Trò chuyện Chủ nhật

Cần xây dựng phương án phòng, chống động đất một cách bài bản

Chủ Nhật, 02/08/2020, 08:14
Trước hiện tượng liên tiếp xảy ra các trận động đất tại , chống động đất, thuộc khu vực Tây Bắc, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, để tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa khi động đất xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Những ngày vừa qua liên tiếp xảy ra các trận động đất tại Sơn La, thuộc khu vực Tây Bắc. Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chỉ trong 2 ngày, từ 27 đến 29/7, tại Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3, sau đó tiếp tục xảy ra 16 trận dư chấn, có độ lớn từ 2,5-4 và khoảng 10-15 dư chấn nhỏ hơn.

Trận động đất với độ lớn 5,3 đã gây thiệt hại trụ sở làm việc của một số xã, nhà văn hóa, trường mầm non, trạm y tế và 127 nhà dân bị hư hỏng. Một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội bị rung lắc. Sáng 1/8, tại Mộc Châu, Sơn La lại xảy ra động đất.

Trước hiện tượng này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, để tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp phòng ngừa khi động đất xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.                          

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

PV: Thưa ông, hiện tượng động đất xảy ra tại Sơn La vừa qua có phải là hiện tượng bất thường và có nằm trong dự báo của các cơ quan nghiên cứu, theo dõi về động đất không?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Hiện tượng này không bất thường, động đất xảy ra trên đới đứt gãy sông Đà. Trên đới đứt gãy này, các nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu cũng đã dự báo sẽ có thể xảy ra trận động đất có độ lớn cực đại là 5,5 độ richter.

Khu vực Tây Bắc là nơi có hoạt động động đất mạnh nhất Việt Nam. Trên đới đứt gãy đang hoạt động, sau thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn sẽ xảy ra động đất.  Trong lịch sử, ở  Mộc Châu năm 1943 đã từng ghi nhận trận động đất có độ lớn 4,8 độ richter; năm 1993 có trận có độ lớn 4,2 độ richter. Như vậy, trận động đất xảy ra tại Mộc Châu, Sơn La hôm 27-7 là trận động đất lớn nhất từ trước tới nay ghi nhận được tại khu vực này.

PV: Ở Việt Nam, những vùng nào các cơ quan chức năng có thể cảnh báo được động đất để chúng ta chủ động phòng tránh, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt Nam vẫn có mối hiểm hoạ động đất khá cao. Hai trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam là động đất Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter) và Tuần Giáo năm 1983 (6,8 độ richter).

Ngoài ra, trong chục năm trở lại đây, các trận có độ lớn 4,0-4,8 độ richter cũng xảy ra trên một số địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Quảng Nam, Huế và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. Mức độ động đất lớn hay nhỏ tùy thuộc mỗi vùng, mỗi khu vực này đều có xây dựng bản đồ nguy hiểm động đất, được sử dụng trong quy chuẩn kháng chấn của ngành xây dựng.

PV: Ông có khuyến cáo gì cho người dân sống ở những khu vực có khả năng xảy ra động đất để họ chủ động ứng phó?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Để tránh những rủi ro và phòng tránh động đất, nhà cửa ở khu vực này phải thiết kế theo quy chuẩn kháng chấn của ngành xây dựng, đây là yêu cầu quan trọng nhất vì từng khu vực có thông số động đất khác nhau. Nhà dân, các công trình công cộng, trọng điểm phải được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn đó. Ngoài ra, chúng ta cần phải tuyên truyền kỹ lưỡng giúp người dân trang bị được kiến thức để phòng tránh động đất.

Tôi cho rằng, người dân phải được tập huấn nhuần nhuyễn các kỹ năng ứng phó, phải biết làm gì khi động đất xảy ra, ví dụ, khi rung lắc đầu tiên thì người dân tìm nấp dưới bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc, để bảo vệ đầu mình không bị đồ vật rơi xuống; ngắt các nguồn gas, lò sưởi, điện ngay khi xảy ra động đất; nếu lửa bùng phát, cần dập tắt nhanh chóng; tránh việc vội vã đi ra khỏi nhà khi đang xảy ra động đất. Những quy tắc chung tưởng đơn giản vậy thôi nhưng phải tuyên truyền kỹ và diễn tập người dân mới nắm được.

Công an và lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân khắc phục hậu quả do động đất xảy ra cuối tháng 7-2020 tại xã Tân Lập (huyện Mộc Châu, Sơn La).

Hoặc ở khu vực đồi núi như Mộc Châu, Cao Bằng, khi động đất, đá hay lăn từ trên núi xuống nên phải cảnh giác khi đi gần chân núi có đá lăn xuống rất nguy hiểm (trước đây ở vùng này khi xảy ra động đất, đá lăn xuống đã làm bẹp xe ôtô, hay ở Mộc Châu đã có xe bị bẹp đầu vì đá lăn xuống).

Khu vực Tây Bắc, trong lịch sử đã xảy ra những trận động đất rất mạnh,  6,7-6,8 độ richter. Đối với khu vực này trong tương lai, để chủ động phòng tránh, theo tôi cần phải xây dựng phương án phòng chống động đất một cách bài bản, từ công tác quy hoạch, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, cần tính đến thông số môi trường động đất khu vực.

