Rường cột bỏ lơ: Loay hoay biết đến khi nào

Thứ Tư, 02/05/2018, 07:11
Có quá nhiều nỗi buồn trong lĩnh vực giáo dục xảy ra trong giai đoạn này, một cách dồn dập, một cách không ngờ, một cách không lường trước được.

Một quốc gia mà không giữ gìn được giáo dục thì rất khó có cơ hội cho những hy vọng, cho tương lai.

“Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” điều mà ai cũng hiểu cả, cũng biết và cũng đồng tình cả.


Rất nhiều năm rồi, trải qua mấy đời bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo rồi mà sự yên tâm của các bậc phụ huynh hay người quan tâm đến lĩnh vực này vẫn chưa thật sự vững bền.

Viết những điều này có thể khiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo không vui, tôi rất xin lỗi, nhưng biết làm sao được nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật thì bao giờ mới chịu chuyển mình theo hướng tích cực.

1. Người ta dễ dàng bức xúc khi một bác sĩ bị tấn công, người ta dễ dàng phẫn nộ khi chứng kiến một vụ ẩu đả, người ta dễ dàng cảm thấy khó hiểu khi một đối tượng trộm chó bị đánh chết, hay người ta sẽ hoang mang khi thấy những vụ hôi của trước tai nạn của người khác hoặc sự thờ ơ trong một vụ việc đau lòng nào đó… 

Thậm chí, sự tha hóa của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, sự tham nhũng hay thoái hóa biến chất… Tất tần tật những thứ liên quan đến cuộc sống này, liên quan đến những hành vi của cá nhân trong đời sống này, đều có cội nguồn từ giáo dục.

Minh họa: Lê Phương.

Sự minh bạch, sự bình đẳng, sự bác ái chỉ có thể xuất hiện tại một quốc gia khi mà nền giáo dục của quốc gia ấy đạt đến sự tối ưu trong đào tạo con người, truyền bá kiến thức.

Tôi nghĩ, đây là những điều tối thiểu mà bất cứ ai cũng đều có thể nhận thấy khi lạm bàn về giáo dục.

Nhưng rồi, ngày càng có nhiều bất cập xuất hiện liên tục trong lĩnh vực này, hệt như đã hết vận thì đi trên đất bằng cũng có thể ngã sấp mặt, hết khôn dồn dại.

Làm sao người ta có thể tin rằng những bậc giáo sư, phó giáo sư đáng kính lại đi đạo văn, lại đi đạo rất nhiều thứ từ bài báo nghiên cứu khoa học cho đến đủ chỉ tiêu linh tinh khác nhằm đủ chuẩn để được phong, rồi khi bị phát hiện thì bất thần xin rút hồ sơ hoặc chấp nhận im lặng cho đến khi bị loại bỏ.

Làm sao người ta có thể tin rằng một cô giáo khi lên lớp giảng bài lại chọn cách im lặng suốt ba tháng liền để “phục thù” những học sinh mà cô cho rằng không tôn trọng cô.

Làm sao người ta có thể tin rằng một cô giáo phạt học sinh bằng cách cho uống nước giặt giẻ lau bảng.

Làm sao người ta có thể tin rằng một cô hiệu trưởng nói dối đến trơ trẽn, nói dối đến tận cùng để che giấu sự thật về việc một học sinh tiểu học bị ôtô chạy vào sân trường gây tai nạn khiến cháu bé gãy chân.

Làm sao người ta có thể tin rằng một ông thầy giáo tiểu học lại dâm ô với hàng loạt cô bé là học trò của ông ấy.

Làm sao người ta có thể tin rằng những thầy giáo cô giáo phải bỏ mấy trăm triệu để chạy một suất vào biên chế giảng dạy.

Làm sao người ta có thể tin rằng một cậu thiếu niên bậc phổ thông trung học hay một cô sinh viên có thể tự tử vì không giải tỏa được những áp lực của cá nhân trong môi trường giáo dục.

Làm sao người ta có thể tin rằng một thầy giáo giải thích trót vô tình đến độ chảy máu mũi một học sinh tiểu học.

Có quá nhiều câu chuyện mà không ai có thể tin được, chí ít là may mắn suốt những năm tháng dài đi học của mình, tôi không được nghe thấy hay chứng kiến. Thật đáng lo lắng là những câu chuyện ấy không còn cá biệt hay đơn lẻ nữa, mà là rất phổ biến. Đáng ngại hơn, chuyện sau lại động trời hơn chuyện trước.

2. Trong bối cảnh có rất nhiều vụ việc tiêu cực đang diễn ra thì người đứng đầu ngành giáo dục lại chọn cách im lặng. Khoan bàn đến những đổi mới xoành xoạch trong chương trình, thi cử (mà theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng sự đổi mới đó có phần vội vàng và không khoa học – NNL) thì việc kiên quyết im lặng đến nhẫn nại của vị tư lệnh ngành khiến nhân dân không khỏi lo lắng, hoài nghi.

Thay vì giữa lúc sóng gió thế này, vị tư lệnh ngành ấy phải xuất hiện nhiều hơn với những giải pháp đúng đắn, hợp lý và đủ hiệu quả để trấn an dư luận. Thế nhưng, những điều đơn giản này đã không xuất hiện, dẫu chỉ là mảy may.

Tất nhiên là sẽ không công bằng với những người làm giáo dục khi nhìn thấy giáo dục chỉ toàn mặt tiêu cực, có những điều người làm quản lý đã đạt được thành tựu như cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên… Thế nhưng, những điểm sáng này không đủ sức phủ mờ những khoảng trống ngày càng mênh mông hơn.

3. Trong một chuyên đề trước đây, chúng tôi có lạm bàn về sự chân thành trong công tác của những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nghĩa là muốn thành công, muốn kiến tạo, muốn tạo dấu ấn từ thành quả thì người làm cán bộ lãnh đạo nhất định phải có sự chân thành.

Có sự chân thành trong công tác thì mới toàn tâm toàn ý cho công việc, mới vì cái chung mà gắng sức, mới vì cái đại cục mà phụng sự. Còn không có sự chân thành, thì đa phần chỉ vun vén cho cá nhân, đa phần chỉ nhắm đến quyền lợi của chính bản thân mình.

Thực tế thì giáo dục và cải cách giáo dục vẫn còn loay hoay như thế này.

Giáo dục càng loay hoay thì những câu chuyện buồn đến đau lòng sẽ thênh thang cơ hội để đột ngột đánh úp cảm xúc của nhân dân.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.
.