Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững trong thời hội nhập quốc tế

Chính phủ kiến tạo, kinh tế phát triển

Thứ Bảy, 24/03/2018, 07:16
Trong điều kiện kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam như vậy làm sao để phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới? Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, việc quan trọng và cần thiết là huy động được sức mạnh tổng hợp, sự liên kết đầu tư của các thành phần kinh tế như kinh tế nhà nước, tư nhân, nguồn vốn FDI đầu tư... để tạo sức mạnh bền vững...

Bài cuối: Chính phủ kiến tạo, kinh tế phát triển

Bất cứ một nền kinh tế của quốc gia nào muốn phát triển bền vững trong sự hội nhập quốc tế cũng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế. Để giải quyết tốt vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách đúng đắn, việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh; chủ sở hữu các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư, hộ cá nhân… cần có sự liên kết chặt chẽ, sự phân vai phù hợp, làm ăn chân chính, để tạo thế mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế…

Cần có sự phân vai, liên kết hợp lý của các thành phần kinh tế

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy kinh tế phát triển, Nhà nước không chỉ định hướng, tạo khung pháp lý hoạt động một cách phù hợp mà còn có chính sách hỗ trợ. Việc hỗ trợ này tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, tùy ngành, lĩnh vực nhưng phải phù hợp với thực tiễn. 

Hiện nay phần lớn các địa phương đều đua nhau mời gọi, xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế để thu hút đầu tư về với địa phương mình. Có thể thấy xuất hiện một phong trào gần giống nhau ở các tỉnh, thành phố là đua nhau tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, ký kết đầu tư, xây dựng khu công nghiệp... Vấn đề là, cần có tổng kết, đánh giá khách quan đầy đủ cách gọi mời đầu tư kiểu này mang lại hiệu quả trong thực tế đến đâu. Từ đó, phát huy kinh nghiệm hay, giảm thiểu cách làm hình thức, không hiệu quả...

Trong điều kiện kinh tế tư nhân (KTTN) ở Việt Nam như vậy làm sao để phát triển trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới? Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, việc quan trọng và cần thiết là huy động được sức mạnh tổng hợp, sự liên kết đầu tư của các thành phần kinh tế như kinh tế nhà nước, tư nhân, nguồn vốn FDI đầu tư... để tạo sức mạnh bền vững.

NutiFood đầu tư công nghệ, tạo liên kết để cạnh tranh.

Hiện nay ở nước ta, sự đầu tư liên kết giữa các thành phần kinh tế còn rất yếu, hầu như chưa đáng kể. Sự đầu tư liên kết này không chỉ ở vốn mà liên kết ở cả sản xuất phụ trợ lẫn nhau trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ như tập đoàn SAM SUNG liên kết nhiều công ty để sản xuất phụ kiện, hỗ trợ sản phẩm, cung ứng, phân phối… tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Hiện Chính phủ có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ để tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế cùng phát triển. Giúp nông dân có điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề này rất cần thiết vì thực tế ở nước ta gần 90% dân số sống ở nông thôn, tham gia sản xuất nông nghiệp, vì thế công nghệ cao không chỉ dành cho ứng dụng sản xuất ở các trang trại, công ty lớn mà cả trong sản xuất nhỏ của nông dân, chỉ cần một vài ha cũng có thể sản xuất bằng công nghệ cao, vấn đề quan trọng là làm sao tạo sự liên kết trong chuỗi hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ thành một hệ thống chứ không phải đơn lẻ.

Ở Lâm Đồng, từ những năm 1994, Đà Lạt Hasfarm- công ty trồng hoa bằng công nghệ nhà kính đầu tiên có quy mô, tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động. Ông Thomas Hooft (người Hà Lan), đã sớm đưa những thành tựu nông nghiệp quê hương vào Việt Nam bằng việc trồng hoa trong nhà kính.

Số vốn 700.000 USD cho sự khởi đầu trên 1ha trồng hoa hồng và 1ha hoa cẩm chướng ở Đà Lạt đã đem lại sự thành công trên sức tưởng tượng của nhiều người. Đến nay, Đà Lạt Hasfarm đã mở rộng diện tích 300ha, trong đó có 80ha hoa trong nhà kính ở Đà Lạt và Đơn Dương (Lâm Đồng).

Việc các nhà đầu tư ngoại biết tận dụng thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam và biết làm giàu trên chính mảnh đất chúng ta không chỉ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, tạo sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao xuất khẩu mà còn mở ra cho chúng ta những cách làm ăn khoa học hơn và phải biết tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong sản xuất kinh doanh. 

