Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ góp phần đẩy lùi thông tin xấu, độc

Chủ Nhật, 07/05/2017, 10:25
Việc quản lý nội dung thông tin trên mạng internet, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) đang bị lợi dụng để trở thành nơi phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật hiện là thách thức đối với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sau khi Thông tư 38/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quy định chi tiết thông tin công cộng xuyên biên giới được ban hành, bước đầu đã có cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp cung cấp thông tin xuyên biên giới phải có trách nhiệm phối hợp gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. 

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT về vấn đề này.

PV: MXH đã có những bước phát triển có thể nói là thần tốc trong 10 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, MXH cũng đang dần bộc lộ những mặt trái, tích tụ thành những hậu quả nghiêm trọng đòi hỏi các quốc gia đều cần phải có các biện pháp quản lý. Tại Việt Nam, việc quản lý loại hình này đang gặp phải những thách thức và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Hiện nay tại Việt Nam đang có 2 loại MXH, một là của các doanh nghiệp trong nước do Bộ TT&TT cấp phép, hai là MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam và đang có nhiều người Việt Nam sử dụng như Facebook, Youtube... 

Điểm tích cực của các MXH là đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng về tính chia sẻ, tương tác và kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi loại hình này phát triển quá nhanh thì một loạt các quy định pháp luật để điều chỉnh lại chưa theo kịp. 

Đây chính là thách thức chung mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang gặp phải, nhất là khi MXH đang trở thành nơi phát tán tin sai sự thật, tin giả lan truyền với tốc độ nhanh. MXH cũng đang trở thành nơi nở rộ các hành vi thiếu văn hóa, xúc phạm tổ chức, cá nhân; là môi trường tốt cho các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh các mặt hàng cấm, các mặt hàng trốn thuế, lừa đảo; là nơi để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nhà nước, kích động khủng bố, hận thù dân tộc, chia rẽ, ly khai...  

Các yếu tố tiêu cực này ngày càng nghiêm trọng hơn khiến cho nhiều quốc gia, kể cả Mỹ-nơi sinh ra MXH và châu Âu, nơi đề cao tư do internet, cũng đang đặt ra việc phải quản lý MXH nhằm đảm bảo an toàn cho cả cộng đồng và an ninh quốc gia. Tại Việt Nam, hiện các hành vi vi phạm đều được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Một là xác định được chủ thể và hai là không xác định được chủ thể do tính chất ảo trên MXH. Trong đó, đối với hành vi xác định được chủ thể, nếu đó là công dân Việt Nam thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Còn đối tượng là người nước ngoài thì phải xử lý theo hình thức không xác định được đối tượng và phải phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhằm ngăn chặn. 

Ngoài ra, đối với các hành vi không xác định được đối tượng nhưng có nguy cơ vi phạm pháp luật Việt Nam thì chúng ta cũng phải phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới để yêu cầu gỡ bỏ.

Thông tư 38 được Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam trong việc xử lý vấn đề này.

Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT.

PV: Đối với các hành vi phát tán thông tin xấu, độc, vi phạm trên MXH là người nước ngoài hoặc không xác định được đối tượng nhưng có nguy cơ vi phạm pháp luật Việt Nam, trong thời gian qua, chúng ta đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Quang Tự Do: Trong công tác đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc, thông tin vi phạm pháp luật trên MXH trong thời gian qua, Cục PTTH&TTĐT ghi nhận Google đã hợp tác tương đối tốt với cơ quan quản lý nhà nước. Hàng tuần, Google đều có báo cáo cập nhật về việc chặn, gỡ được bao nhiêu kênh thông tin xấu, độc. 

Hiện nay, trung bình mỗi tháng Google đã hạ chặn được 300 - 400 clip có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Bộ TT&TT, nâng tổng số clip vi phạm bị gỡ bỏ lên tới con số hơn 2.300, trong đó có hàng trăm video có nội dung phản động, chống phá nhà nước. 

Với MXH Facebook, cuối tháng 4-2107, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chủ trì buổi tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Facebook sang Việt Nam làm việc. Sau đó, ngày 1-5, Cục PTTH&TTĐT đã tổng hợp danh sách các đường link đã chứng minh được vi phạm trước Facebook. Tổng cộng, Cục đã gửi cho Facebook hơn 4.000 đường link đề nghị gỡ bỏ hoặc chặn truy cập từ Việt Nam. Facebook cho biết sẽ xử lý tuần tự, đối chiếu với các tiêu chuẩn của họ. Riêng với các tài khoản giả mạo, Facebook cho biết sẽ sớm gỡ bỏ và chặn ngay mọi tài khoản mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, cũng như các tài khoản mạo danh các tổ chức đã chính thức xác nhận điều này.

PV: Việc chúng ta phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia như Google, Facebook trong việc gỡ bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật có thể xem là một bước đột phá, bởi từ trước đến nay, điều này chưa từng xảy ra. Tuy vậy, việc yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm sau khi thông tin đã được phát tán vẫn là cách làm có phần bị động. Trong thời gian tới, liệu chúng ta có thể tính đến việc quản lý bằng các giải pháp kỹ thuật chủ động hơn không?

Ông Lê Quang Tự Do: Vì MXH có những đặc thù riêng nên hiện tất các nước  trên thế giới đều đang  phải đối mặt với bài toán hậu kiểm chứ chưa thể tiền kiểm được. Theo tính toán của các chuyên gia công nghệ, trung bình một phút, Youtube  có khoảng 400 giờ video được đăng tải lên trên toàn thế giới, một con số khổng lồ mà không có lực lượng nào có thể kiểm duyệt hết được. 

