Biệt đội thi hành án tử hình giữa sào huyệt Sài Gòn: Nhiệm vụ đặc biệt

Thứ Ba, 30/09/2014, 20:15

Xâm nhập vào Sài Gòn, Đặc công thành Lê Việt Bình được gửi tá túc tại một căn nhà lá nằm sâu trong con hẻm lầy lội ở khu Phú Lâm (bây giờ là quận 6, TP HCM). Các Đặc công thành khác lần lượt xâm nhập vào cư trú ở nhiều địa điểm khác nhau.

Đến cuối năm 1967, lực lượng tiềm phục có mật danh là B5 này hội tụ đủ mặt cư trú rải rác khắp nơi trong khu vực Phú Lâm. Suốt một năm ròng, họ được chỉ thị "án binh bất động". Nhiệm vụ duy nhất của họ lúc này là hòa lẫn vào đội ngũ thợ thuyền làm thuê, đạp xích lô, hớt tóc ở  Sài Gòn để trở thành "người Sài Gòn chính hiệu".

Biệt đội thi hành án tử…

Suốt năm đầu nhập thành, Lê Việt Bình dùng nghề hớt tóc dạo bằng xe đạp để khám phá đường ngang ngõ dọc Sài Gòn. Có lúc ông xin đi bốc vác ở các bến tàu để tạo nhân thân.

Đêm giao thừa năm Mậu Thân 1968, bất ngờ Lê Việt Bình nhận được tín hiệu họp khẩn trên một chiếc tàu đậu giữa lòng kênh Tàu Hủ. Chủ trì cuộc họp là Ba Hiệp (tức Lê Công Tâm). Các thành viên B5 có mặt đông đủ.

Thời kháng chiến chống Pháp, Ba Hiệp là một đại đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 307 ở miền Tây Nam Bộ. Năm 1954, Ba Hiệp tập kết ra Bắc và được sang Liên Xô tham dự khóa đào tạo sĩ quan đặc nhiệm. Năm 1965, Ba Hiệp mang quân hàm đại úy, trở vào Nam và được biên chế vào đội hình chiến đấu của An ninh T4. Ông được giao nhiệm vụ huấn luyện, chỉ huy đội B5.

Trong cuộc họp khẩn đêm giao thừa Tết Mậu Thân, các thành viên B5 mới được biết đã có lệnh Tổng tấn công toàn miền Nam. Họ được giao nhiệm vụ làm "thê đội 2", thời khắc giao thừa sẽ đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ. Có nghĩa là, một đơn vị khác nhận nhiệm vụ làm "thê đội 1" đánh chiếm Tòa Đại sứ Mỹ. Nếu vì lý do nào đó, "thê đội 1" không thực hiện được nhiệm vụ, "thê đội 2" sẽ lập tức thay thế.

Hình ảnh vụ nổ ám sát Nguyễn Văn Kiểm được lưu trong hồ sơ Cảnh sát VNCH.

Sau khi triển khai, phân nhiệm cụ thể từng vị trí chiến đấu, các thành viên đội B5 thay phiên nhau lặn xuống đáy kênh Tàu Hủ lôi lên từng bó vũ khí đã được cất giấu trước đó. Trang bị vũ khí vừa xong thì một giao liên thông báo cho biết, "thê đội 1" đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu đánh chiếm mục tiêu. Đồng thời, người giao liên trao cho B5 một danh sách "tội phạm nhận án tử hình".

Đến tờ mờ sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, trong khi các đơn vị vũ trang đánh chiếm các mục tiêu đầu não của địch, các thành viên B5 lặng lẽ thi hành án tử hình những kẻ mang nợ máu với nhân dân, cách mạng.

