Người được cấp hộ chiếu ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Thứ Hai, 08/08/2005, 07:15

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhiệm vụ “Phải mở cho được một cửa ngõ ra thế giới” đã được đặt lên hàng đầu. Địa bàn mà Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm “cửa ngõ” là Thái Lan. Người được lựa chọn làm phái viên Chính phủ Việt Nam DCCH tại Thái Lan là đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, năm đó 32 tuổi - một cựu tù chính trị Sơn La, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đầu tiên.

Đầu xuân Ất Dậu (ngày 28/2/2005), Tỉnh ủy Hà Nam đón tiếp bà Nguyễn Thị Cúc, phu nhân của đồng chí Nguyễn Đức Quỳ (tức Đào Thành Kim, Đào Bình Luống) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hà Nam (năm 1938, khi mới 24 tuổi). Hôm đó, bà Nguyễn Thị Cúc đã trao tặng Tỉnh ủy Hà Nam bức chân dung của đồng chí Nguyễn Đức Quỳ khi còn trẻ. Tỉnh ủy Hà Nam đã trân trọng đưa bức ảnh vị Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên vào Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Thuộc lớp người đi làm cách mạng, cuộc đời và hoạt động của đồng chí Nguyễn Đức Quỳ vô cùng phong phú, thấm đẫm chất người Cộng sản chân chính.

Tấm hộ chiếu ngoại giao đầu tiên

60 năm trước, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời giữa vòng vây dày đặc của chủ nghĩa đế quốc. Trong muôn vàn bộn bề công việc của một nhà nước non trẻ, “Phải mở cho được một cửa ngõ ra thế giới” là nhiệm vụ được ưu tiên. Địa bàn mà Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm “cửa ngõ” là Thái Lan, vì những yếu tố địa lý, giao thông thuận tiện với các nước trong khu vực và từ khu vực ra thế giới. Một yếu tố quan trọng khác, cộng đồng kiều bào ta ở Thái Lan khá đông, có tinh thần yêu nước sâu sắc. Hơn nữa, sau chiến tranh thế giới, ý thức dân tộc độc lập dâng cao tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan; chính quyền Thái Lan có thiện cảm với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước láng giềng.

Giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Quỳ vào một ngày cuối tháng 6/1946, đồng chí Trường Chinh nêu một số nhiệm vụ cụ thể: Phải đoàn kết kiều bào ta ở Thái Lan và các nước khác hướng về Tổ quốc; làm cho thế giới hiểu về cuộc kháng chiến (tất yếu sắp xảy ra) của nhân dân ta; tìm cách tiếp tế cho kháng chiến Nam Bộ; vận động các chính phủ Đông Nam Á, trước hết là Chính phủ Thái Lan đồng tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống ngoại xâm...

Từ phải sang gồm các đồng chí: Nguyễn Đức Quỳ, Nguyễn Thanh Sơn, Cao Hồng Lãnh, Trần Mai, Song Tùng, tại Thái Lan năm 1948.

Trước nhiệm vụ quan trọng, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ không khỏi lo lắng. Đồng chí Trường Chinh đã động viên: “Gặp việc, chìa vai ra gánh, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Thấy đồng chí Nguyễn Đức Quỳ còn băn khoăn, đồng chí Trường Chinh mỉm cười, nói: “Tôi hiểu sự băn khoăn của đồng chí, công việc mới mẻ, khó khăn, lại xa Trung ương, xa đất nước. ở hoàn cảnh như thế, sự thận trọng và tỉnh táo sẽ giúp tránh được thiếu sót. Hãy cố gắng!”. Được sự tin tưởng và khích lệ của đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ đã vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Một ngày đầu tháng 7/1946 tại Phủ Chủ tịch, đích thân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trao “Thư ủy nhiệm” cho đồng chí Nguyễn Đức Quỳ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Cố gắng làm việc thận trọng, giấy giới thiệu là đại diện Chính phủ ta bên cạnh các nước bạn bè, quyền hạn rộng lắm đấy”. Rồi, như để định hướng thêm, vị Bộ trưởng nhắc: “Tình thế đẻ ra công việc, không người này thì người khác phải làm, dần dần sẽ có kinh nghiệm. Gặp việc thì suy nghĩ kỹ khía cạnh chính trị”.

“Thư ủy nhiệm” cũng chính là một tấm hộ chiếu ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam DCCH, được đánh máy trên giấy pơ-luya  khổ A4, bằng bốn thứ tiếng Việt – Pháp – Trung – Anh, do quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng ký ngày 7/7/1946. Phía bên trái dưới tiêu đề “Chủ tịch Chính phủ”, là ảnh chân dung đồng chí Nguyễn Đức Quỳ, có đóng dấu Chủ tịch phủ. Thư ủy nhiệm có đoạn: “Chúng tôi, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam DCCH, xin giới thiệu ông Nguyễn Đức Quỳ, phái viên của Chính phủ Việt Nam đi ra ngoại quốc để liên lạc với các nước hữu bang và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sự thân thiện giữa các nước hữu bang với Việt Nam”.

Phái viên Chính phủ Việt Nam DCCH tại Băng Cốc thời kỳ 1946-1951

Đoàn Phái viên Chính phủ Việt Nam lên đường. Do yêu cầu bí mật, Đoàn xuất phát từ Hải Phòng bằng tàu thủy qua Hồng Công, đến Băng Cốc vài hôm trước kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 19/8/1946, phái viên ra mắt kiều bào ta tại một ngôi chùa lớn do một sư cụ người Việt Nam trụ trì. Phái viên ta còn đi thăm kiều bào ở các địa phương, đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu. Kỷ niệm một năm ngày Quốc khánh được bà con Việt kiều đón mừng như một ngày hội lớn, có cả quan chức địa phương tham dự.

