Chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp và nghiêm trọng vì sao?

Chủ Nhật, 10/01/2016, 08:54
Tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng. Đã có chiến sỹ Cảnh sát giao thông (CSGT) bị đối tượng lao thẳng xe vào người, có người bị kéo lê trên đường hàng chục mét. Nhiều CBCS trở thành thương binh ở Thủ đô ngay giữa thời bình.


Vì sao lại xảy ra những vụ việc nghiêm trọng như vậy? Những hành động coi thường, thách thức pháp luật như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?...

Phóng viên Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật có cuộc phỏng vấn Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 Quốc gia, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

PV: Hình ảnh chiến sỹ CSGT bị thương trên quốc lộ 5, Hà Nội, quần áo rách tả tơi do bị kéo lê trên đường; đâm xe vào CSGT ở Hưng Yên, hất CSGT lên nắp capo ở Hải Phòng… là những vụ chống người thi hành công vụ gần đây gây bức xúc dư luận. Luật sư có đánh giá gì về hiện tượng này?

Luật sư Quản Văn Minh.

LS Quản Văn Minh: Chống CSGT khi làm nhiệm vụ là thực trạng báo động sự xuống cấp về đạo đức, ý thức công dân và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. 

Những hành vi đó không chỉ đơn thuần là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông, mà nó thể hiện sự coi thường pháp luật, thậm chí đó còn là hành vi thách thức pháp luật. Trong nhiều trường hợp, một số đối tượng còn thể hiện sự cố ý xâm hại về tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ, và cả những người tham gia giao thông khác.

PV: Có hai tình huống xảy ra, một là không chấp hành hiệu lệnh, hai là người vi phạm tấn công lại CSGT. Vậy những trường hợp đó pháp luật quy định mức xử lý như thế nào, thưa ông?

LS Quản Văn Minh: Trường hợp không chấp hành thì theo điều 5, điều 6 và điều 7 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đây bị coi là hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông”. Tùy theo từng loại phương tiện khác nhau mà mức phạt đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT có thể khác nhau.

 Cụ thể, đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô thì bị phạt tiền từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên môtô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự, mức phạt tiền là từ 200.000 - 400.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng, nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.

Trên thực tế, nhiều đối tượng manh động, khi bị CSGT dừng xe đã tăng tốc, cố tình đâm vào CSGT, gây hậu quả nghiêm trọng. Một số khác trở thành những “tay đua” tốc độ, lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường và gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, thậm chí có người bị tử vong. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm này, những hành vi trên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Cụ thể, nếu người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh mà bỏ trốn, để xảy ra tai nạn giao thông, làm thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì có thể bị coi là một tình tiết định khung tăng nặng của tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với mức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm (điểm d khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự). Nếu các hành vi cố ý chống đối CSGT, cố tình xâm hại đến sức khỏe tính mạng của người thi hành công vụ có thể xem xét truy cứu tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 257 Bộ luật Hình sự, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt tù lên đến 7 năm”.

Ngoài ra, nếu trong quá trình điều tra, xác minh mà có căn cứ chứng minh rằng người vi phạm biết rõ hành vi chống lại người thi hành công vụ là nguy hiểm (đâm xe, kéo người…) sẽ có hậu quả nghiêm trọng nhưng người này cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả của việc xâm hại tính mạng, sức khỏe đối với người thi hành công vụ thì có thể xem xét khởi tố về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người, tùy theo căn cứ do cơ quan điều tra xác định.

PV: Đã có quy định cụ thể xử lý các hành vi, nhưng thực tế vẫn liên tục xảy ra vụ việc nghiêm trọng, tính chất ngày càng tăng nặng. Có phải do mức xử lý chưa đủ sức răn đe thưa luật sư? 

LS Quản Văn Minh: Đúng vậy. Các quy định về xử lý hành chính đối với các hành vi chống người thi hành công vụ còn thiếu, khung hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

 Trong thực tiễn, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ mới bị xử lý bằng hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính.

PV: Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do văn hóa ứng xử, kiến thức của chính CSGT. Có bức xúc nên có phản ứng, theo luật sư đó có phải là một nguyên nhân không?

LS Quản Văn Minh: Nguyên nhân của tình trạng chống đối, tấn công CSGT có thể vì nhiều yếu tố, lý do khác nhau… Cũng có một số trường hợp, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, còn một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CSGT có tác phong, thái độ chưa chuẩn mực, chưa đúng điều lệnh của CSGT khi tiếp xúc với người tham gia giao thông, không giải thích rõ về hành vi vi phạm của người bị xử phạt, dẫn đến hiểu lầm, gây bức xúc, và phản ứng tiêu cực của người vi phạm… 

Điều đó ít nhiều làm ảnh hưởng uy tín của lực lượng cũng như hiệu quả công tác. Lỗi này xuất phát từ môi trường làm việc khắc nghiệt của CSGT, như làm việc ngoài trời, chịu ô nhiễm môi trường, trong khi nhiều người không tuân thủ hướng dẫn của CSGT, thậm chí phản ứng thái quá dễ gây ức chế khiến CSGT dễ mất bình tĩnh.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do ý thức pháp luật, tư duy nhận thức hạn chế cùng với suy thoái đạo đức của người lái xe về việc thiếu tôn trọng pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng con người. 

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về xử lý tội danh của người chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm ngày càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội.

PV: Theo luật sư, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra thì chúng ta cần phải làm gì?

LS Quản Văn Minh: Trước hết, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông cũng như nhận thức về tính nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng của các hành vi chống đối CSGT, không chấp hành hiệu lệnh của CSGT… từ nhà trường tới từng khu dân cư.

 Đồng thời, về chính sách pháp luật cần có những hình thức xử phạt, khung hình phạt nặng hơn nhằm răn đe đối với các hành vi vi phạm này. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp các chiến sĩ CSGT cũng nên cân nhắc lợi, hại khi thực hiện việc truy đuổi (lỗi vi phạm nhỏ, người vi phạm bỏ chạy trong lúc giờ cao điểm, đường đông đúc nếu truy đuổi có thể gây nguy hiểm cho người khác...).

PV: Nhưng nếu bỏ qua lỗi vi phạm thì dễ khiến người vi phạm coi thường pháp luật?

LS Quản Văn Minh: Lực lượng CSGT còn nhiều biện pháp khác có thể thực hiện để xử lý người vi phạm bỏ chạy như ghi lại biển số phương tiện hoặc dùng điện thoại chụp hình, quay phim hành vi vi phạm để sau đó truy xét, xử lý. 

Trong trường hợp có dấu hiệu phạm tội hoặc hành vi nghiêm trọng, sau khi CSGT ra hiệu lệnh dừng rồi mà người vi phạm vẫn cố tình bỏ chạy thì vẫn có thể được truy đuổi nhưng phải đảm bảo an toàn. Việc quyết định các tình huống truy đuổi, CSGT cần hết sức bình tĩnh và có cách hành xử đúng mực, đúng pháp luật.

PV: Xin cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.