“Đẳng cấp” của sự ăn nhậu

Thứ Tư, 28/11/2018, 09:25
Trong mấy ngày qua, dư luận lại dậy sóng bởi những câu chuyện về ăn thịt thú rừng sau đó đưa hình ảnh khoe trên mạng xã hội. 

Chuyện thứ nhất là một nhóm 5 người được xác định ở Hương Khê, Hà Tĩnh đã tham gia giết một con khỉ, sau đó lấy óc để ăn sống, uống rượu và quay clip tung lên facebook.

Chuyện thứ hai là từ một tài khoản facebook được xác định của một doanh nhân sống tại TP Hồ Chí Minh đã đưa lên mạng hình ảnh 2 con chim có hình dáng giống chim Phượng Hoàng Đất đã được vặt lông với lời nhắn “có ai nhậu không, thiếu tay”.

Ngay sau khi những hình ảnh đó được đưa lên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã hết sức bức xúc và lên án, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tại Hà Tĩnh và Bình Phước đã lập tức vào cuộc để xác minh làm rõ.

Tại Hà Tĩnh, cơ quan chức năng cũng đã xác định được danh tính và mời nhóm 5 người đàn ông nói trên lên làm việc để xác định vụ việc; còn tại Bình Phước lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm địa phương này cho biết đơn vị này đang tiến hành xác minh loài chim được đưa lên ảnh và nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thường xuyên phải tiếp nhận những thông tin về việc phát hiện bắt giữ những vụ việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loại động vật quý hiếm.

Có cầu ắt hẳn mới có cung. Phải xuất phát từ thói quen ăn thịt thú rừng của người tiêu dùng mới nảy sinh tình trạng săn bắt, buôn bán những sản phẩm nói trên. Ăn thịt thú rừng không chỉ đơn thuần là nhu cầu mà nhiều khi nó trở thành “mốt”, thành “xu hướng” thiếu lành mạnh của một bộ phận không ít người trong xã hội. Họ ăn “đặc sản” thú rừng và tiếp khách bằng những sản phẩm này như một cách để khẳng định “đẳng cấp” của mình. 

Bên cạnh đó còn một lý do khác thường được dân nhậu đưa ra đó là nhiều trong số những “đặc sản” thú rừng không chỉ ngon, độc, lạ mà còn có tác dụng bổ dưỡng nhiều mặt. 

Thậm chí nhiều người còn xem các sản phẩm như: tay gấu, chân gấu, động vật quý hiếm được đưa ngâm rượu... là những loại “thần dược” có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cánh mày râu. Và với những lý do đó, động vật quý hiếm đang dần bị tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trái phép để phục vụ cho nhu cầu thiếu lành mạnh của con người.

Trên thực tế các nghiên cứu khoa học đều đã chỉ ra rằng không những không có tác dụng như đồn thổi mà phần lớn thịt thú rừng đều mang trong mình những nguy cơ hiện hữu. 

Trước nhất đó là việc không thể xác định được nguồn gốc xuất xứ. Thịt thú rừng thường được thu gom trôi nổi, ướp đá nhiều ngày sau đó vận chuyển lòng vòng mới đến tay người tiêu dùng. Và đến khi đó thực khách nếu tránh được độc tố tồn dư thì cũng khó có thể tránh được những chất độc hóa học đã được tẩm ướp để bảo quản những sản phẩm này trong quá trình vận chuyển.

Đã có không ít những trường hợp ngộ độc phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện khi sử dụng các sản phẩm như rượu pha mật rắn, rượu đánh tiết canh các loại chim, bò sát quý hiếm... Trường hợp được cứu sống kịp thời sau khi đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng chi phí cũng đã phải sống chung với những di chứng nặng nề trên cơ thể. Thậm chí có trường hợp đã đã tử vong khi gặp phải biến chứng nặng.

Cách đây ít lâu các nhà bảo tồn quốc tế đã nhắc đến khái niệm “rừng lặng”. Điều đó có nghĩa là tình trạng săn bắn, tận diệt thú rừng đã đến mức báo động khiến rừng không còn tiếng thú, vắng tiếng chim. Và đây chính là cũng tương lai không xa đối với các cánh rừng Việt Nam nếu chúng ta không chung tay và có những hành động quyết liệt.

Hoàn thiện các quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh tình trạng vi phạm không thôi chưa đủ. Điều quan trọng là phải tạo được sự chuyển biến nhằm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân đối với nạn ăn thịt thú rừng mới hy vọng giải quyết được vấn nạn này.

Yên Trung
.
.
.