Ý kiến đồng tình thì cho rằng, đó là sự cần thiết trong xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Ý kiến phản đối lại lập luận rằng, không nên “cưỡng bức” thú vui ẩm thực bằng mệnh lệnh hành chính. Đáng chú ý là truyền thông quốc tế cũng rất quan tâm đến chủ đề này. Điều gì khiến chuyện “chó mèo” ở xứ ta trở thành đề tài “hot” như vậy?

Nếu có ai đó hỏi: “Bạn có yêu chó không?”. Câu trả lời của tôi là: “Có”. Nếu người đó hỏi tiếp: “Bạn có thích ăn thịt chó không?”. Câu trả lời của tôi cũng là: “Có”. Còn tôi khi tự hỏi bản thân: “Mình có ủng hộ Hà Nội ban hành về việc hạn chế và tiến tới cấm giết mổ, kinh doanh thịt chó mèo vào năm 2021 không nhỉ?”, tự thân cũng trả lời rằng: “Ủng hộ quá đi chứ”.

Ôi! Con người của tôi đầy mâu thuẫn, ba phải vậy ư? Tôi sinh ra ở quê, từ khi biết nhận thức đã thấy có con chó ở nhà mình. Tôi đến nhà cô dì, chú bác, láng giềng, láng tỏi, nhà nào cũng nuôi chó. Mặc nhiên, chó là vật nuôi không thể thiếu trong các gia đình đã có trong ý thức từ thủa ấu thơ của tôi.

Từ bé tôi cũng được dạy rằng, nuôi chó để trông nhà. Đêm, chó nằm ngoài sân để canh trộm. Ngày, chó đi loanh quanh trong nhà, ngoài vườn cũng để kịp thời phát hiện người lạ, kẻ gian.

Với trẻ thơ, mỗi buổi đi học về có con chó đón từ đầu ngõ vẫy đuôi xoắn xuýt là kỷ niệm không bao giờ quên.             

Hay những buổi chiều hè mùa gặt, “rủ” chó chạy ra đồng cùng đi bắt cào cào, châu chấu giờ nghĩ lại vẫn còn thổn thức.

Tôi lớn lên, làm nghề báo nên có cơ hội đi nhiều nơi và thưởng thức món ăn của nhiều vùng miền. Và tôi nhận thấy, ở miền xuôi hay miền ngược, thành phố hay nông thôn, “cầy tơ bảy món” là món khoái khẩu của nhiều người và cũng có nhiều người nói không với món ăn này.

Với cá nhân tôi, đã có lúc tôi từng nghĩ, nếu ai đó không biết đến thịt chó, mắm tôm thì… phí cả một đời. Còn giờ này, nếu ai đó rủ tôi đi ăn thịt chó, tôi sẽ lắc đầu. Điều gì khiến “xu hướng ẩm thực” của tôi thay đổi vậy? Tự bản thân, tôi ngẫm ra rằng, đó là một quá trình thay đổi về nhận thức.

Xin nhắc lại, tôi là người rất yêu chó và thích ăn thịt chó. Tôi đã từng khóc và giận mẹ mình khi đã bán con chó tên Cu khi nó ốm thay vì nuôi nó cho đến lúc chết rồi đem chôn. Cu là con chó sống với gia đình tôi khoảng 10 năm, từ lúc tôi bắt đầu đi học đại học, ra trường, lấy chồng, đẻ con.

Sau sự “ra đi” của Cu, tôi tiếc thương nhưng vẫn ăn… thịt chó. Rồi một lần đi công tác ở Quảng Ninh, vô tình tôi bị chó cắn và phải tức tốc về Hà Nội để tiêm phòng dại. Tiếp đến là con trai tôi trong một lần đi chơi ở công viên bị một con chó cảnh không có người trông cắn, tôi phải đưa đi tiêm phòng dại. Cứ mỗi lần xếp hàng để đợi tiêm cho hết 5 mũi vaccine cho con, tôi thấy thấm thía vô cùng việc nuôi chó nhưng không quản lý gây mất an toàn cho trẻ, cho người xung quanh.

Hay mỗi lần đi dạo trong công viên Lê nin mà bắt gặp “bom” của chó trên đường, trên bãi cỏ xanh, tôi thấy ức chế vô cùng. Tôi tự hỏi, ngay ở cổng công viên đã có biển cấm dắt chó, vậy mà… Rõ ràng ngay tại trung tâm Hà Nội, chỉ cấm thôi chưa đủ mà còn phải kiểm tra, xử phạt.

Ở ta, có rất nhiều người yêu chó, coi chó như người bạn nhưng lại không có nhiều người khi dắt chó đi dạo cầm thêm dụng cụ để làm sạch môi trường khi chó của mình phóng uế như ở một số nước văn minh. Mới đây, khi đi bộ trên vỉa hè đường Nguyễn Trãi, tôi bị một con chó đang xích ở gốc cây nhảy bổ vào người … Việc thả chó chạy rông, không có rọ mõm, nhốt chó nơi công cộng… mang lại hiểm họa cho người xung quanh nhưng lại phổ biến ở Hà Nội.

Nhận thức của tôi cứ thay đổi dần dần sau những “trải nghiệm” liên quan đến chó. Và tôi cũng bị ảnh hưởng từ những người xung quanh, từ những câu chuyện về lòng trung thành của chó, từ truyền thông… nên từ bỏ sở thích ăn thịt chó.

Việc UBND thành phố Hà Nội ra Văn bản số 4170 về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó mèo trên địa bàn Thủ đô là cơ sở để những người nuôi chó, mèo có ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi của mình; hạn chế lây lan dịch bệnh; góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Trong văn bản này còn có nội dung rất đáng lưu ý là từ năm 2021 sẽ không cho phép giết mổ, kinh doanh thịt chó mèo trong nội thành.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố yêu cầu các cấp chính quyền quyết liệt trong quản lý vật nuôi, đồng thời, phải có chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục. Chỉ khi nhìn nhận rõ, thịt chó không chỉ là một loại thực phẩm thì chúng ta mới dần thay đổi được thói quen, nhận thức của người dân trong việc nuôi chó và sử dụng thịt chó.

Cao Hồng
.
.
.