Chống tham vọng quyền lực cá nhân là phát huy quyền lực của nhân dân

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:35
Tròn 72 năm trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và ngay lập tức phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lịch sử đã phó thác Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập non trẻ và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng khái, chân thành bày tỏ: "Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận.

Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".

Trọn cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán thực hiện và giữ gìn đạo đức của người cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; dĩ công vi thượng… Người đặc biệt nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông; đất có bốn phương đông, tây, nam, bắc; người có tứ đức cần, kiệm, liêm, chính”.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người đứng đầu Nhà nước là thực hiện quyền lực do nhân dân ủy thác; cán bộ cũng là người thực hiện quyền lực của dân, là công bộc của dân chứ không phải là “quan” cách mạng. Do vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”…

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu, ra sức tổ chức, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và thực thi pháp luật Nhà nước, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, đã xuất hiện tình trạng lạm dụng, tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vấn đề này được chỉ rõ trong Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Đây là thực trạng nguy hiểm đang diễn ra nhức nhối, làm giảm sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Nghị quyết nêu rõ một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh”…

Nằm trong tổng thể các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, trung tuần tháng 8-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90 - QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tại Quy định số 90 - QĐ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ tiêu chuẩn chung cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cán bộ cấp cao cần có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước và phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị…

 Về đạo đức, lối sống, cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.

Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Như vậy, tiêu chí “Tuyệt đối không tham vọng quyền lực” đã được quy chuẩn hóa nhằm đẩy lùi sự đam mê và tha hóa quyền lực. Quyền lực phải được giám sát, kiểm soát một cách hữu hiệu bằng những quy chế cụ thể; đồng thời có sự công khai và minh bạch trong quá trình thực thi quyền lực.

Trăn trở về vấn đề này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng ví von một cách sinh động: “Phải nhốt quyền lực vào chiếc lồng quy chế”. Một trong những giải pháp cụ thể được đề cập trong Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XII) là: Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Thấm nhuần tư tưởng của các bậc tiền hiền: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “Nước lấy dân làm gốc”… kỉ niệm Tết Độc lập lần thứ 72, chúng ta càng nhận thức rõ ý nguyện của nhân dân và đòi hỏi của thực tế cuộc sống trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân.

Muốn vậy, phải phát huy được quyền lực và sức mạnh của nhân dân. Để làm được điều đó, một trong những giải pháp hữu hiệu chính là chống tham vọng quyền lực cá nhân, có cơ chế hiệu quả để giám sát, kiểm soát quyền lực mà Nghị quyết Trung ương 4 và Quy định số 90 - QĐ/TW đã khẳng định.

Trần Duy Hiển
.
.
.