Vụ án Ôn Như Hầu qua lời kể của Đại tá Trần Tấn Nghĩa

Chủ Nhật, 28/08/2005, 08:40

Phải 3 lần tay không vào trụ sở Quốc dân Đảng tại số 7 phố Ôn Như Hầu Đội trưởng Đội trinh sát đặc biệt của Sở Công an Bắc Bộ (Đại tá Trần Tấn Nghĩa) đã bắt sống được Phan Kích Nam.

Theo ông kể, cuối tháng 6/1946, Nha Công an Trung ương nhận được nguồn tin của cơ sở phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp câu kết với bọn phản động Quốc dân Đảng đang chuẩn bị thực hiện âm mưu đảo chính chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi xin ý kiến trung ương về âm mưu thâm độc này, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí Thư đảng ta lúc bấy giờ đã cho ý kiến chỉ đạo phải tập trung trấn áp bọn phản cách mạng, nhưng phải có đủ chứng cứ.

Nha Công an Trung ương cử trinh sát điều tra và thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh các hành vi tội ác của bọn phản động quốc dân Đảng. Cụ thể là chúng đang ráo riết in tài liệu, truyền đơn phản động, bắt giết cán bộ... để thực hiện âm mưu đảo chính. Một cuộc họp của Nha Công an kéo dài đến 12h đêm ngày 11/7/1947 đã đi đến quyết định phải bí mật, bất ngờ tập kích trụ sở của chúng ở 132 Đuy-vi-nhô (phố Nguyễn Gia Thiều ngày nay).

Báo Công an mới, phát hành tháng 11/1946 đăng về vụ án Ôn Như Hầu.

“Hôm đó là ngày 12/7/1946, vào khoảng bảy giờ sáng, Đội trinh sát đặc biệt chúng tôi ngồi trên chiếc ôtô hòm từ Sở Công an Bắc Bộ (Công an Hà Nội bây giờ) theo đường Trần Bình Trọng đến Ôn Như Hầu. Theo kế hoạch, tôi mang theo mệnh lệnh sự vụ để thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét những người có mặt tại trụ sở số 7 phố Ôn Như Hầu can tội tống tiền, bắt cóc người đưa về Sở Công an Bắc Bộ. Khi chúng tôi đến thì lực lượng Công an xung phong và tự vệ chiến đấu của ta đã bao vây trụ sở.

Tôi xuống xe và ra hiệu cho toàn đội trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Việc đầu tiên là cắt dây điện thoại để không cho chúng liên lạc với nhau. Với thái độ đĩnh đạc, tôi tiến sát đến cổng, nói với tên lính gác (lúc đó có khoảng một tiểu đội lính gác vũ khí đầy đủ và trên hành lang cũng có nhiều lính có vũ khí, sát khí đằng đằng, sẵn sàng bấm cò nhả đạn...) Tôi lớn tiếng gọi chúng mở cổng, đón tiếp người của Sở Công an Bắc Bộ đến nói chuyện với chỉ huy của chúng.

Lời qua tiếng lại, rồi sau khoảng năm phút chúng buộc phải mở cổng và chỉ cho một mình tôi vào trụ sở. Chúng đưa tôi đến sảnh đường và Phan Kích Nam đón tôi ở đây. Sảnh đường trang hoàng sang trọng, có ý khoe khoang các loại vũ khí và bọn vệ sĩ.

Tên Phan Kích Nam to cao, vừa đeo súng, vừa mang kiếm lê thê ăn mặc theo kiểu nhà binh Nhật, mắt đeo kính. Trước khi vào gặp Phan Kích Nam, chúng yêu cầu tôi giao súng ngắn cho chúng giữ, chỉ được đi người không. Tôi làm theo yêu cầu của chúng và thái độ ngoan ngoãn. Nhưng trong đầu đang nghĩ cách tấn công bất ngờ nếu có thời cơ.

Phan Kích Nam đón tôi và tự giới thiệu “Tôi Phan Kích Nam, Đại biểu Quốc hội, Trung ương uỷ viên Quốc dân Đảng, Tư lệnh đệ nhất chiến khu...” Sau ít phút, hắn ngạo mạn hỏi tôi: “Vậy tôi được vinh dự đang nói chuyện với ai đây?”. Tôi ôn tồn xưng tên, chức vụ, nói rõ đến bắt, khám xét đưa những người có mặt ở số 7 Ôn Như Hầu về Sở Công an Bắc bộ để xét hỏi, vì có nhiều đơn tố cáo hành động bắt cóc, tống tiền.

Nghe vậy, Phan Kích Nam cười ngạo nghễ, cầm tờ mệnh lệnh đọc qua và nói rành rọt: “Chú em ngây thơ ơi. Tại sao các người ký lệnh bắt, khám trụ sở của một đảng. Ta là Đại biểu Quốc hội, là bất khả xâm phạm mà người ký lệnh bắt ta lại là Phó chủ sự của Việt Minh, là cái thá gì mà có sự lạ đời như vậy. Phải có ý kiến Chính phủ của ông Hồ Chí Minh thì mới nói chuyện với Phan Kích Nam này được”.

