Ấn tượng 6 tháng đầu năm

Thứ Tư, 21/06/2017, 08:52
Sáu tháng là thời gian quá ngắn để nhận diện xu thế chuyển biến của thế giới đầy biến động khôn lường như hiện nay.

Hằng ngày, xem truyền hình hay lướt mạng ta có cảm giác như đang được đọc những câu chuyện huyền thoại do những thành tựu thần kỳ của khoa học công nghệ tạo nên: Nào là trí tuệ nhân tạo, nào là người máy, nào là vạn vật kết nối, nào là những ứng dụng của công nghệ 3D… Những tưởng loài người từ nay có thể an lạc nhờ những phát kiến diệu kỳ như vậy nhưng trớ trêu thay lại đang phải chứng kiến quá nhiều điều tai ương, bất định.

Hiếm khi nào chính trường nhiều nước phải trải qua những xáo động đầy kịch tính như 6 tháng qua. Ông Donald Trump lên nhậm chức Tổng thống nước Mỹ gần tròn nửa năm nhưng chính trường nước này tiếp tục chứng kiến nhiều điều bất an. 

Bộ máy hành pháp chưa hoàn chỉnh, nhiều vị trí còn để trống, một số người mới lên đã phải thay thế, kể cả cái chức đầy quyền uy như Cố vấn an ninh quốc gia, Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang, quan hệ giữa Quốc hội với Nhà Trắng còn nhiều trục trặc, một số tòa án khu vực bác bỏ một số sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, vụ điều tra về mối quan hệ giữa bộ tham mưu cho ông Trump trong tranh cử với Liên bang Nga chưa thấy đâu là hồi kết.

Ở bên kia Đại Tây Dương, nước Anh đang trải qua cơn phong ba sau cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh châu Âu được gọi là Brexit. 

Bà Thủ tướng Teresa May đã đi một nước cờ táo bạo là quyết định bầu cử sớm với niềm tin đảng Bảo thủ của bà nắm chắc phần thắng trong tay để có thế mạnh đi vào đàm phán với EU về điều kiện chia tay nhưng bà đã không gặp may: Đảng Bảo thủ đã không hội đủ đa số tuyệt đối và buộc phải liên minh với Liên minh Dân chủ Iceland. Kèm theo đó, nước Anh phải hứng chịu mấy vụ khủng bố kinh hoàng và vụ hỏa hoạn lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ngay giữa thủ đô.

Ở phần châu Âu lục địa diễn ra các cuộc bầu cử ở Hà Lan, Áo và Pháp được cả thế giới “nín thở” dõi theo. Vừa qua thế giới chứng kiến nhiều biểu hiện của “chủ nghĩa dân túy” với hàm ý các chính trị gia lựa theo những ý nguyện rất đời thường của người dân để vận động tranh cử và tâm tư co cụm trước nỗi thất vọng về toàn cầu hóa và những hệ lụy chính trị – xã hội của dòng người nhập cư. 

Dư luận thế giới “thở phào” khi thấy, các thế lực dân tộc chủ nghĩa chưa giành được phần thắng; còn chủ nghĩa dân túy, nhất là ở Pháp được thể hiện ở góc độ khác. 

Một chính trị gia rất trẻ là ông Emmanuel Macron và Đảng của ông là Nền Cộng hòa tiến bước mới ra đời hơn một năm đã giành thắng lợi ròn rã cả trong cuộc bầu cử Tổng thống lẫn Quốc hội; trong Nội các và Quốc hội xuất hiện nhiều gương mặt mới thuộc các tổ chức xã hội dân sự và nữ giới; còn các đảng truyền thống cả tả lẫn hữu thay nhau cầm quyền suốt mấy chục năm qua đã đại bại! Hiện tượng bất thường này và việc tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu rất thấp chứng tỏ người dân đã không còn ủng hộ giới tinh hoa nói nhiều làm ít.

Ở châu Á có lẽ cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc là trầm trọng hơn cả, khi bà Tổng thống Park Geun Hye bị ra tòa và nước này phải tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống sớm.