Chính phủ hiện có ban hành quy chế phòng chống động đất, quy định hằng năm các địa phương cũng phải rà soát các phương án phòng tránh động đất, tuyên truyền, tập huấn cho người dân để thực hiện tốt công tác phòng chống.

PV: Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan nghiên cứu về động đất, thiên tai tại Việt Nam có học hỏi được nhiều kinh nghiệm phòng chống động đất của các quốc gia hay xảy ra động đất không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Với đội ngũ các nhà khoa học đã có hơn nửa thế kỷ trong lĩnh vực nghiên cứu địa chấn ở Việt Nam, tại Viện Vật lý địa cầu, các kiến thức chuyên môn của các nhà khoa học được ứng dụng ngay trong công tác phát hiện và cảnh báo kịp thời những trận động đất và sóng thần có khả năng gây thiệt hại cho cộng đồng trên toàn lãnh thổ Việt Nam khu vực Biển Đông. Hợp tác quốc tế là phần không thể thiếu trong nghiên cứu động đất, sóng thần. Các đài quan trắc động đất ở Sa Pa, Phủ Liễn là kết quả hợp tác với Ba Lan từ những năm 1957.

Chúng tôi cũng hợp tác, nghiên cứu với nhiều nước khác như Nhật Bản, Nga, Pháp, Mỹ và một số nước tiên tiến về nghiên cứu động đất. Viện Vật lý địa cầu đã đại diện cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS). Đây là hệ thống cảnh báo sóng thần lớn nhất thế giới do Tổ chức UNESCO lập ra, với 43 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Đây là tổ chức quốc tế khu vực có vai trò kiểm soát và hỗ trợ các hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng tới hệ thống cảnh báo sóng thần tại các quốc gia thành viên trên toàn khu vực Thái Bình Dương. Việt Nam tham gia đầy đủ các khóa họp thường niên và có đóng góp về kỹ thuật phát triển hệ thống báo tin động đất, cảnh báo sóng thần trong suốt thời gian qua.

Cho đến nay, trên thế giới sau nhiều nỗ lực vẫn chưa thể dự báo được chính xác thời gian xảy ra động đất. Ngay cả những nước thường xuyên bị ảnh hưởng động đất mạnh như Nhật Bản cũng chưa dự báo được thời gian xảy ra động đất.

PV: Việt Nam được đầu tư như thế nào về trang thiết bị cảnh báo và nghiên cứu về hiện tượng động đất, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Nói chung, trong thời gian gần đây, công tác báo tin, động đất cảnh báo sóng thần đã được Chính phủ quan tâm sau thảm họa động đất - sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004. Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam, trong đó có hạng mục quan trắc động đất là 40 đài, trạm địa chấn. Đây là nền tảng cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam.

Tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, chế độ trực ca được duy trì suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất – sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút sau khi động đất xảy ra.

Theo quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ richter trở lên theo thang Mô men sẽ được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất, trong đó các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm ứu nạn. Ngoài ra, tất cả các trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter cũng được thông báo ngay lập tức sau khi phát hiện trên website của Viện Vật lý địa cầu theo địa chỉ http://www.igp-vast.vn.

PV: Hiện biến đổi khí hậu đang diễn ra rất sâu sắc, khó lường, đây có phải là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng động đất không?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Động đất cũng là một trong những thông số của môi trường, trong đó động đất kích thích liên quan tới tích nước ở các hồ chứa của đập thủy điện. Các yếu tố như mưa lớn, mực nước hồ chứa, độ ẩm đất có thể làm cho ảnh hưởng của động đất thay đổi khi nó xảy ra. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề này cần phải được nghiên cứu cụ thể hơn. Rõ ràng, hiện tượng thiên tai cần nghiên cứu toàn diện hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc, thời tiết cực đoan thì các hiện tượng biến đổi đó có liên quan đến nhau.

PV: Bàn tay của con người cũng đang tác động, tàn phá môi trường như phá rừng, xây dựng thủy điện tràn lan, làm ảnh hưởng tới môi sinh, đây cũng là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, trong đó có động đất, phải không thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Anh: Như tôi vừa trao đổi ở trên, những vấn đề đó phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản để đánh giá một cách khoa học. Khi thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, các địa phương nhất thiết phải tính đến các thông số môi trường, trong đó có hoạt động động đất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ điều hành, ứng phó với động đất

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành công điện gửi các đơn vị trực thuộc, các Sở TT&TT tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và doanh nghiệp viễn thông về việc ứng phó, khắc phục hậu quả của động đất. 

Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phát sóng, đưa tin kịp thời tình hình diễn biến của động đất; hướng dẫn kỹ năng ứng phó với động đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, ổn định tâm lý cho nhân dân, tránh hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. 

Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông kịp thời triển khai các biện pháp khắc phục sự cố, tiến hành gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột anten trên địa bàn nhằm đáp ứng đầy đủ thông tin liên lạc phục vụ các cấp chính quyền chỉ đạo, điều hành ứng phó với động đất. (H.T)


Thu Phương (thực hiện)
.
.
.