Ông Minh “cô đơn”: “Bắt cướp xuất phát từ cái tâm”

Thứ Năm, 23/06/2016, 09:08
Người dân gọi ông là ông Minh “cô đơn” bởi ông không nhà cửa, không vợ con, mất quê quán từ nhỏ, sống nay đây mai đó làm nghề xe ôm và nhiều lần ra tay bắt cướp.


Suốt nhiều năm qua, có một người đàn ông trung niên hằng ngày chạy xe ôm quanh làng Đại học (khu vực giáp ranh giữa quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh với TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương). 

Người ta biết đến ông nhiều hơn bởi những lần tay không bắt cướp, bởi tính nghĩa hiệp thấy cướp giật quyết không tha. Người dân gọi ông là ông Minh “cô đơn” bởi ông không nhà cửa, không vợ con, mất quê quán từ nhỏ, sống nay đây mai đó và rồi hơn chục năm qua, ông ở lại làng Đại học, nhiều lần ra tay bắt cướp.

Ông tên là Nguyễn Văn Minh, hằng ngày chạy xe ôm kiêm luôn nghề bơm vá xe. Khách hàng thường xuyên của ông là sinh viên quanh làng Đại học, thế nhưng nhiều lúc ông miễn phí bơm vá cho sinh viên. Gia tài lớn nhất của ông là chiếc xe máy cà tàng, bộ đồ nghề sửa xe và có lẽ hơn thế là một tấm lòng nghĩa hiệp. Rất nhiều lần ông bắt được cướp, trao trả lại tài sản, sự an toàn cho những sinh viên nơi đây.

Ông kể lại lần ông ra tay với một đối tượng cướp xe máy gần khu vực trường Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh: “Tối mùng 5 Tết, một cặp tình nhân là sinh viên đang ngồi tâm sự thì có hai thanh niên lao đến, khống chế cướp xe tay ga. Nghe tiếng kêu “Cướp! Ăn cướp!” của bị hại, tôi xông ra ngay, khống chế được một đối tượng; tên còn lại nhanh chân bỏ trốn nhưng sáng hôm sau thì bị Công an TX. Dĩ An bắt giữ.”

Trò chuyện với chúng tôi, ông Minh “cô đơn” chỉ cho xem những vết sẹo sau những lần ông xông vào đánh nhau với bọn cướp. Chỉ vào vết sẹo nơi bàn chân, ông Minh “cô đơn” nhớ lại lần ông bị nhóm cướp giật chống trả: “Tôi cùng một đội trưởng đội bảo vệ và hai dân phòng bám theo 6 tên cướp đang đi trên xe máy thì bị tụi nó đạp đến 2, 3 lần”. Việc bắt cướp là rất nguy hiểm, do vậy, để làm được việc này, phải có “cái tâm tự nguyện của mình”.

Ông Minh "cô đơn" bên cạnh chiếc xe máy - phương tiện mưu sinh hằng ngày.

“Tôi thấy bất bình nên ra tay giúp đỡ sinh viên. Cướp giật, xin đểu hay biến thái tôi đều ngăn chặn, tôi thường tìm chỗ núp, canh chừng, tới khi thấy chúng ra tay cướp tài sản tôi mới xông đến bắt quả tang. Có nhiều khi tôi phải canh ngày, canh đêm mới bắt đúng đối tượng”, ông cho biết.

Được hỏi thêm về bản thân, ông bộc bạch rằng ông bị lạc cha mẹ, anh em lúc chiến tranh. Không vợ con, chữ nghĩa, ông cũng không còn nhớ chính xác quê mình ở đâu. Hơn nửa cuộc đời, ông sống cảnh màn trời chiếu đất, nhưng tấm lòng vì mọi người, tính hào hiệp trượng nghĩa thì lúc nào cũng sẵn có. Hỏi ông có thử đi tìm người thân hay gốc gác của mình ở đâu, lần nào chưa, ông chỉ cười, thở dài: “Đã có hai lần tôi đến Công an tỉnh nhờ tìm rồi nhưng không được. Lúc đi lạc còn nhỏ quá, với không nhớ rõ quê gốc ở đâu, nên cũng khó mà lần ra được”.

Người dân và sinh viên làng Đại học cho biết, bao năm rồi ông vẫn cứ thế. Cuộc sống tuy khó khăn, thiếu hụt nhưng ông không bao giờ mở miệng than vãn, nụ cười lạc quan vẫn cứ hiện trên môi, trên gương mặt đã chai sạm đi cùng nắng, gió.

Hằng ngày quanh quẩn chạy xe ôm quanh làng Đại học kiếm được ba bốn chục ngàn, ai thuê gì làm nấy, rồi sửa xe, vá xe từ thiện cho sinh viên. Lúc ngồi chờ khách đi xe ôm ở góc trường, cũng là lúc ông canh chừng, xem mặt những đối tượng khả nghi là cướp giật trà trộn, lảng vảng gần với những sinh viên mất cảnh giác, lơ là tài sản của mình. Để khi nghe đâu đó có tiếng kêu cứu là ông hành động...

“Tôi nghĩ mấy đứa sinh viên cũng đáng con, đáng cháu tôi, với nữa là mình cũng không vợ con. Hành động xuất phát từ cái tâm tự nguyện của mình, không lấy tiền lương, cũng không mong xin xỏ được trả ơn từ ai cả”, ông tâm sự như thế khi “tiếp nhận” một … ca xì ruột xe đạp của một sinh viên nghèo.

Dịp cận Tết 2016 rồi, khi nhận được giấy khen của Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị đại học (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) về thành tích xuất sắc trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, cái tên Minh “cô đơn” được nhiều người biết đến hơn. Bằng khen được ông đem về treo trên cây táo, nơi mỗi tối ông vẫn mắc võng ngủ lại hằng đêm! Dưới tán cây, tôi thấy ông để một cái gói nhỏ trong đó là vài ba bộ quần áo cũ kỹ. Ông kể ông vẫn thường ăn cơm sinh viên 12 ngàn, chiều tắm nước hồ đá, tối mắc võng ngủ ngay đây, trời có mưa thì lấy mấy cái áo mưa ra căng lên. Ông cười hiền khi nói về những điều này. Và cuộc sống của người đàn ông “cô đơn” ấy cứ lặng lẽ trôi qua.
Ngân Ngọc
.
.