Bốn suy ngẫm từ phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh

Thứ Hai, 12/11/2018, 21:01
Vụ án là sự thức tỉnh với mỗi người, là bài học để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND tiếp tục phấn đấu rèn luyện, tuân thủ pháp luật, tận hiến công tác


Ông Phan Văn Vĩnh trước phiên tòa hình sự sơ thẩm TAND tỉnh Phú Thọ trở thành tâm điểm của báo chí, dư luận. Cái lạnh đầu mùa, ông xuất hiện trong chiếc áo khoác sẫm màu. Những bức ảnh được đưa ngập các trang báo chí, mạng xã hội, đi theo đó vô số ý kiến, bình luận.

Nghĩ về vụ án, giữa bao luồng dư luận, trong mỗi chúng ta – những cán bộ, chiến sĩ Công an không khỏi suy nghĩ, trở trăn...

Với tôi, có 4 điều suy nghĩ:  

Trước hết, việc một cán bộ từng phấn đấu, rèn dũa, kinh qua các chức vụ trong lực lượng CSND để giữ đến trọng trách như ông Phan Văn Vĩnh, nay phạm vào lằn ranh luật pháp cấm, phải ra tòa hình sự, đó là một tổn thất. Tổn thất với chính cá nhân, với những gì ông đã phấn đấu, mài dũa rất dài lâu mới có được; tổn thất với gia đình, với đồng sự và tổn thất với ngành. 

Ngày hôm qua, ông thể hiện cái danh, cái uy và bản lĩnh trên cương vị trinh sát, điều tra viên, chỉ huy từ cấp địa phương đến thủ lĩnh lực lượng CSND. Chiến thắng, công trạng, tất thảy đều có. Những vụ án lớn, những chuyên án hình sự với chiến dịch 135 nổi tiếng một thời ở Hà Nam Ninh, nơi ghi danh bản lĩnh “thép” và khép lại với danh hiệu Anh hùng LLVTND được Đảng, Nhà nước tôn vinh. 

Hay những vụ truy quét băng nhóm xã hội đen, tội phạm có tổ chức, cả khi trên cương vị Trung tướng, Tổng cục trưởng, ông vẫn đến hiện trường lặn lội cùng anh em, đồng đội, miệt mài điều tra phá án mà vụ truy bắt Lê Văn Luyện ở Bắc Giang là điển hình. Với tội phạm kinh tế như vụ Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh... cũng gắn với dấu ấn chỉ đạo khám phá, điều tra của ông trên cương vị thủ trưởng cơ quan CSĐT Bộ Công an. Chiến công, thành tích ấy thật đáng tự hào, vậy mà nay...

Thứ hai, việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án đánh bạc quy mô lớn tại Phú Thọ, trong đó có việc điều tra, truy tố, xét xử ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, theo nguyên tắc “không có vùng cấm”. 

Người từng có công danh như thế, từng được Nhà nước giao thừa hành pháp luật, nay phải bước ra tòa chịu sự xử lý của pháp luật, đó là hai mặt của vấn đề: công danh và tội trạng không đánh đồng, hai mảng sáng tối là phân biệt. 

Luật pháp bất vị thân, dù là ai, làm gì, cương vị nào, khi phạm vào quy định mà pháp luât điều chỉnh, ở đây là Bộ luật Hình sự thì phải chịu chế tài tương ứng. Thành tích, công trạng không “khấu trừ” vào tội trạng mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi tòa xem xét, tuyên án.

Thứ ba, điều này thể hiện tinh thần của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay: “xử một vài người để cứu muôn người”. Ở đây là xử lý người phạm pháp, vừa là việc áp dụng theo đúng quy định pháp luật, vừa là biện pháp để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. 

Đó là sự cảnh tỉnh, răn đe với những ai đang nắm giữ quyền lực, nắm giữ địa vị, phải biết lằn ranh hay giới hạn mang tính nguyên tắc. Đừng vì quyền cao, chức trọng, đừng vì bổng lộc nhìn thấy mà bị đánh gục. Quyền hạn, chức trách là Nhà nước giao phó, những ai trót nhúm chàm hay đang trên con đường đó, nếu có ý định đó, sự cảnh tỉnh này giúp họ nhìn lại để mà chỉnh đốn, để uốn nắn trước khi quá muộn. Cũng như việc xử lý các vụ án lớn gần đây, chúng ta chịu tổn thất, nhưng là việc phải làm để cứu muôn người, để giữ lấy niềm tin trong dân chúng và trong chính cơ quan thi hành pháp luật. 

Thứ tư, từ vụ án, chúng ta cần có quan điểm thấu đáo, từ đó đúc rút bài học cho chính mình, cho đồng chí, đồng đội. Đó là phải nhìn nhận theo tinh thần xây dựng, một cách nhìn toàn diện vì công cuộc, sự nghiệp chung. Ở đây là sai phạm của cá nhân, trong một vụ án cụ thể, do đó phải nhìn nhận trong phạm vi vụ án và với chính cá nhân, hành vi đó. 

Không vì sai phạm của một cá nhân, một vụ việc mà đánh đồng, suy diễn ra vấn đề chung của lực lượng, đặc biệt tránh suy nghĩ “người này như vậy, người khác ra sao”, làm giảm lòng tin, lung lay ý chí. 

Ngược lại, vụ án là sự thức tỉnh với mỗi người, là bài học để mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND tiếp tục phấn đấu rèn luyện, tuân thủ pháp luật, tận hiến công tác; khẳng định niềm tin vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sự quyết tâm của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, xử lý nghiêm sai phạm, chấp nhận những tổn thất nhất định để giữ vững kỷ cương, phép nước, vì lợi ích chung. 

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng (tháng 6-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, phải gương mẫu, đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; trái lại, phải mạnh dạn làm để giữ gìn uy tín, củng cố niềm tin của nhân dân và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát”.

Nói về điều này, trong bài trả lời phỏng vấn Báo CAND gần đây, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Đây cũng là một dạng tổn thất của lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hết sức phức tạp hiện nay, có trường hợp sa ngã, bị mua chuộc... 

Thực tế đó đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn ý thức được hình ảnh của mình để tu dưỡng, rèn luyện... Chỉ một phút lơ là hay lung lay trước cám dỗ, anh có thể đánh mất tất cả”. 

Nhìn nhận thấu đáo những điều đó, với mỗi chúng ta là cần thiết lúc này.


Nguyễn Thành
.
.
.