Khi người dân góp sức dựng phong trào

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:00
Trước năm 2013, Đồng Tháp là địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), các vụ vi phạm về trật tự xã hội xảy ra nhiều… Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt với sự ra đời của mô hình “Treo biển số điện thoại Công an xã, phường, thị trấn” ở những nơi công cộng, tình hình ANTT nơi đây đã chuyển biến rõ rệt, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) phát triển sâu rộng trong quần chúng, tác động tích cực tới các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở địa phương…
Treo biển số điện thoại - mới nghe qua tưởng cách làm này cũng bình thường, giản đơn. Nhưng khi đi vào thực tế, triển khai thí điểm ở phường 2, thị xã Sa Đéc (nay là TP Sa Đéc), tỉnh Đồng Tháp mới thấy hết hiệu quả của mô hình. Nhằm tạo tiện lợi cho người dân cung cấp thông tin tội phạm, giúp lực lượng Công an kịp thời ngăn chặn, xử lý những vụ việc phức tạp trên địa bàn, biển số điện thoại được treo tại các tuyến đường chính, khu vực tập trung đông người như chợ, bến xe, bệnh viện…

Chỉ sau một thời gian ngắn, lượng tin báo của quần chúng nhân dân cho Công an phường 2 tăng gấp 2-3 lần, giúp cơ quan Công an điều tra, khám phá nhiều vụ án. Từ hiệu quả thu nhận thông tin tại Công an phường 2, Công an thị xã Sa Đéc đã nhân rộng mô hình này ra toàn địa bàn thị xã. Đầu năm 2013, Công an tỉnh Đồng Tháp cũng đã thực hiện việc treo 2.692 số điện thoại tại 144/144 xã, thị trấn trên toàn tỉnh.

Tính đến nay, mô hình treo biển số điện thoại đã cung cấp cho lực lượng Công an 11.230 nguồn tin tố giác tội phạm như trộm cắp tài sản, đánh bạc, số đề, tụ tập gây rối, tai nạn giao thông…; trong đó có 7.250 nguồn tin có giá trị, hỗ trợ tốt lực lượng Công an các cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh được kéo giảm, tỷ lệ điều tra khám phá án tăng…

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Được, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ Công an tỉnh Đồng Tháp, hiện đơn vị đang tiếp tục duy trì mô hình, đồng thời gia cố số lượng biển sao cho đồng bộ, thống nhất, có Công an hiệu và đánh số thứ tự, để bên cạnh việc tiếp nhận thông tin của người dân còn tạo mỹ quan đô thị…

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khảo, Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết, treo biển số điện thoại chỉ là một trong những mô hình cụ thể, thiết thực mà Đồng Tháp sáng tạo và tổ chức thực hiện. Hiện cả nước có khoảng 1.000 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm, trong đó có 459 mô hình đạt loại tốt, 550 mô hình đạt loại khá.

Các mô hình, điển hình tiên tiến được xây dựng, phát triển trong các lĩnh vực đời sống xã hội, các vùng, miền và ở các địa bàn trên toàn quốc theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, có tính xã hội hoá cao. Chẳng hạn như mô hình “Xây dựng xã, phường, trường học không có tội phạm ma tuý, tệ nạn xã hội”, “Thôn, xóm bình yên”, “Liên gia tự quản”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”…

Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Lào Cai và Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ thăm, kiểm tra một đơn vị có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ ANTT.
Cũng qua việc tổ chức phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm tấn công, truy bắt tội phạm, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tiêu biểu là ông Hồ Đức Hải, Tổ trưởng an ninh xã hội thôn Quảng Phúc, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá bị đối tượng chém mất cánh tay vẫn truy bắt tội phạm đến cùng; ông Nguyễn Thanh Hải ở phường Phú Hoà, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương gần 10 năm cùng anh em trong tổ xe ôm bắt hơn 400 vụ trộm, cướp, được nhân dân quý mến gọi là “Lục Vân Tiên”; già làng người Dao Bàn Sinh Lương ở xã Thống Nhất, TP. Hoà Bình rất tâm huyết với công tác an ninh, trật tự… Họ chính là những tấm gương toả sáng giữa đời thường, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới…

Nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và tổng kết “Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ” là điểm rõ nét nhất trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 của Đảng bộ Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Khảo cũng khẳng định vai trò nòng cốt xây dựng phong trào ở xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp của hơn 134.000 Công an xã; hơn 66.000 Bảo vệ dân phố và trên 700.000 Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Đây chính là những “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an, góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã được tổ chức sâu rộng ở từng địa phương cũng như toàn quốc, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ ANTT của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bởi thế, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nhiệm kỳ 2015 - 2020 là đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đảm bảo phù hợp từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa bàn thôn, xóm, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

“Mọi chủ trương, biện pháp sẽ theo hướng hợp lòng dân, vừa sức dân và vì lợi ích của nhân dân, tạo nền tảng cho việc xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá xã hội và bảo vệ ANTT của đất nước…” - đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ khẳng định.

Quỳnh Vinh
.
.