75 tuổi vẫn khiến tội phạm khiếp sợ

Thứ Hai, 25/04/2016, 16:46
Tổ trưởng tổ bảo vệ khu phố, công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới, thế nhưng người phụ nữ ấy đảm nhiệm công việc này xuất sắc chẳng kém. Đặc biệt hơn cả, dù bước sang tuổi 75 bà Nguyễn Thị Lịch (sinh năm 1941, tổ trưởng tổ bảo vệ tổ 14, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) vẫn còn khiến bao tên "đầu trộm đuôi cướp" phải khiếp sợ. Người dân vẫn gọi bà bằng cái tên trìu mến: "bà Lịch alô", "người phụ nữ phi thường" hay "nữ bảo vệ già nhất Việt Nam".


"Bà Lịch alô"

Gần 20 năm nay, người dân phường Nguyễn Trãi vẫn gọi bà với cái tên "bà Lịch alo". Dù nắng hay mưa, bà luôn mang theo vật bất ly thân là chiếc loa, hễ có động, đối tượng khả nghi là bà phát loa cho cả khu phố cảnh giác, bắt trộm. Bước sang tuổi 75 nhưng bà Lịch còn tinh anh, khỏe mạnh hơn nhiều so với tuổi. Nhiều người còn thắc mắc, con cháu đâu lại để bà vất vả "vác tù và hàng tổng" như vậy? Câu trả lời chỉ là, bà muốn làm việc thiện, sự hy sinh cho cộng đồng đã ngấm vào người bà như máu vậy.

Ngôi nhà bà Lịch không to nhưng gọn gàng sạch sẽ đến lạ. Biết chúng tôi có ý định phỏng vấn, bà Lịch tỏ ra khiêm nhường: "Bác chỉ làm hết bổn phận, trách nhiệm của mình thôi. Chứ không dám công nhận là người phụ nữ "phi thường, có một không hai" như bà con trong tổ này phong đâu".

Bà Lịch nâng niu những tấm giấy khen được các cấp tặng những năm qua.

Nổi tiếng là người cứng cỏi, gan dạ nhưng nhắc đến chuyện quá khứ bà Lịch không giấu được cảm giác buồn, tủi. Bà tham gia thanh niên xung phong ở Tuần Giáo (Điện Biên) khi mới 17 tuổi. Do thành tích, sức khỏe tốt, bà được chuyển về Ty Công an tỉnh Lai Châu công tác. Gia đình chưa khi nào phải lo lắng cho cô con gái cứng cỏi ấy, thế nhưng ai cũng sốt ruột mong bà về gần để tính chuyện gia đình.

Hơn 50 năm trước, bà có đem lòng yêu một anh bộ đội nhưng lại chẳng đến được với nhau. Bà bảo, bà chủ động chia tay ông ấy vì lý do tế nhị. Sau này cũng nhiều người muốn đến với bà nhưng đều bị từ chối. Có lẽ những tình cảm đầu đời bà đã dành hết cho chàng bộ đội kia. Bà Lịch rưng rưng: "Cũng vì lần ấy, tôi bị ốm đi khám bệnh thì người ta bảo bị tắc ống dẫn trứng, không có khả năng sinh con. Tôi không muốn lập gia đình vì sợ người thương yêu mình phải khổ".

Nhiều lần người yêu có gặp, gặng hỏi lý do tại sao chia tay nhưng bà đều không nói, chỉ bảo là ở quê bố mẹ đã dạm hỏi đám khác. Bà thừa biết rằng, nếu có nói lý do ấy ra, người yêu bà vẫn bất chấp tất cả để lấy bà. Nói đến đây, bà Lịch như khựng lại, giấu đi đôi mắt ngân ngấn lệ lảng tránh sang câu chuyện thực tại. "Thôi chuyện đã qua rồi cháu ạ, nhắc lại làm gì thêm đau lòng. Mỗi người một số phận, miễn sao thấy vui vẻ với thực tại là được".

