Bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình:

Cần công khai và xử lý nghiêm các phụ huynh “mua điểm”

Thứ Hai, 25/03/2019, 16:42
Sau 9 tháng chờ đợi, cuối cùng thì mong muốn trả lại điểm thi thật cho thí sinh tại Sơn La, Hòa Bình cũng đã được thực hiện. Sau Hòa Bình, hiện Sở GD&ĐT Sơn La đang tiến hành cập nhật lại điểm thi thật của các thí sinh gian lận để các trường đại học có cơ sở rà soát lại các thí sinh đã trúng tuyển trong năm 2018. 


Tại thời điểm này, cùng với việc chờ đợi các trường đại học sớm công bố việc xử lý đối với thí sinh gian lận thì dư luận xã hội còn mong muốn “lôi ra ánh sáng” các phụ huynh mua điểm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn tại Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn).

Gian lận điểm thi tại một số địa phương trong kỳ thi THPTQG 2018 đã gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội

Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm. Trước đó, tại Hòa Bình, kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cũng xác định có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/môn. Cao nhất có 1 thí sinh có bài thi môn Hóa học được nâng lên 9,25 điểm. 

Cá biệt, có thí sinh tổng điểm thi 3 môn được tăng lên đến 26,45 điểm. Còn tại Hà Giang, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm được nâng chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Như vậy, tại 3 địa phương này, đã có hơn 200 thí sinh được xác định là gian lận điểm. Việc các thí sinh này được nâng điểm để có được tấm vé vào đại học không chỉ khiến xã hội bức xúc về tiêu cực trong thi cử mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác như “cướp” đi cơ hội của hơn 200 thí sinh xứng đáng khác. Nói là mất cơ hội vì tại thời điểm hiện tại, nếu như các thí sinh gian lận này bị buộc thôi học thì các trường đại học (trong đó có các trường Công an, quân đội) cũng đều không tuyển sinh bổ sung đối với các thí sinh có điểm thi kế cận vì điều này không phù hợp với quy chế tuyển sinh đại học 2018. 

Từ sự việc này cho thấy, hệ lụy của tiêu cực trong thi cử là vô cùng lớn và người chịu thiệt thòi, bị tổn thương nhiều nhất chính là những thí sinh bị trượt oan do các thí sinh gian lận, bị mất cơ hội vào đại học, đặc biệt là các trường đại học top đầu. Do vậy, dư luận cho rằng, để đảm bảo công bằng và tăng tính răn đe đối với các hành vi tiêu cực trong thi cử, ngoài việc cho các thí sinh gian lận điểm nghỉ học, còn phải xử lý nghiêm đối với các phụ huynh có hành vi mua điểm, chạy điểm này.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho rằng: Trong trường hợp này, các trường đại học (kể cả khối trường Công an và quân đội) cần phải rà soát lại thí sinh đã trúng tuyển để kiểm tra, đối chiếu. Nếu phát hiện thấy các thí sinh này do gian lận điểm mà trúng tuyển thì cần cho thôi học theo đúng quy chế. Điều này vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đảm bảo công bằng với thí sinh khác. 

“Giả sử nếu không phát hiện, không lôi ra ánh sáng thì chính những thí sinh này sau này sẽ ung dung trở thành công chức, viên chức hay đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp từ tấm bằng đại học mà ngay từ đầu vào đã gian lận. Nếu không xử triệt để, những người ngay từ đầu vào đã khuyết tật này sẽ leo cao, chui sâu thì rất nguy hại”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, một việc rất quan trọng khác cần phải làm tới cùng là truy trách nhiệm của những người nhờ vả nâng điểm. Trên thực tế, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi nâng điểm tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vốn là cán bộ công tác trong ngành giáo dục đã bị xử lý nhưng những người chạy điểm (phụ huynh học sinh) thì vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. 

“Nếu như những thí sinh gian lận điểm đã ngồi nhầm chỗ, cướp đi cơ hội của các thí sinh khác thì chính bố mẹ của các thí sinh này đã cướp đi cơ hội của con em người khác. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật là xử lý hình sự hoặc hành chính tùy thuộc vào mức độ vi phạm”- Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu quan điểm. Liên quan đến việc có nên công bố danh tính các thí sinh nâng điểm, bị buộc thôi học? 

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng: Dù việc nâng điểm quá khủng khiếp dễ dẫn đến nghi ngờ thí sinh không thể không liên quan, không thể không hay biết nhưng về pháp luật, chưa có chứng lý rõ ràng thì không thể kết tội các em được. Hơn nữa, trong trường hợp này, phần lớn là các em chịu hậu quả từ bố mẹ. 

Việc công khai danh tính với toàn xã hội là không cần thiết vì thực tế ngay cả những người phạm tội không phải trường hợp nào cũng công khai. Tuy nhiên, nhà trường cần phải thông báo riêng những trường hợp này công khai trong lớp để đảm bảo tính minh bạch. Ngoài ra, cũng có thể nghiên cứu áp dụng việc cấm thi đối với những thí sinh này một thời hạn theo quy chế của ngành giáo dục.

Đồng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng: Việc công khai danh sách thí sinh nâng điểm cần thiết hay không còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Hiện nay, khi sai phạm mới xác định là ở người lớn thì trước hết phải xử người lớn cho thật nghiêm. 

Với học sinh, vẫn nên xét đến tính nhân văn, giáo dục lâu dài. Riêng với các phụ huynh bắt tay với cán bộ giáo dục để nâng điểm khống thì phải “lôi ra ánh sáng” và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Huyền Thanh
.
.
.