Ghi nhận từ kết quả mô hình “3 giảm, 4 giữ”

Thứ Bảy, 03/12/2016, 08:26
Men theo con đường làng quanh co, chúng tôi đến huyện Kim Bảng (Hà Nam) vào đúng ngày dòng họ Phạm xã Thanh Sơn họp họ.

Đã thành thông lệ, hằng năm vào thời điểm này, các con cháu từ phương xa lại trở về quê hương. Buổi họp họ là dịp để đại diện các Chi trong dòng họ có dịp điểm lại những kết quả đã đạt được sau một năm. 

“Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”, ngoài việc trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm, hướng nghiệp cho các con trẻ, các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập cũng được biểu dương... Tại buổi gặp gỡ, đại diện dòng họ cũng phổ biến với các thành viên trong dòng họ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, các nội dung mô hình “3 giảm, 4 giữ”.

Được chứng kiến buổi họp của dòng họ Phạm, chúng tôi hiểu rõ hơn hiệu quả của mô hình được triển khai rộng khắp của tỉnh Hà Nam. 

Không giấu được niềm tự hào, đại diện dòng họ Phạm xã Thanh Sơn, ông Phạm Mạnh Quỳnh bộc bạch: Đến thời điểm này, các thành viên của dòng họ Phạm đều chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không có người vi phạm pháp luật, không có người mắc các tệ nạn xã hội, ma túy, tình cảm thôn, xóm, họ hàng ngày càng được gắn kết, mọi người yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Thành quả đó đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của từng gia đình trong dòng họ, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.

Rời dòng họ Phạm, chúng tôi tìm đến thôn Đức Hòa, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Từ đầu làng, tiếng quai búa, tiếng máy cắt, máy hàn đã vang lên. Nhiều năm nay, xưởng cơ khí của anh Nguyễn Văn Chủ (trú tại thôn Đức Hòa, xã Thanh Tân, Thanh Liêm) đã nổi tiếng khắp vùng bởi sự khéo léo của những đôi tay tài hoa và cả nghị lực vươn lên của ông chủ xưởng cơ khí... 

Thấy chúng tôi, chủ xưởng Nguyễn Văn Chủ đang tất bật với công việc, ngưng tay búa, đon đả tiếp chuyện. Câu chuyện về nghị lực sống của một người từng có thời lầm lỡ, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và tầng lớp nhân dân ở cơ sở đã vươn lên trở thành người có ích cho xã hội... 

Công an phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) phối hợp với bảo vệ dân phố tuần tra đêm đảm bảo tốt ANTT.

Thêm một lần nữa là minh chứng sinh động nhất cho thấy hiệu quả của mô hình “3 giảm, 4 giữ”. Do đua đòi chúng bạn, Nguyễn Văn Chủ đã từng có một thời lầm lỡ, trở thành đệ tử của cái chết trắng. Sau 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Chủ trở về địa phương với hai bàn tay trắng, không một đồng vốn trong tay. Anh cảm thấy tự ty và mặc cảm tội lỗi là một đối tượng tù tha... 

Với nghị lực vươn lên của bản thân, sự quan tâm của gia đình, sự gần gũi, động viên của lực lượng Công an xã, các đoàn thể, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở xưởng cơ khí tại nhà. Từ chỗ tự sản xuất, xưởng cơ khí của anh đã tạo công ăn việc làm cho 14 lao động người địa phương, thu nhập bình quân của gia đình khoảng trên 600 triệu đồng/năm.

Những kết quả đã đạt được trong thực hiện mô hình “3 giảm, 4 giữ” (giảm tội phạm, giảm tệ nạn ma túy, giảm tai nạn giao thông; giữ người, giữ của, giữ thôn xóm phố phường, giữ tình thương) ở thành phố Phủ Lý là rất đáng ghi nhận. 

Cách đây tròn 5 năm, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Thông tư số 05/TT-TU về triển khai nhân rộng mô hình “3 giảm, 4 giữ” gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc và tổ chức triển khai nhân rộng mô hình "3 giảm, 4 giữ" trên toàn tỉnh. “Vạn sự khởi đầu nan” để đưa một chủ trương lớn vào nhân dân, để họ tích cực tham gia, trong khi ở đâu đó, vẫn còn tình trạng người ngay sợ kẻ gian... là điều không đơn giản. 

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Trương Minh Côn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam bộc bạch: Ngay từ những ngày đầu triển khai, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành Nghị quyết, Kế hoạch chuyên đề tổ chức thực hiện ở các đơn vị, địa phương. 

Việc triển khai thực hiện mô hình được tổ chức sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, có sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể tạo được chuyển biến về nhận thức tư tưởng và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân tham gia.

Qua 5 năm triển khai, nhân rộng mô hình các vụ phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều giảm trung bình từ 3 đến 5%; nhiều địa phương không xảy ra trọng án, không có người chết về tai nạn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị được đảm bảo… Con số đó đã chứng minh hiệu quả mô hình “3 giảm, 4 giữ”. 

Không dừng lại ở đó, từ mô hình “3 giảm, 4 giữ” nhiều địa bàn trong tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, chuyên đề, cuộc vận động quần chúng tham gia giữ gìn ANTT ở địa bàn cơ sở thiết thực, hiệu quả như mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” của huyện Kim Bảng, “Tổ an ninh tự quản ngõ xóm” của huyện Lý Nhân.  

Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình “3 giảm, 4 giữ” tại Hà Nam đã khẳng định chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp, có tác dụng thiết thực. 

Qua đó, đã giúp cho công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều sâu hơn trước; phát huy được tính tích cực, tự giác của người dân tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở.

Xuân Mai
.
.