Đảm bảo tốt nhất quyền con người trên lãnh thổ Việt Nam

Thứ Năm, 15/12/2016, 08:26
Trong khuôn khô lớp tập huấn triển khai thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT). Phóng viên Báo Công an nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; Trưởng nhóm UNCAT của Bộ Công an về vấn đề này.


Phóng viên: Thưa Trung tướng, được biết trong thời gian qua, Bộ Công an đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành nghiên cứu, phê chuẩn và triển khai thực hiện UNCAT, xin đồng chí cho biết những kết quả Việt Nam đạt được sau khi trở thành thành viên của Công ước?

Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh: Có thể khẳng định, sau hơn 1 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước Liên hợp quốc, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tổ chức, thực thi Công ước và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Chính phủ và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ giúp cho Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành, tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nội dung của Công ước trong toàn lực lượng CAND; Ủy ban nhân dân các cấp. Các tổ chức xã hội đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục nội dung của Công ước để đổi mới nhận thức của nhân dân nói chung và của cán bộ công chức nói riêng, trong việc thực thi nhiệm vụ của mình, có liên quan tới điều ước quốc tế đa phương về quyền con người.

Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh.

Thành tựu thứ hai, rất quan trọng là sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong công tác nội luật hóa các quy định của Điều ước chống tra tấn vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH 13 về việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn. 

Trong đó, có nhiều đạo luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp, ví dụ như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án hình sự... , nhiều nội dung của Công ước chống tra tấn đã được nội luật hóa thành các nguyên tắc cơ bản và những nội dung cụ thể trong các điều khoản luật, Bộ luật tố tụng Hình sự; tổ chức cơ quan điều tra, hình sự; thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp luật tương đối toàn diện và để chúng ta thực hiện tốt nhất quyền con người trong Hiến pháp năm 2013. 

Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và nội dung Công ước nói riêng nên ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước làm nhiệm vụ liên quan tới thực thi pháp luật liên quan tới quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có những bước chuyển biến rất tích cực.

Phóng viên: Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm của Hà Lan cũng như một số nước thực hiện tốt UNCAT như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh: Như tôi đã trình bày, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Hà Lan tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan đã tổ chức 4 lớp tập huấn về triển khai thực thi UNCAT và xây dựng Báo cáo quốc gia tại Học viện Clingendael, Lahay, Hà Lan và tại Hà Nội cho Đoàn công tác liên ngành (Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp…) gồm những cán bộ sẽ trực tiếp xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia. 

Qua các lớp tập huấn này, các cơ quan có liên quan của Hà Lan đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay như kinh nghiệm báo cáo quốc gia các Công ước nhân quyền quốc tế của Hà Lan nói chung và UNCAT nói riêng; cách thức lập Kế hoạch hành động quốc gia – cách thức xây dựng, trình bày báo cáo của các quốc gia; kinh nghiệm về Cơ chế phòng chống quốc gia theo UNCAT; kinh nghiệm thực tiễn của Hà Lan trong đào tạo Cảnh sát tại học viện Cảnh sát Hà Lan, đặc biệt là kỹ thuật thẩm vấn, ghi âm, ghi hình cũng như ghi biên bản, báo cáo tóm tắt vụ án; kinh nghiệm từ các chuyến đi thực tế tại Tòa án công lý quốc tế; Học viện Cảnh sát Hà Lan; Nhà giam giữ Schiphol tìm hiểu thông tin liên quan đến việc phổ biến và thực hiện.

Sắp tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tại Hà Nội, theo Đề xuất “hỗ trợ xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam về thực hiện UNCAT”, tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Báo cáo tại Côn Đảo, Đắk Lắk và Phú Thọ; tổ chức 1 chuyến khảo sát tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia tại Giơnevơ, Thụy Sĩ; đồng thời nghiên cứu xây dựng báo cáo tổng hợp, rà soát các quy định pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền con người nói chung và chống tra tấn nói riêng. 

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và tiếp thu các kinh nghiệm này của Hà Lan và Bỉ trong thực thi, tổ chức thực hiện UNCAT để xây dựng Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong thực thi UNCAT và chọn lọc kinh nghiệm về đào tạo cán bộ thi hành UNCAT của các nước này để bổ sung tài liệu tập huấn của Việt Nam.

Phóng viên: Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp nào để thực hiện tốt Công ước chống tra tấn cũng như vấn đề đảm bảo quyền con người?

Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh: Để tiếp tục khẳng định là một “Thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” và một thành viên tích cực của Công ước, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tra tấn, tập trung vào 5 nhóm giải pháp. 

Trước hết cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định của pháp luật về chống tra tấn của Việt Nam; đưa nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về chống tra tấn đối với các cơ quan và cán bộ thực hiện công quyền, đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý thi hành án hình sự, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ quan được giao một số nhiệm vụ điều tra như Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển… 

Bên cạnh đó, trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án phổ biến nội dung Công ước và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự.... 

Mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia thành viên của Công ước trong hợp tác đấu tranh, phòng chống tra tấn và các tội phạm khác có liên quan đến tra tấn; đồng thời, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Trung tướng!

Triển khai lớp tập huấn Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn

Trong hai ngày 14 và 15-12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Lớp Tập huấn, triển khai thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (UNCAT). Đây là khóa tập huấn lần thứ 4 và là lớp tập huấn thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội.

Tham gia lớp tập huấn có các chuyên gia Học viện Cảnh sát Hà Lan; Học viện Quan hệ quốc tế Clingendael; thành viên nhóm UNCAT Việt Nam là giáo viên, chuyên gia đến từ các Học viện, Trường Công an nhân dân, các cơ quan chuyên ngành của Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Đại học Luật Hà Nội... 

Tại lớp tập huấn, các thành viên được nghe phần trình bày của Trung tướng, G.S, T.S Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp, Bộ Công an; Trưởng nhóm UNCAT của Bộ Công an về một số nội dung liên quan đến việc triển khai Công ước chống tra tấn tại Việt Nam trong thời gian qua; các chuyên gia đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Clingendael và Học viện Cảnh sát Hà Lan trình bày kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất để thực thi Công ước Liên hợp quốc cũng như những thông tin của cơ quan điều tra tội phạm Hà Lan trong việc ứng dụng công nghệ ghi âm, ghi hình để thẩm vấn, điều tra và giới thiệu giáo trình đào tạo điều tra nhằm hạn chế, loại trừ bạo lực trong thực thi công vụ.

Xuân Mai
.
.
.