Hình phạt dành cho “phượng hoàng chúa”

Năm 1966, dưới sự cố vấn và tài trợ của Cơ quan tình báo CIA, Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thành lập một kế hoạch mang tên Phoenix Program tức chiến dịch Phượng Hoàng. Nhiệm vụ chính của chiến dịch này là theo dõi, bắt cóc, ám sát bí mật những nhân vật được cho là "có liên quan đến Cộng sản". Tiếp đó là  phát hiện, vô hiệu hóa, bắt giam, chiêu hàng hoặc tung tin phản bội tạo nghi ngờ trong nội bộ ta.

Về phía Mỹ, Evan J. Parker là chỉ huy (sau đó Ted Shackley kế nhiệm). Về phía VNCH, năm 1968, chỉ huy Chiến dịch Phượng Hoàng là trung tướng "nhiệm chức" Linh Quang Viên - Tổng Ủy viên An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đặc ủy trưởng Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH.

Linh Quang Viên quê Cao Bằng, tốt nghiệp Trường trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. Năm 1940, Viên là sĩ quan chỉ huy một trung đội thuộc Chiến đoàn 4 lưu động của quân đội Pháp. Năm 1950, Viên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Ngự lâm của Bảo Đại tại Đà Lạt. Năm 1956, là Tham mưu trưởng Biệt bộ Phủ Quốc trưởng. Sau đó được đào tạo chuyên ngành chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Fort Leavenworth, Mỹ. Từng kinh qua các chức vụ quan trọng của chính quyền VNCH như: Giám đốc Nha An ninh Quân đội, Tổng trưởng Thông tin Tâm lý chiến, Tổng Ủy viên An ninh Quốc gia. Viên được đánh giá là "trung thành với chế độ VNCH", thuộc hạ đắc lực của CIA.

Là kẻ chỉ huy chiến dịch Phượng Hoàng, Linh Quang Viên được các thuộc cấp xem là "Phượng hoàng chúa". Ông ta nắm giữ một danh sách tối mật do CIA cung cấp. Độ tối mật của danh sách này quan trọng đến mức Viên luôn để trong cặp táp ôm kè kè bên mình. Đó là danh sách liệt kê danh tính một số cán bộ cao cấp của ta bị lộ sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân.

Linh Quang Viên và Nguyễn Văn Kiểm.

Vì lẽ đó, tại căn cứ mật của ta, một phiên tòa được thiết lập. Phiên tòa này quyết định ra bản án tử hình dành cho Linh Quang Viên.

Nhiệm vụ thi hành án tử hình được ông Nguyễn Tài - Phó ban An ninh T4 - giao cho ông Ba Hiệp - Chỉ huy trưởng biệt đội B5. Thời điểm này, Lê Việt Bình đã được bộ phận làm giấy tờ giả của T4 cấp một chứng minh thư VNCH mang tên Trần Văn Cường, có thẻ miễn quân dịch (miễn đi lính), có địa chỉ cư trú tại Bình Thới, Chợ Lớn.

Đầu tháng 1/1969, các trinh sát B5 tập họp, triển khai kế hoạch và phân công đội hình ám sát Linh Quang Viên. Cuộc họp bí mật diễn ra tại ngôi miếu thờ giữa nghĩa địa "An Dưỡng địa" ở Bình Chánh. Nữ trinh sát Nguyễn Thị Ra và một nữ trinh sát tên Chín Tợn được giao nhiệm vụ đóng vai người bán tủ thuốc lá trên vỉa hè gần biệt thự số 152, đường Nguyễn Thông (nhà riêng của Linh Quang Viên) để ghi lại quy luật di biến động của mục tiêu.

Từ báo cáo trinh sát, Ba Hiệp nhận thấy Linh Quang Viên thường đi làm bằng chiếc Chevrolet màu đen mang biển số EA-5521. Trước khi Viên ra khỏi nhà hoặc trước khi vào nhà, tiểu đội cận vệ chia làm 2 tốp, bồng súng chặn hai đầu đường. Khi Viên vào nhà, cánh cổng khép chặt, lính cảnh vệ tiếp tục cảnh giác và xua đuổi bất kỳ ai lai vãng gần ngôi biệt thự.

