Mô hình liên kết ANTT khu công nghiệp

Thứ Bảy, 24/12/2016, 09:15
Mô hình “liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa 4 xã thuộc huyện An Dương với khu công nghiệp Tràng Duệ” là điểm sáng về ANTT ở thành phố Cảng, được Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo và đang nhân rộng tại các KCN trên toàn quốc.

Khu công nghiệp (KCN) Tràng Duệ được xây dựng trên diện tích 401 ha, tại các xã An Hòa, Bắc Sơn, Lê Lợi, Hồng Phong thuộc huyện An Dương, Hải Phòng. 

Với 54 dự án, tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án lớn của Công ty LG Displays Hàn Quốc, Công ty Hee Sung Electronics…, đã thu hút hàng vạn lao động từ nhiều địa phương, một số chuyên gia và lao động nước ngoài. 

Đi cùng với sự phát triển đó là các băng nhóm tội phạm hình sự tranh giành “lãnh địa”, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản của doanh nghiệp và người lao động, làm ảnh hưởng môi trường đầu tư. Trong khi đó, giữa chính quyền, Công an, quần chúng nhân dân và các doanh nghiệp trong KCN chưa có tiếng nói đồng bộ.

Lực lượng Công an, bảo vệ tuần tra tại khu công nghiệp Tràng Duệ.

Trước tình hình đó, Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, Công an huyện An Dương, mà chủ công là Đồn Công an KCN Tràng Duệ, khẩn trương tham mưu cho Đảng, chính quyền huyện xây dựng mô hình “liên kết bảo đảm an ninh trật tự giữa 4 xã thuộc huyện An Dương với khu công nghiệp Tràng Duệ” nhằm tập trung sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với KCN, huy động đông đảo lực lượng tham gia. 

Mô hình có Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động, trong đó nhiều điều khoản cụ thể, quy định trách nhiệm mỗi đơn vị trong trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức tuyên truyền đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ý thức cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Các bên thường xuyên phối hợp tuần tra, nắm tình hình và xử lý vụ việc mất ANTT. 

Từ đó, các doanh nghiệp nước ngoài trong KCN cũng trở thành địa chỉ gần gũi với lực lượng Công an, không còn rào cản như một “vương quốc riêng” trước đây. Mô hình hợp lòng dân, lại phù hợp với lợi ích phát triển của doanh nghiệp đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và huy động cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc. 

Nhân dân 4 xã và hàng vạn lao động người Việt Nam phấn khởi, tự giác chấp hành pháp luật, nội quy bảo vệ doanh nghiệp, giúp Công an làm tốt công tác nắm tình hình an ninh đầu tư, quản lý Việt kiều, người nước ngoài và nắm dư luận người lao động, phòng ngừa ANTT. 

Bên cạnh đó 75 tổ tự quản ANTT được hình thành, trong đó 35 tổ tại các công ty trong KCN thường xuyên được huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, ngăn ngừa có hiệu quả mọi hành vi trộm cắp, cướp, cướp giật. 

Người lao động trong KCN và nhân dân địa phương tin tưởng, cung cấp nhiều tin hơn cho Công an qua đường dây nóng và hòm thư tố giác tội phạm, giúp Công an huyện xóa phá 5 băng nhóm chuyên bắt cóc, chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, trộm đêm, làm rõ 15 vụ phạm pháp hình sự, xử lý 37 đối tượng, bắt 5 đối tượng truy nã lẩn trốn tại các công trường và 2 đối tượng truy nã khác đội lốt công nhân trong KCN. 

Đặc biệt đã phá 3 chuyên án hình sự và ma túy, trong đó triệt phá băng nhóm nguy hiểm do Cao Đức Hưng cầm đầu, chuyên gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản nhà thầu thi công.

Công tác giữ gìn ANTT ở KCN và địa phương còn được sáng tạo qua các hoạt động tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, TTATGT, phòng chống cháy nổ dưới hình thức giao lưu văn hóa, thể thao, hội diễn văn nghệ. 

Chính vì vậy, tai nạn giao thông trên QL10 và các tuyến đường qua KCN giảm hẳn cả 3 tiêu chí. Trên địa bàn không xảy ra cháy nổ gây thiệt hại lớn, doanh nghiệp cùng Công an và địa phương tích cực hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, tạo nên một môi trường xã hội an toàn, nhân văn.

Đến nay, giai đoạn II của dự án đang được triển khai đúng tiến độ, không phát sinh vụ việc khiếu kiện phức tạp, là điểm sáng về ANTT ở thành phố Cảng, được Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo và đang nhân rộng tại các KCN trên toàn quốc.

Quốc Phòng - Đức Vượng
.
.