Thiếu tướng Lê Hữu Qua và những chiến công trên trận tuyến an ninh

Thứ Ba, 27/02/2007, 10:30

Trong lực lượng Công an nhân dân có một vị tướng và để được phong quân hàm cấp tướng, cuộc đời ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đối đầu với bao cam go và thử thách. Đó là Thiếu tướng Lê Hữu Qua, nguyên Trưởng ban Trinh sát Sở Công an Bắc Bộ năm 1945, Cục trưởng Cục Cảnh sát Nhân dân từ năm 1962 đến 1967.

Từ một thanh niên tham gia phong trào Việt Minh năm 1942, sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đã được đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cử vào Ban lãnh đạo Ty Liêm phóng Bắc Bộ. Từ thời điểm ấy, cuộc đời ông gắn liền với những hoạt động đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Theo lời ông thì Cách mạng Tháng Tám thành công được ít ngày, chính quyền cách mạng lại đứng trước một tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc bởi dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc bên ngoài, sự chống đối quyết liệt từ các tổ chức phản động ở trong nước mà điển hình là các tên Việt gian Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trương Tử Anh v.v...

Ngày ấy, ngoài việc công khai chống phá ta qua nhiều hình thức, bọn chúng còn tổ chức hoặc bật đèn xanh để hình thành nhiều băng nhóm giữa các tên ma cô, lưu manh côn đồ hoặc những tên gián điệp, mật thám làm việc cho các thế lực phản động ngoài nước.

Trên thực tế, bọn này đã gây ra hàng loạt vụ bắt cóc, tống tiền, ám sát và giết người cướp của tại nhiều đô thị lớn ở nước ta. Trong số các vụ án ấy phải kể đến vụ ám sát các ông: Ba Viên, Trần Đình Long; vụ ám sát hụt các đồng chí Trần Duy Hưng, Bồ Xuân Luật, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp...

Bọn phản động còn ngang nhiên tổ chức in bạc giả, làm giấy tờ giả, xuất bản các ấn phẩm báo chí phản động. Chưa hết, chúng còn bắt ép nhân dân đi biểu tình để phản đối Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa ra đời.

Những ngày cuối tháng 10 năm ấy, các đảng Việt cách, Việt quốc được quan thầy giúp đỡ, công khai đòi Chính phủ ta phải nhượng bộ cho chúng nắm giữ bảy Bộ quan trọng trong Chính phủ. Sau đó, cũng chính bọn chúng dùng nhiều phương thức để phá hoại cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nhân dân ta, ép các lực lượng tự vệ, lực lượng trinh sát của Ty Liêm phóng phải giải giáp vũ khí khiến thời tiết chính trị ở Hà Nội và một số địa phương khác trở nên ngột ngạt.

Trong bối cảnh ấy, lực lượng Công an từ Trung ương đến các địa phương vừa mới ra đời đã phải gánh vác những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Một trong những nhiệm vụ bức xúc đặt lên hàng đầu là phải bằng mọi cách để đập tan âm mưu đen tối của thế lực đế quốc câu kết với bọn phản động trong nước thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Nhưng để nắm được các thông tin từ trong các tổ chức phản động ấy, quả là điều không phải dễ.

Hồi đó để tiếp cận được các tin tức tình báo về tình hình và âm mưu của địch, một tổ trinh sát của Công an Bắc Bộ đã phải cải trang mai phục tại một hiệu cắt tóc ở góc phố Cửa Đông (Hà Nội), nơi mà sĩ quan Pháp thường hay đến cắt tóc để thu thập tin tức. Một số trinh sát khác cài cắm trên các chuyến xe lửa từ Huế ra Hà Nội cũng lượm lặt được các thông tin mà bọn phản động trao đổi với nhau về một âm mưu đảo chính.

Chưa hết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Ty Liêm phóng, một số trinh sát còn đóng giả là người ăn mày, kéo xe, đánh giày hoặc làm con sen người ở cho các gia đình sĩ quan Pháp ở Hà Nội cũng đã thu được những tin tức liên quan đến âm mưu thâm độc của kẻ địch nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Qua các nguồn tin này, ta biết được quân đội viễn chinh Pháp đang ráo riết chỉ đạo các đảng phái phản động trong nước làm cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ ta vào ngày 14 tháng 7 năm 1946.

Thời gian này, Bác Hồ đang ở Pháp. Âm mưu của thực dân Pháp lúc bấy giờ là tìm cách giữ Bác Hồ lại. Mặt khác ở trong nước làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu cuộc đảo chính thành công, chúng sẽ ép Bác Hồ, đồng chí Phạm Văn Đồng và các thành viên trong Đoàn đại biểu Chính phủ ta sang cư trú tại một nước châu Phi.