Bực lắm nhưng tôi cũng tỏ ra nghe lời và hứa với nó sẽ về báo cáo, có gì sẽ quay lại. Nó cười thú vị, đắc chí và nói: “Có thế chứ, có thế mới đúng cách xử sự của người Nhà nước chứ”. Nó gọi vệ sĩ đưa súng trả lại cho tôi và tiễn tôi ra về.

Tôi ra đến  ngoài trụ sở thì anh em xúm lại hỏi tình hình. Tôi chỉ trả lời: “Tất cả cứ sẵn sàng và chờ lệnh trên. Sau đó tôi lên ôtô về trụ sở Công an Bắc Bộ có lối đi sang Nha Công an trung ương. Tôi được mời sang gặp các đồng chí: Lê Giản, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Đức Minh, Lê Hữu Qua. Tôi báo cáo lại sự việc gặp Phan Kích Nam và nói thêm: “Nếu có lệnh nổ súng tấn công, e sẽ bị thương vong nhiều, bọn chúng phòng bị rất chu đáo”.--PageBreak--

Tôi đề nghị mời tên Phan Kích Nam về gặp các chỉ huy của ta lúc này, rồi sau đó sẽ thuyết phục chúng cho ta khám xét. Ý kiến của trên đồng ý và bảo tôi là phải tiến hành buộc Phan Kích Nam phải cho ta khám xét và đưa tất cả những người ở đó về để xét hỏi. Sau khoảng mười lăm phút, tôi lại lên xe đến số 7 phố Ôn Như Hầu.

Lần thứ hai, lại vẫn như lần trước, tôi vào một mình, trao súng lại cho chúng và Phan Kích Nam vỗ về an ủi và khen tôi trẻ, khoẻ và nói giọng như là khuyên tôi về với chúng sẽ được trọng dụng. Tôi ầm ừ và trong đầu cố nghĩ kế hoạch bắt hắn mà không gây ồn ào, tránh thương vong cho anh em.

Hắn thấy tôi dễ bảo, tỏ vẻ ngoan ngoãn nên mang nước giải khát mời tôi uống và uống cùng. Khuyên tôi quay về báo cáo, hắn nói: “Không ổn đâu. Chú mày cứ nói lại với mấy ông như vậy. Rút lui thôi. Nếu manh động sẽ ăn đạn và sẽ lĩnh trách nhiệm với Quốc hội. Đừng có đến đây nữa”. Hắn nói giọng khu 5 nghe oang oang, the thé.

Một lần nữa, tôi suy nghĩ là phải quay lại báo cáo sự việc và xin trình bày kế hoạch bắt Phan Kích Nam. Khoảng 10h tôi gặp cấp trên báo cáo. Trên cho ý kiến là dùng mọi cách bắt cho được Phan Kích Nam đưa về là xong.

Lần thứ 3 tôi quay lại số 7 Ôn Như Hầu khoảng 10h30, tên vệ sĩ chờ sẵn để đưa tôi vào gặp Phan Kích Nam. Khi vào tôi chủ động tháo thắt lưng đeo súng đặt trên bàn. Phan Kích Nam rót nước mời tôi. Một lát, tôi tỏ ra buồn bực và đứng dậy cáo biệt, rút lui, vờ quên súng ở bàn. Phan Kích Nam vội vàng cầm súng của tôi đi theo và bảo: “Này chú em, chú quên súng này”.

Nhanh như cắt, tôi rút khẩu colt từ trong bụng (bên ngoài tôi mặc blouson), chĩa thẳng nòng súng vào đầu nó và dõng dạc quát: “Đứng im, động đậy tao bắn vỡ sọ”. Và bằng động tác nhanh gọn, lấy mu bàn tay trái chặt vào gáy hắn. Hắn lảo đảo rồi khuỵ xuống. Tôi bẻ quặt tay hắn ra đằng sau và ra lệnh tất cả phải bỏ súng, không được chống cự. Hắn ngoan ngoãn làm theo lệnh của tôi. Sau đó tôi lệnh cho anh em trinh sát và các lực lượng theo đúng kế hoạch xông vào bắt xích tay tất cả đưa chúng về Sở Công an Bắc Bộ”.

Khám phá vụ án này, ta đã thu được toàn bộ tài liệu phản động như truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, thông cáo của chúng, có loại đã buộc thành bó, có loại đang in dở. Đặc biệt là ta đã thu được một bản “Kế hoạch đảo chính chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Theo kế hoạch này thì khi quân Pháp diễu binh qua Bắc Bộ Phủ, bọn quốc dân Đảng sẽ cho ném lựu đạn vào lính da đen để chúng mượn cớ đánh chiếm các cơ quan đầu nào của ta rồi lập Chính phủ bù nhìn thân Pháp ở Việt Nam

Trần Quang ghi
.
.