Chỉ nên ghi âm, ghi hình khi hỏi cung đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Thứ Bảy, 07/11/2015, 10:42
Thảo luận về dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) ngày 6/11, các đại biểu đều nhất trí không nên quy định cứng là bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung đối với mọi loại tội phạm, mà chỉ nên áp dụng với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, những vụ án bị can, bị cáo kêu oan ngay từ đầu.

Như vậy vẫn đảm bảo những tiến bộ trong cải cách tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người, và vẫn phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, nhất là nguồn lực đầu tư còn có hạn

Phát biểu ý kiến đầu tiên, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, chính là quyền im lặng.

“Tôi đề nghị không nên quy định như một quyền độc lập và vẫn giữ quy định trong Bộ luật Tố tụng hiện hành. Nếu quy định là "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội" như dự thảo, sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra trong thực tiễn, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là đấu tranh đối với các vụ án, đặc biệt nghiêm trọng như âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn. 

Nếu kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp ngòi nổ, truy bắt đồng phạm, thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả? Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản cho Nhà nước. Nếu là tội phạm giết người, cướp của mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật vụ án đồng phạm để giải quyết kịp thời vụ án, đem lại sự bình yên cho nhân dân?”. Với những lý lẽ này, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ hơn.

Về ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, đại biểu Trần Đình Sơn - Đắk Lắk bày tỏ ý kiến tán thành nhưng cần có lộ trình, xét tình hình thực tiễn ở Việt Nam. Chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án có tổ chức, vụ án phức tạp, an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, án không quả tang, án truy xét…

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ, cho rằng quy định này là do chính Bộ Công an đề xuất cho nên có cơ sở để thực hiện, nó cũng giúp tránh những trường hợp ép cung, nhục hình và mặt khác, bị can, bị cáo cũng không thể đổ thừa cho cơ quan điều tra về bức cung, nhục hình để phản cung chạy tội, bảo đảm cho tính khách quan, trung thực của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ một số băn khoăn.

“Theo quy định dự thảo, mỗi lần hỏi cung là một lần phải ghi âm, ghi hình hay chỉ ghi âm, ghi hình một lần khi cần thiết? Nếu mỗi lần hỏi cung lại mỗi lần ghi âm, ghi hình thì liệu có khả thi hay không? Vì thực tế hiện nay cho thấy, một vụ án có một bị can phạm tội quả tang, thì việc điều tra, hỏi cung ít nhất cũng phải tiến hành đến 5 lần, 5 bản cung, từ biên bản theo dõi quả tang cho đến bản phúc cung cuối cùng của Viện Kiểm sát. Mỗi lần hỏi cung như vậy thì biên bản ghi ít nhất 4 trang giấy và ghi được 4 trang giấy cũng hết 1 tiếng đồng hồ, có nghĩa là ít nhất phải 5 tiếng ghi âm ghi hình. Như vậy dữ liệu này bảo quản như thế nào? Thứ hai, việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình này như thế nào, khi nào sử dụng? Khi chuyển hồ sơ vụ án qua Tòa án thì có chuyển những băng ghi âm, ghi hình này qua Tòa án với tư cách là một chứng cứ trong hồ sơ hay không?...”.

Với những lý lẽ này, đại biểu cho rằng quy định ghi âm, ghi hình là cần thiết, nhưng không nên quy định “cứng” là bắt buộc, mà chỉ tiến hành với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. “Chúng ta có rất nhiều cơ chế để kiểm soát việc bức cung, nhục hình, phòng tránh oan sai, chứ không chỉ có lệ thuộc vào ghi âm, ghi hình. Do đó, tôi cho rằng nên để tuỳ tình hình thực tế trong điều tra, xét xử mà có thể quyết định đối với từng vụ án. Việc ghi âm, ghi hình tất cả là không cần thiết” – đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng cơ bản đồng tình với dự thảo là cần thiết thiết kế việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can phục vụ yêu cầu điều tra và hạn chế tối đa trường hợp vi phạm, nhất là việc bức cung, nhục hình, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh vu cáo của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng dự thảo quy định theo hướng mọi trường hợp hỏi cung đều phải ghi âm, ghi hình thì không cần thiết và không đảm bảo tính khả thi. Theo đại biểu, hoạt động tội phạm diễn ra trên thực tế rất đa dạng. 

“Nếu ghi âm, ghi hình bắt buộc như thế thì hầu như điều tra viên phải đọc lại biên bản hỏi cung cho bị can nghe, điều tra viên phải phát lại băng từ đầu đến cuối cho bị can xem lại, bị can xác nhận lời khai, xác nhận nội dung, ký vào biên bản… thì mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tiến độ điều tra các vụ án...” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh.

Về quyền đọc và ghi chép tài liệu, hồ sơ vụ án của bị cáo, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đồng tình là nên cho phép, nhưng phải giới hạn lại là được thực hiện đến khi nào. Nếu không đến khi mở phiên toà bị cáo lại đòi được ghi chép tài liệu, phải hoãn xét xử thì sẽ rất tốn kém.

“Vấn đề này không quy định chặt chẽ thì đó là kẽ hở pháp luật để người ta xin hoãn phiên tòa với nhiều lý do khác nhau, nên tôi đề nghị ghi rõ chỉ được đọc, ghi chép cho đến 5 ngày trước khi mở phiên tòa, bởi vì chúng tôi phải tống đạt quyết định mở phiên tòa cho bị cáo trước 15 ngày, để tránh trường hợp bị lạm dụng”.

Về quyền của người bào chữa khi tham gia tố tụng, một số đại biểu đề nghị không quy định người bào chữa có quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ, vì trách nhiệm phải chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Đây là nguyên tắc trong hoạt động điều tra truy tố xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Người tiến hành tố tụng hình sự mới có quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để chứng minh tội phạm. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ cần quy định người bào chữa tham gia tố tụng có quyền thu thập tài liệu, đồ vật và các tình tiết liên quan đến việc bào chữa, còn việc kiểm tra, đánh giá tài liệu, đồ vật và các tình tiết liên quan đến vụ án có phải là chứng cứ hay không thuộc trách nhiệm chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Vũ Hân
.
.
.