Thiếu tướng Lê Hữu Qua và các cựu binh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Nhưng dã tâm của chúng đã bị phát hiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng Công an ta đã khám phá vụ án Ôn Như Hầu, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng. Trong vụ án này, ông vừa là người tham gia chỉ đạo, vừa là người ký lệnh khám xét trụ sở, thu hồi tang chứng về hành vi tội ác của bọn chúng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947, ông được cử làm Giám đốc Công an Khu 11 (tức Công an Hà Nội ngày nay).

Sau khi Nha Công an Trung ương chuyển lên Việt Bắc, ông được giao làm Phó ty Trật tự tư pháp. Còn nhớ, thời kỳ này yêu cầu của công tác đảm bảo an ninh phục vụ cuộc kháng chiến, dưới sự chỉ đạo của ông, Ty Trật tự tư pháp đã mở lớp huấn luyện đầu tiên vào năm 1951 ở đồn điền canh nông thị xã Tuyên Quang. Học viên là cán bộ từ Khu V trở ra. Đến tháng 3 năm 1954, ông lại tổ chức tiếp lớp thứ hai ở ngay “An toàn khu”.

Cuối tháng 3 năm 1954, cấp trên quyết định cử ông tháp tùng và làm công tác bảo vệ Đoàn đại biểu do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự Hội nghị Genève. Chuyến đi bảo vệ Hội nghị Genève đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm khó quên.

Khi còn đương nhiệm, trong lần làm việc với chúng tôi, ông kể: “Đoàn cán bộ chúng tôi đi tiền trạm tới Bắc Kinh, Trung Quốc bằng tàu hoả. Lúc mới đến, có một bà bác sĩ bảo chúng tôi cân để kiểm tra sức khoẻ. Bà tròn mắt ngạc nhiên khi thấy tôi cao ráo, to con mà chỉ nặng có hơn 40 kilôgam. Do tôi mặc áo bông dày quá, trông to thế chứ thực ra người gầy như que củi vì mới ở chiến khu ra. Sau một tháng, tôi tăng hơn chục kilôgam.

Cuối tháng 4, chúng tôi sang Moskva (Liên Xô). Đến ngày 5 tháng 5 thì lên đường đi Genève. Hồi đó, theo sự phân công, tôi có nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Phạm Văn Đồng, vừa kiêm là người giao dịch với lực lượng cảnh vệ của Thụy Sĩ. Đoàn đi tới đâu cũng có 4 cảnh vệ của họ cử đi dẫn đường, hộ tống.

Tôi được biết, trong khi diễn ra Hội nghị Genève thì ở trong nước, Bác Hồ rất quan tâm theo dõi diễn biến và chỉ đạo thường xuyên. Hội nghị Genève đã kết thúc tốt đẹp. Sau lần ấy, tôi lại được cử tham gia đoàn của Chính phủ để tuyên truyền về thắng lợi của Hội nghị Genève. Tại Rome (Italia), Ai Cập, Ấn Độ, Miến Điện, rồi về Hồng Kông”.

Cũng theo Thiếu tướng Lê Hữu Qua thì khi vừa về tới Bờ Đậu, Thái Nguyên, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn điện lên gọi ông về Hà Nội nhận giấy đặc biệt để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng trong cuộc gặp viên Toàn quyền Xanh-tơ-ni tại Phủ Chủ tịch ngay sau ngày giải phóng Thủ đô. Sau đó, ông lại phối hợp với ông Hoàng Hữu Kháng để bảo vệ cuộc hội đàm giữa Chính phủ ta với Thủ tướng Ấn Độ J.Nê-ru.

Năm 1956, ông làm Phó Giám đốc Vụ Trị an dân cảnh. Đến tháng 5 năm 1962, ông được Chính phủ cử làm Cục trưởng Cục Cảnh sát Nhân dân và đảm nhận cương vị này đến năm 1967. Ông là người có công xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân từ những ngày đầu ấy, đã chỉ đạo khám phá một số vụ án lớn nổi tiếng, trong đó có vụ trộm ấn vàng Bảo Đại tại Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Thiếu tướng Lê Hữu Qua còn có một thời gian dài gắn bó với Cục Cảnh sát Quản lý trại giam cho tới khi nghỉ hưu. Thời kỳ đầu nhậm chức, ông không khỏi băn khoăn vì cơ sở vật chất của các trại còn nghèo nàn quá, đời sống rất khó khăn. Trong công việc thầm lặng và đầy gian khổ ấy, ông và đồng nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ.

Do vậy, ngày 18 tháng 4 năm 1977, do những công lao đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong quân hàm Thiếu tướng cho ông. Cho đến bây giờ nhiều cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát Nhân dân vẫn còn nhớ và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về ông, một vị tướng gắn bó với nghề, sống thẳng thắn và chan chứa tình người

Xuân Nguyễn
.
.