Khi Viên vào xe, 2 tiểu đội chia nhau lên 2 chiếc xe Jeep, một chiếc chạy đầu mở đường, một chiếc chạy sau cảnh giới. Khi xe Viên đến ngã tư tín hiệu giao thông, các cảnh sát công lộ (tên gọi cảnh sát giao thông) đều phải bật đèn xanh để xe Viên đi qua. Vì lý do nào đó, cảnh sát công lộ vẫn để đèn đỏ, đoàn xe của Viên cũng dừng lại như xe thường dân.

Căn cứ vào kết quả trinh sát, Ba Hiệp nhận thấy  "Phượng hoàng chúa" chủ quan khi đi trên đường hơn là lúc ở nhà. Ba Hiệp quyết định thi hành án tử khi Viên đi từ nhà đến nơi làm việc. Ba Hiệp phác thảo kế hoạch rồi giao cho ông Tư Hổ, tức Nguyễn Văn Lệnh - Phó chỉ huy B5 - làm nhiệm vụ chỉ huy tổ thi hành án tử hình gồm 5 người: ông Nguyễn Văn Dũng, tức Út Cạn, đang tiềm phục trong hàng ngũ biệt động quân của địch; ông Võ Anh Đồng đang tiềm phục trong vai lính dù VNCH; ông Trần Hoàng Sinh (tức Sáu Sinh), Lê Việt Bình cùng Nguyễn Văn Thôn (tức Chín Bắc) tiềm phục trong đội ngũ thợ thuyền. Trong 5 người, ông Chín Bắc làm nhiệm vụ hỗ trợ cho 4 đồng đội trực tiếp đánh.

Ông Tư Hổ - Nguyễn Văn Lệnh, sinh năm 1930 tại xã Minh Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cũng là lính chi viện miền Nam. Khi tiềm phục tại Sài Gòn, ông Lệnh sử dụng căn cước giả lấy tên là Nguyễn Văn Thanh rồi mua căn nhà số 116/2 ấp Phú Trung 3, xã Phú Thọ Hòa (quận Tân Bình) làm "xưởng" chế tạo và "kho" chứa vũ khí của biệt đội B5.

Sau khi phân nhiệm xong, hằng ngày 5 thành viên biệt đội dùng xe Honda 67 bám theo đoàn xe của Linh Quang Viên để giả định tình huống suốt một tuần lễ. Sau nhiều buổi họp bàn, cả nhóm quyết định chọn phương án "xuất chiêu" lúc đoàn xe của Viên dừng đèn đỏ.

Trước khi xuất quân, Lê Việt Bình nhận từ tay của Sáu Sinh một quyển tự điển Anh - Việt của tác giả Lê Bá Kông. Quyển từ điển dày gần một gang tay được khoét ruột để chứa 1 kg thuốc nổ C4 - chính hiệu sản xuất từ Mỹ.

Lúc 8 giờ, ngày 1/2/1969, cả nhóm đi 2 xe máy đến một quán phở đối diện trụ sở cơ quan Cựu Chiến binh VNCH trên đường Nguyễn Thông. Mỗi nhóm 2 người ngồi riêng, không nhận mặt nhau. Út Cạn và Anh Đồng mặc sắc phục lính chiến VNCH. 3 người còn lại trang phục như sinh viên. "Sinh viên" Lê Việt Bình cầm quyển từ điển nặng hơn 1 kg. Riêng Chín Bắc chạy xe gắn máy bám sát di biến động của Linh Quang Viên.

Lúc 8 giờ 30 phút, nhóm ngồi trong quán phở nhận tín hiệu xe Viên đang đến.