Bên cạnh đó, thuật toán của các MXH, đặc biệt là MXH nước ngoài đa phần là hậu kiểm, chủ yếu dựa vào sự cảnh báo của cộng đồng người sử dụng. Ngoại trừ một số hình ảnh khiếu dâm, khủng bố, xâm hại trẻ em được ưu tiên tiền kiểm song trên thực tế vẫn bị lọt. 

Hiện nay, đối với các MXH trong nước, Bộ TT&TT đã có văn bản pháp luật yêu cầu tăng cường kiểm duyệt nội dung thông tin, tránh thông tin vi phạm, phát hiện là phải gỡ bỏ ngay. Đối với các MXH do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, do chênh lệch về múi giờ, quy định pháp luật của các nước nên Thông tư 38 cho phép tối đa sau 48 giờ phải gỡ bỏ khi nhận được yêu cầu...

Về tiền kiểm, do hạn chế của công nghệ nói chung, Bộ TT&TT cũng đang có giải pháp yêu cầu Facebook và các MXH trong nước nghiên cứu áp dụng thuật toán tiền kiểm đối với các thông tin xấu, độc, cụ thể như xây dựng bộ lọc từ tương tự như bộ lọc hình ảnh mà Facebook, Google đang làm nhằm hạn chế thông tin xấu, độc. 

Đồng thời, xây dựng quy tắc ứng xử trên MXH nhằm nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trên MXH cũng như nghiên cứu thay đổi một số quy định trong quản lý internet để phù hợp với xu thế xã hội, trong đó có MXH. 

Đặc biệt là kêu gọi sự chung tay của cơ quan truyền thông, cộng đồng mạng và cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, cùng chung tay phát hiện và tham gia xử lý các thông tin xấu độc, hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục. 

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, giải pháp nâng cao ý thức của các cấp các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng vẫn là quan trọng nhất bởi chỉ khi nào mỗi người sử dụng đều tự giác dùng MXH một cách văn minh thì mới đẩy lùi được cái xấu, cái sai lệch.

PV: Hiện Bộ TT&TT đang xây dựng dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Theo ông, việc xây dựng và ban hành Bộ quy tắc này kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề gì trong quản lý MXH hiện nay?

Ông Lê Quang Tự Do: Thực ra, môi trường MXH bị vẩn đục chủ yếu là vì yếu tố dân sự, vì các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa trong môi trường mạng, cách sử dụng MXH chưa văn minh hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai này để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Vì vậy, việc lập lại trật tự, chấn chỉnh và tái lành mạnh hóa môi trường MXH có mục đích cao nhất là phục vụ người sử dụng. 

Trong bối cảnh đó, Bộ TT&TT đã kêu gọi cộng đồng mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH và toàn xã hội chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước, cùng chung tay xây dựng một bộ quy tắc ứng xử để xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. 

Đề xuất xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho MXH Việt Nam sẽ được tham khảo, dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu đã ký với 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ MXH lớn trên thế giới là Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft. Mục tiêu là xây dựng bộ quy tắc ứng xử được các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào Việt Nam chấp nhận và người Việt Nam cũng cảm thấy phù hợp, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội. Đây sẽ là quy định mềm, không có tính pháp lý nhưng chịu sự điều chỉnh, giám sát của xã hội... nhằm chung tay xây dựng môi trường MXH lành mạnh. 

Mới nhất là ngày 12-4, chúng tôi đã tổ chức Hội thảo quốc tế để đề xuất xây dựng bộ quy tắc. Lộ trình tiếp theo là hoàn thiện, công bố dự thảo và lấy ý kiến doanh nghiệp và các tầng lớp xã hội. Cuối cùng là tạo bộ khung, giới hạn đỏ để trên cơ sở đó, các MXH đối chiếu đưa vào quy định riêng một cách thống nhất. Dự kiến, Bộ quy tắc sẽ được hoàn thiện trong năm 2017.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, để công tác quản lý thông tin trên mạng internet, đặc biệt là MXH hiệu quả, cần phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành, liên bộ. Việc Bộ TT&TT đang đề xuất phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an cùng chung tay  xử lý các thông tin vi phạm phải chăng là một trong những giải pháp để cụ thể hóa vấn đề này?

Ông Lê Quang Tự Do: Từ trước đến nay, sự phối hợp liên ngành giữa Bộ TT&TT và Bộ Công an trong việc quản lý nói chung, quản lý nội dung thông tin trên mạng internet nói riêng đã diễn ra tương đối chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả. Tuy vậy, do mối liên hệ mật thiết giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước về nội dung thông tin trên mạng internet và một bên là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn xã hội và an ninh quốc gia nên sự phối hợp này cần được đẩy mạnh hơn nữa. 

Xuất phát từ bối cảnh đó, Bộ TT&TT đang đề xuất phối hợp với một số bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an trong việc thực hiện và xử lý các thông tin vi phạm. Việc phối hợp này nhằm phân định rõ trách nhiệm và cơ chế thúc đẩy sự phối hợp rõ ràng, chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa bởi vấn đề quản lý internet ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành. 

Trong đó, Bộ TT&TT quản lý nội dung thông tin, Bộ Công an quản lý an ninh thông tin, Bộ Công Thương quản lý thương mại điện tử, Bộ Tài chính mà chủ yếu là Tổng cục Thuế quản lý về thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý cổng thanh toán, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý về quảng cáo. Với sự tham gia của nhiều bộ, ngành như vậy, nếu không có sự phân định trách nhiệm, cơ chế phối hợp rõ sẽ khó tạo ra sức mạnh tổng hợp để xử lý kịp thời các hành vi biến tướng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.