Tình hình chính trị - an ninh toàn cầu tiếp tục bất an. Những vụ khủng bố liên tiếp nổ ra ở nhiều nơi, kể cả ở Tây âu lẫn Đông Nam Á. Cuộc xung đột kéo dài bảy thập niên qua ở Trung Cận Đông tiếp tục căng thẳng, nhất là Syria không những giữa các lực lượng trong nội bộ nước này mà cả giữa các nước liên quan như Mỹ - Nga, Iran. 

Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả rập, thêm vào đó mới đây lại nổ ra cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa một số nước Hồi giáo theo dòng Sunny với Qatar, mớ bòng bong giữa Israel và Palestine vẫn vô phương gỡ rối…

Ở vùng Viễn Đông cuộc khủng hoảng tên lửa – hạt nhân trên bán đảo Triều tiên “nóng” lên với hàng chục vụ thử tên lửa, các cuộc tập trận, diễn võ giương oai về quân sự. Liên quan tới sự căng thẳng trên biển Đông, dường như 6 tháng qua có những biểu hiện cho thấy trạng thái “trên bề mặt có vẻ yên hơn nhưng dưới nước sâu vẫn xáo động”.

Trong quan hệ quốc tế, nhất là giữa các nước lớn đã diễn ra quá trình “tái định vị” sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, trong đó nổi lên là quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga. 

Sau những ngày tháng tiếng bấc, tiếng chì, Mỹ tiếp tục khẳng định chính sách “một Trung Quốc”, hai bên thỏa thuận chương trình hoãn binh chi kế 100 ngày để dàn xếp các mâu thuẫn kinh tế - tài chính, trên biển Đông Hoa kỳ tiếp tục triển khai kế hoạch FONOP, cho tàu chiến và máy bay hoạt động nhằm bảo đảm “tự do hàng hải và hàng không”. 

Tuy không còn dùng từ “xoay trục sang châu Á” như thời chính quyền Barack Obama, chính quyền mới ở Mỹ tiếp tục thể hiện mối quan tâm sâu sắc tới khu vực Viễn Đông nói chung và Đông Nam Á nói riêng theo hướng củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống, coi trọng vai trò của ASEAN với việc Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tham dự cuộc gặp cấp cao với ASEAN ở Manila và Cấp cao APEC ở Đà Nẵng.

Trong bối cảnh mới Trung Quốc đẩy mạnh cuộc vận động cho sáng kiến mang ý nghĩa chiến lược “Vành đai, con đường” kết nối giữa châu Á với châu Âu cả trên bộ lẫn trên biển; giương cao ngọn cờ “toàn cầu hóa”, thúc đẩy cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN với 6 nước khác là Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand trong khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TPP); tiếp tục ủng hộ Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu cho dù Mỹ đã rút lui….

Quan hệ Mỹ  - Nga chưa có tiến triển gì mới, thậm chí còn xấu thêm với việc Quốc hội Mỹ gia tăng trừng phạt Nga và cuộc điều tra về mới quan hệ giữa những cận thần của ông Trump với Nga trong thời gian vận động bầu cử, sự hợp tác cho công cuộc chống khủng bố và tìm giải pháp cho cuộc xung đột Syria cũng chưa có bước đi cụ thể gì mới.

Điều đáng mừng là trong bối cảnh quốc tế rối rắm như vậy, nền ngoại giao Việt Nam có những nước đi đáng ghi nhận, trong đó nổi lên là quan hệ song phương với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật…có nhiều bước đột phá; quan hệ với bạn bè trong ASEAN tiếp tục được giữ vững cho dù không phải không có một số khúc mắc; vị trí quốc tế được nâng cao với vai trò nước chủ nhà của sự kiện lớn là Cấp cao APEC…

Thế mới biết, dù có sóng to gió lớn, kiên trì đường lối, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế vẫn là bảo bối bảo đảm cho lợi ích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
.
.
.