"Biệt động quân" Anh Đồng cầm lái chở "lính dù" Út Cạn lao ra giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu). Xe Sáu Sinh và Lê Việt Bình bám theo. Út Cạn toan đánh chặn tại giao lộ này nhưng viên cảnh sát công lộ trực tại đây đã quá cần mẫn nhiệm vụ, hắn bật đèn xanh ưu tiên cho đoàn xe của Viên đi qua. Ngay lập tức cả nhóm chuyển sang phương án 2.

Anh Đồng tăng tốc chiếc Honda 67 phóng đến giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) áp sát viên cảnh sát công lộ trực tín hiệu đèn giao thông. "Biệt động quân" Anh Đồng rút súng ngắn gí vào đầu viên cảnh sát công lộ ra lệnh giữ đèn đỏ. Viên cảnh sát công lộ hoảng vía bỏ chạy.

Đúng như dự đoán, đoàn xe của Viên trờ tới dừng trước đèn đỏ. "Lính dù" Út Cạn rút nụ xòe dây cháy chậm tung quả mìn vào xe Viên rồi rú ga chạy biến. Mìn chưa nổ, một viên sĩ quan cấp tướng tung cửa xe nằm sấp xuống đất. Bọn lính cận vệ từ 2 chiếc xe Jeep cũng bay khỏi xe nằm chết gí. Lê Việt Bình rời xe tiến đến gần, rút nụ xòe ném bồi "quả từ điển" vào lưng viên tướng rồi phóng lên xe Honda của Sáu Sinh đã trở đầu sẵn. Trước khi tẩu thoát, Lê Việt Bình còn ném thêm 1 quả lựu đạn da láng để viên tướng và lính cận vệ không dám ngóc đầu lên.

Tiếng nổ rung chuyển một góc trời Sài Gòn

Ngày hôm sau, các tờ báo Sài Gòn đều giật tít mô tả vụ nổ kinh hoàng. Tờ Đuốc Nhà Nam (số ra ngày 2/2/1969) đã tường thuật rằng, Nguyễn Văn Kiểm bị dập nát chân trái được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện Đồn Đất. Hầu hết lực lượng cận vệ đều bị thương.

Đến lúc đó mọi người mới biết viên tướng trong xe không phải "Phượng hoàng chúa" Linh Quang Viên mà là Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm - Trưởng Phòng Tổng quản Bộ Tổng Tham mưu VNCH, kiêm Chánh Võ phòng Tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu. Hôm đó, Kiểm mượn đoàn xe của Viên để trở về nhà cùng dãy với nhà Viên trên đường Nguyễn Thông. Cả nhóm B5 đều lo lắng vì vụ tử hình hụt đối tượng.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, An ninh T4 đánh giá vụ tử hình vẫn không nhầm. Bởi, ngay thời điểm đó, Linh Quang Viên đã không còn được Nguyễn Văn Thiệu tin dùng. Nguyễn Văn Kiểm - vốn là đệ tử ruột của Thiệu - đang được cất nhắc, chuẩn bị thay thế Linh Quang Viên, chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều đó có nghĩa là Kiểm sẽ chỉ huy lực lượng Phượng Hoàng.

Lúc này, nghi ngại Linh Quang Viên nghe lời xúi của CIA đảo chính mình nên Nguyễn Văn Thiệu tìm cách tước đoạt quyền lực. Thiệu điều chuyển Viên về làm chỉ huy trưởng Trường huấn luyện Hạ sĩ quan Đồng Đế ở tận Nha Trang - cách xa Thiệu hàng trăm cây số. Viên may mắn thoát án tử hình nhưng không thoát "sao quả tạ" từ phía Thiệu. Sau vài năm bị Thiệu "đì" làm tướng lĩnh không quyền lực, tháng 3/1973, Viên xin ra khỏi quân đội.

Vẫn chưa yên tâm, Thiệu đẩy Viên đi làm đại sứ ở Trung Phi. Năm 1975, Viên lưu vong tại Pháp rồi xin định cư tại Arlington, Virginia, Mỹ cho đến ngày qua đời 16/1/2013.

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn
.
.