Người dân cung cấp hàng vạn tin có giá trị giúp Công an phá án

Thứ Tư, 23/01/2019, 23:37
Trong 5 năm qua (2013-2018), người dân đã cung cấp cho Công an TP Hồ Chí Minh 121.519 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự (trong đó 61.136 tin có giá trị), giúp lực lượng Công an làm rõ 16.636 vụ việc, bắt giữ, xử lý 21.670 đối tượng các loại, thu hồi tài sản giá trị hơn 40 tỷ đồng.

Đây là kết quả đáng ghi nhận sự nỗ lực của Công an TP Hồ Chí Minh trong việc phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố cùng các tổ chức thành viên thực hiện Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới”.

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua luôn được đẩy mạnh đi vào chiều sâu và có bước phát triển mới, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, đem lại hiệu quả cao. Phong trào đã khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân thành phố trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự xã hội, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển thành phố.

Để thực hiện tốt chương trình phối hợp, Công an và Uỷ  ban MTTQ Việt Nam thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai để Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các tổ chức thành viên của Uỷ ban MTTQ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên, vận động nhân dân thành phố thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Qua đây nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu hoạt động “Diễn biến hoà bình” và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch. 

Từ đó, người dân đã tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… mạnh dạn tố giác tội phạm, nhất là những đối tượng có lệnh truy nã, người nghiện ma túy, các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, các điểm hoạt động mại dâm trá hình… 

Cán bộ Công an đến tận khu dân cư tuyên truyền pháp luật và nắm tình hình liên quan đến ANTT

Bên cạnh đó, các phong trào khác cũng được lồng ghép, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng nông thôn mới”; “Dân vận khéo”; “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”… Kế hoạch, giải pháp cụ thể được đề ra, tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia xây dựng các tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; tạo động lực thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững. 

Các mô hình tự phòng, tự quản về ANTT tiêu biểu được nghiên cứu, phổ biến, nhân rộng trên toàn hành phố, từ đó đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư, giữ gìn ANTT tại cơ sở. Cũng từ các phong trào, tình làng nghĩa xóm ngày càng được gắn kết chặt chẽ hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao nên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần xây dựng địa bàn trong sạch, lành mạnh, ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ông Nguyễn Công Đường, người dân xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) nói: “Phong trào Toàn dân bảo vệ ANTT rất sát thực, cán bộ thực hiện phong trào làm tốt công tác dân vận, gần gũi nên thuyết phục được người dân, từ đó nhiều người đã tích cực tham gia phong trào. Đồng thời, thông tin người dân phản ánh đã được cơ quan chức năng giải quyết thoả đáng nên người dân phấn khởi”.

Cán bộ Công an nhiệt tình giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết: “Công tác phối hợp giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã phối hợp rất tốt với cơ quan Công an trong thực hiện Chương trình 09, từ đó đã nhanh chóng đưa được chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Qua đó đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các Cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân góp phần tích cực vào công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn thành phố”.

Từ đây đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, như: mô hình “6+1” của Hội Cựu Chiến binh, Hội Người cao tuổi với mô hình “Câu lạc bộ Gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội”; mô hình “Nông dân nuôi, dạy con tốt và phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội” của Hội Nông dân tiếp tục được duy trì và nhân rộng. 

Xây dựng 617 đội, nhóm, tổ, câu lạc bộ thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, ma túy tại phường, xã, thị trấn với 21.540 đoàn viên, thanh niên, cán bộ chiến sỹ Công an tham gia...

Một khu dân cư bình yên trên địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh

Thượng tá Phan Đức Tuấn, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua 5 năm triển khai Chương trình phối hợp số 09/Ctr-BCA-MTTW đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp sát với tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, góp phần tích cực vào công tác giữ gìn ANTT trên địa bàn thành phố.

Sự nỗ lực của lực lượng Công an và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cùng các tổ chức thành viên trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên tham gia phong trào bảo vệ ANTQ một cách tự giác với nhiều mô hình, cách làm hay sáng tạo góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Để công tác phối hợp tiếp tục đạt được kết quả cao hơn, bà Tô Thị Bích Châu cho biết, thời gian tới các cấp, các ngành phát huy hơn nữa những mặt làm được, đầu tư thực hiện những giải pháp mới hơn, khoa học hơn phù hợp với tình hình mới. Tăng cường công tác phối hợp, giao ban định kỳ giữa những địa bàn giáp ranh để thực hiện đồng bộ trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồng thời, cần xác định rõ địa bàn trọng điểm, phức tạp về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội một cách chi tiết, cụ thể như địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy; tệ nạn xã hội; buôn bán người; chống phá Đảng, Nhà nước… để thống nhất đề ra giải pháp chuyển hóa phù hợp, có theo dõi đánh giá và giao trách nhiệm duy trì cho địa phương cụ thể, rõ ràng.

Nhân Sơn
.
.