6 năm, Nhà nước bồi thường 111 tỷ đồng

Thứ Bảy, 09/01/2016, 09:31
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến hết ngày 31-12-2015, sau 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số này, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết (đạt 79%) với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng.

Sáng 7-1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã tới dự. 

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đến hết ngày 31-12-2015, sau 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số này, hơn 200 vụ việc đã được giải quyết (đạt 79%) với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, con số này cho thấy, số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước đã thụ lý, giải quyết không nhiều, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật. 

Sáu năm qua, có tới 20 bộ, ngành và gần 50 địa phương không phát sinh vụ việc nào yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính. Trong khi đó, các cơ quan quản lý hành chính, hằng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai. 

Cũng trong 6 năm qua, có 22 trong tổng số hơn 200 vụ việc đã giải quyết yêu cầu bồi thường với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng trên tổng số hơn 111 tỉ đồng Nhà nước phải bồi thường. 

Một trong những nguyên nhân khiến việc giải quyết bồi thường chậm trễ là bởi thủ tục giải quyết bồi thường còn quá rườm rà, chưa tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước cũng như người bị hại. Cùng với đó là rất nhiều bất cập trong quy định của Luật hiện hành. 

Theo đại diện Bộ Tư pháp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều cơ quan phải thẩm định, rồi cuối cùng mới đến Bộ Tài chính và Bộ Tài chính trước khi ban hành quyết định để chi trả số tiền ấy thì phải thẩm định một lần nữa khiến thời gian kéo dài. 

Để khắc phục tình trạng chậm trễ chi trả tiền bồi thường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội - bà Tống Thị Thanh Nam cho rằng, cùng với cải cách toàn diện thủ tục giải quyết bồi thường, hằng năm, Nhà nước cần dành kinh phí cho công tác bồi thường Nhà nước. Có như vậy, việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại mới nhanh chóng, kịp thời.

Nguyễn Hưng
.
.
.