Sau thời gian công tác xa nhà, bà Lịch được chuyển về Viện Kiểm sát Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Năm 1980, bà nghỉ hưu sớm do sức khỏe, nhưng lại về địa phương làm Ủy viên BCH Hội Phụ nữ phường Nguyễn Trãi. Sau này, tổ dân phố thành lập tổ bảo vệ, bà Lịch ra ứng cử và được đề bạt làm tổ trường tổ bảo vệ khu phố 14.

Nỗi khiếp sợ của kẻ xấu

Không phải tự nhiên mà khu phố 14 (phường Quang Trung) lại được người ta đánh giá là nơi an toàn nhất, bình yên nhất của quận Hà Đông. Ở cái tuổi tưởng chừng như phải phụ thuộc vào con cháu ấy, bà Lịch chẳng quản ngày đêm, đi tuần khắp ngõ ngách trong tổ, nắm tình hình từng con phố. Câu chuyện đuổi trộm, bắt cướp của bà vẫn khiến nhiều người phải nể phục.

Chiếc loa gắn bó với bà Lịch mấy chục năm.

Có lẽ những tháng năm làm trong ngành Công an đã cho bà một đôi mắt tinh tường khi nhìn người. Bà có thể phát hiện đối tượng khả nghi chỉ bằng 1 hành động của chúng, hoặc chỉ cần nhìn ánh mắt là đủ. Do tuổi đã cao, khi phát hiện kẻ xấu, bà Lịch sử dụng rất nhiều "chiến thuật" để ngăn chặn đối tượng.

Nhiều lúc bà coi như không thấy chuyện gì, bình thản theo dõi đối tượng khả nghi. Bà kể: "Có nhiều lần tôi cứ lẵng nhẵng đi theo kẻ khả nghi, đi suốt dọc con ngõ như hình với bóng. Bọn chúng bực mình còn hỏi: "Bà già ngớ ngẩn này cứ đi theo tôi làm gì? Lúc đó tôi biết mình bị lộ, liền hô hào mọi người thì bọn chúng bỏ chạy như có tội".

Có lần bà Lịch phát hiện 2 kẻ lạ mặt, với nghiệp vụ trong ngành bà phán đoán đây là 2 đối tượng nghiện hút, xâm nhập vào địa bàn có ý định trộm cắp vặt. Vẫn "chiến thuật" áp sát đối tượng, bà Lịch bất ngờ quát loa thật to: "Alo, aloo! Bà con chú ý, hiện nay đang có hai đối tượng thanh niên lạ mặt xuất hiện trong khu ta. Đề nghị bà con cảnh giác kẻo bị kẻ xấu lợi dụng trộm cắp. Alo! Alo". Thấy vậy, hai kẻ lạ mặt bỏ chạy, không quên buông lời khó nghe về phía bà: "Bà già dở hơi, tôi làm gì mà bà loạn cả lên thế?".

Gần đây khi đang đi tuần, bà Lịch phát hiện nhà chị Nguyễn Thị Nga (người dân khu phố 14) có 2 kẻ lạ mặt đột nhập từ lan can, cậy cửa vào tầng 3. Bà Lịch ngay lập tức phát loa thật to: "Alo! Alo! Bà con chú ý, một đối tượng trộm cắp vừa đột nhập vào nhà chị Nga. Đề nghị bà con khẩn trương thức dậy, bao vây tứ phía, chắc chắn đối tượng chưa ra khỏi khu phố chúng ta. Chú ý! Chú ý!".

Sau loạt loa của bà Lịch, tất cả khu phố thức dậy, bật điện sáng trưng, chặn khắp các ngả đường. Đúng như dự đoán của vị tổ trưởng, tên trộm vẫn chưa ra khỏi địa bàn. Nhân dân hô hoán và bắt được tên trộm, giao cho Công an phường xử lý.

Những tấm giấy khen là tài sản vô giá của bà Lịch khi về già.

Cứ nhắc đến chuyện bắt cướp, đi tuần là bà Lịch phấn chấn hẳn lên. Bà kể: "Buổi trưa hôm đó trời nắng nóng kỷ lục, mọi người hầu hết đóng cửa trong nhà. Tôi đang đi tuần thì phát hiện kẻ trộm đi trên chiếc xe đạp vừa lấy được của người dân. Thấy tôi già cả, thằng đó nghĩ tôi ko làm gì được còn tỏ thái độ rất coi thường.