Từ khi phái viên Chính phủ Việt Nam DCCH có mặt ở Băng Cốc, Chính phủ Thái Lan tuy không chính thức công nhận nhưng vẫn tiếp xúc và một chừng mực nào đó trên thực tế, đã ngầm công nhận tư cách của phái viên ta. Nhân vật đầu tiên mà đồng chí Nguyễn Đức Quỳ tiếp xúc là ngài Thông In – Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và là Tổng thư ký phong trào “Thái tự do”. Sau khi nghe Phái viên trình bày một số nét tình hình Việt Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân ta, ông nói: Chính phủ và nhân dân Thái Lan có nhiều thiện cảm với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Trong năm 1947, các cuộc tiếp xúc được mở rộng dần. Đồng chí Nguyễn Đức Quỳ đã gặp Thủ tướng Thái Lan Tham Rong tại nhà riêng của ngài Thông In, đồng thời có các cuộc tiếp xúc  với nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền và quân đội Thái Lan. Kết quả của những cuộc tiếp xúc đầu tiên vượt quá sự mong đợi của ta. Chính phủ Thái Lan đồng ý cho ta mở trụ sở của Phái viên Việt Nam DCCH, được treo Quốc kỳ, thường gọi là “Phái viên quán”. Ban đầu, trụ sở phái viên đặt trên đường đi Pạc Nam, sau chuyển về Lảng Xuổi, rồi lại chuyển đến một khu khang trang trên đường Xã Thon, gần với Sứ quán các nước Miến Điện, Liên Xô, Mỹ, Anh.

Tranh thủ thời gian thuận lợi này, Phái viên quán đã đẩy mạnh công tác quyên góp tiếp tế về nước, đặc biệt là mua vũ khí. Chính quyền Thái Lan cũng đồng ý cho Việt Nam mở Phòng Thông tin Việt Nam, phát “Bản tin Việt Nam” bằng tiếng Anh và tiếng Thái tại Thái Lan và ra các nước khác trong khu vực.

Được sự giúp đỡ, ủng hộ của chính quyền Thái Lan thời kỳ này, thông qua việc tuyên truyền của Phái viên Việt Nam. Kiều bào ta ủng hộ kháng chiến, ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ bằng những việc làm thiết thực. Cùng với quyên góp tiền mua máy móc, thiết bị chuyên dụng..., kiều bào ta còn góp sức người, lập một số đội quân như đội Cửu Long I, Cửu Long II, Trần Phú... trang bị đầy đủ vũ khí, hành quân về nước tham gia kháng chiến.

Riêng Chi đội Trần Phú gồm 273 thanh niên ưu tú, được huấn luyện kỹ và tổ chức chặt chẽ đã hành quân về Nam Bộ. Chi đội Trần Phú nổi tiếng chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công tại Tây Ninh, Mộc Hóa. Về sau, nhiều cán bộ của chi đội này đã trở thành nòng cốt cho một số đơn vị, trong đó có “Tiểu đoàn 307” oai hùng.

Đầu tháng 11/1947, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ lại gặp Thủ tướng Tham Rong, ông cho biết sẽ vận động công nhận Chính phủ Việt Nam DCCH và ủng hộ phong trào giải phóng Đông Dương trong một hội nghị quốc tế gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Indonesia, Miến Điện và Ấn Độ.

Ngày 8/11/1947, Thủ tướng Tham Rong bị lật đổ bởi cuộc đảo chính do phái hữu tiến hành, nên tình hình có nhiều thay đổi đột biến, bất lợi cho ta. Sau sự kiện này, hoạt động của Phái viên quán ngày càng gặp nhiều khó khăn, song vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ vận động kiều bào ủng hộ kháng chiến, mua và vận chuyển vũ khí về nước.

Đến đầu năm 1950, Chính phủ Thái Lan công nhận chính quyền Bảo đại của Quốc gia Việt Nam và cho chính quyền này đặt Sứ quán tại Băng Cốc. Một số thế lực gợi ý phái viên ta nên tiếp xúc với Đại sứ của Bảo Đại là Nguyễn Khoa Toàn, nhưng đồng chí Nguyễn Đức Quỳ đã trả lời dứt khoát: “Cá nhân tôi không quen biết và cũng không thù hằn gì với Nguyễn Khoa Toàn. Nhưng ông ta đại diện cho một ông vua bù nhìn. Chính phủ kháng chiến và nhân dân chúng tôi coi ông ta là một người bán nước nên không có khả năng, dù là nhỏ nhất, hợp tác với ông ta”. Người đối thoại vừa cười, vừa hỏi vặn: “Như vậy có cứng nhắc quá không?”. Đồng chí Nguyễn Đức Quỳ khẳng định: “Người yêu nước và người bán nước nhìn nhau còn không được, huống chi là hợp tác”.

Đến giữa năm 1951, Trung ương Đảng và Bác Hồ chỉ đạo cho Đoàn Phái viên trở về Việt Bắc. Đoàn còn được giao một nhiệm vụ quan trọng là đưa gia quyến một số lãnh tụ Lào (tản cư sang Thái Lan) cùng trở về Việt Bắc, gồm hai bà Xuphanuvong, bà Phumivongvichít cùng các con của hai bà. Cuối tháng 8/1951, đoàn về đến Việt Bắc.

Qua 5 năm hoạt động tại Thái Lan, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ và các cán bộ của Phái viên quán đã góp phần xây dựng cây cầu nối Việt Nam ra thế giới. Một thời gian sau khi về nước, tháng 2/1952, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ được Trung ương giao nhiệm vụ Bí thư thứ nhất đầu tiên của Sứ quán ta tại Mátxcơva, Liên Xô

Trần Duy Hiển
.
.