Tạo niềm tin từ chính sách và kỷ cương pháp luật

Thực tế, nhiều doanh nghiệp than phiền việc thiếu bình đẳng trong cạnh tranh sản phẩm, thị trường tiêu dùng. Mặt khác, có doanh nghiệp lại làm ăn thiếu sự liên kết, hợp tác, thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh. Nhận thức của một số doanh nghiệp mới thấy lợi trước mắt mà làm ăn bất chấp nên kết quả không bền vững, sẽ khó cạnh tranh được với doanh nghiệp ngoại và đến giai đoạn tất yếu sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài “nuốt” mất.

Ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi cho rằng, nạn cạnh tranh không lành mạnh, hàng nhái, hàng giả đang phá hoại nền kinh tế rất lớn. Với sản phẩm thương hiệu của Duy Lợi đã đăng ký nhưng đi tìm hiểu nhiều nơi vẫn thấy hàng giả, hàng nhái bày bán, gây nhiều bức xúc. Điều này nếu không xử lý triệt để thì những người làm ăn chân chính, sản phẩm uy tín không thể tồn tại và phát triển được.

“Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề thương hiệu sản phẩm, hàng hóa cần được bảo vệ và tôn trọng hơn bao giờ hết, đó cũng chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy KTTN phát triển”, ông Lâm Tấn Lợi chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề trên, vai trò các hiệp hội, ngành nghề cần phát huy cao độ, sớm phát hiện, đề xuất xử lý những doanh nghiệp, cá nhân làm ăn bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh. Phía nhà nước cần phát huy vai trò của các cơ quan quản lý dựa trên cơ sở pháp luật nghiêm minh, kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối, sai phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của những doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính.

Để thúc đẩy KTTN nói riêng, kinh tế đất nước nói chung phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế, nhà nước cần ổn định nền kinh tế vĩ mô, có chính sách kinh tế ổn định, thực hiện nghiêm minh các quy định pháp luật, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần trong nền kinh tế. Chính phủ thể hiện vai trò kiến tạo phát triển, có chính sách hỗ trợ, đầu tư phù hợp về dịch vụ, nguồn lực, hạ tầng, tăng cường cải cách hành chính… nhằm tạo môi trường lành mạnh, minh bạch cho nền kinh tế. Ở khía cạnh việc tháo gỡ các thủ tục hành chính, thuế, hải quan… đang được các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hiện còn tình trạng trên "nóng" dưới "lạnh". Hiện văn bản của Chính phủ chỉ đạo, định hướng đúng nhưng quan trọng là con người thực thi chính sách chưa được quyết liệt, hoặc còn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Chính sự “cởi trói” cho doanh nghiệp chưa thấu suốt ở mọi khâu, mọi nơi nên chưa tạo động lực cho KTTN phát triển tốt.

Đầu tháng 2-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Điểm mới của Nghị định này là cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, khi đưa Nghị định này vận hành bị “nghẽn” bởi cán bộ Hải quan chưa nắm chắc, gây kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng... Sau khi được cơ quan thẩm quyền kiểm tra, nhắc nhở thì vụ việc mới được tháo gỡ.

Mặt khác, để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, tạo sự liên kết bền vững phải đảm bảo các yếu tố trung thực, uy tín, cùng chia sẻ lợi ích với nhau của các doanh nghiệp. Điều này các doanh nghiệp trong nước cần tự đổi mới mình từ cách nghĩ, cách làm cho xu thế hợp tác, đổi mới, chủ động hội nhập.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, cần phải có niềm tin, tạo được niềm tin thì mới thúc đẩy KTTN phát triển. Niềm tin ở đây là chính sách, pháp luật của nhà nước tạo thuận lợi cho người kinh doanh mạnh dạn đầu tư lâu dài, có kế hoạch và chiến lược dài hơi cho phát triển trong tương lai.

Niềm tin ở đây được tạo ra chính là chính sách kinh tế hợp lý, bình đẳng trong đầu tư, cạnh tranh, không để một nền kinh tế lũng đoạn trong thị trường kinh doanh, không để sự bất công tồn tại trong từng doanh nghiệp, từng ngành, từng địa phương...

“Phải triệt cỏ dại để hoa màu, cây quả mới phát triển tốt được. Muốn cạnh tranh lành mạnh thì kỷ cương pháp luật phải nghiêm, nếu không xử lý nghiêm, không diệt tận gốc cái ác, đẩy lùi cái xấu, còn để đất sống cho những kẻ làm ăn bất chính, gian lận xả thải môi trường, hàng giả, hàng nhái lộng hành… thì sự bất công vẫn tồn tại.

Trong một môi trường kinh tế mà người làm ăn chân chính phải sống chung với người làm ăn gian dối thì lẽ tất nhiên là người làm ăn chân chính không thể phát triển được, cây lúa không thể phát triển tốt trong cỏ dại”- Tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Đặng Ngọc Như
.
.
.