Tôi hô hào rồi đuổi miết theo nó, tên trộm tiếp tục đạp nhanh đòi tẩu thoát. Đuổi ra đến cánh đồng gồ ghề, ngoái lại vẫn thấy tôi đuổi, tên trộm sợ quá nên bỏ của chạy lấy người. Tôi nói thật, tầm nghiện như nó đứng lại tôi quật ngã ngay tức khắc".

Chia sẻ về vị tổ trưởng, Anh Nguyễn Văn Thắng (người dân tổ 14) kể: "Bác Lịch đúng là hiếm có trong xã hội bây giờ. Dù gần 80 rồi nhưng bác rất khỏe, chẳng thấy bỏ tuần tra ngày nào cả. Chúng tôi sống ở đây cũng thấy yên tâm lắm, không những kẻ xấu khiếp sợ mà bác còn loa báo thức, báo giờ tập thể dục, giờ học bài cho trẻ nhỏ. Bác là tấm gương cho những thế hệ trẻ noi theo".

"Làm cách mạng thời bình"

Chẳng phải tự nhiên mà người dân tổ 14 phong cho bà nhiều cái tên đến vậy. Khi thì người ta gọi bà là "mẹ Lịch", lúc lại "người phụ nữ phi thường", hay "người phụ nữ hiếm nhất Việt Nam". Có lẽ những lời mỹ miều ấy lại bắt nguồn từ những việc đơn giản nhất, gần gũi nhất. Bà luôn tận tụy, hết lòng vì công việc. Bà quan tâm đến từng ổ khóa, từng cánh cửa của mỗi gia đình.

Gia đình nào chưa thay khóa an toàn, bà động viên thay cho kỳ được ổ khóa mới. Khi nào thay mới thì bà Lịch thôi hỏi thăm. Trong những lúc đi tuần, bà quan sát nhà nào cửa cũ, mục không đảm bảo an toàn, kẻ trộm dễ đột nhập, bà lại động viên chủ hộ thay cửa mới.

Hình ảnh "bà Lịch alo" quá quen thuộc với người dân tổ 14.

Mọi người còn rất ấn tượng với vị tổ trưởng tổ bảo vệ này là vào sáng thứ 7 hàng tuần bà lại gọi loa khắp tổ. Đó là báo hiệu người dân thức dậy, quét ngõ, quét nhà, vệ sinh khu phố. Những ngày đầu mọi người cảm thấy khó chịu nhưng dần dần ai nấy cũng đều ủng hộ hành động này của bà. 99% người dân đều làm theo hiệu lệnh của "bà Lịch alo".

Hơn 30 năm qua, bao nhiêu con người, từ già tới trẻ đều quá quen với tiếng loa sang sảng của bà. Mỗi buổi sớm mùa hè, tiếng loa của bà Lịnh gọi trẻ con dậy tập thể dục. Còn tối đến, cứ khi tiếng loa của bà vang lên là người dân tổ 14 lấy làm "giờ chuẩn" thúc con ngồi vào bàn học.

Và lâu dần, tiếng loa ấy thành quen, lũ trẻ chẳng cần bố mẹ nhắc vẫn ý thức tự giác ngồi học bài. "Bọn trẻ con là phải luyện cho chúng tính tự giác. Có như vậy khi lớn chúng mới không sa ngã vào tệ nạn xã hội được", bà Lịch chia sẻ.

Ghi nhận những đóng góp của bà Lịch, Thành ủy Hà Nội, Công an Hà Nội, Công an quận Hà Đông đã trao tặng bà rất nhiều giấy khen. Chỉ lên bức tường treo kín giấy khen, bằng khen, bà Lịch rưng rưng: "Tôi làm mọi việc đều tự nguyện cả. Lúc nào cũng tâm niệm, mình đang làm cách mạng trong thời bình. Mang lại bình yên cho người dân là tôi hạnh phúc lắm rồi. Khi nào còn sức là tôi còn làm, còn bảo vệ bình yên cho nhân dân".

Phong Anh
.
.