Bình yên bản Ka Tăng

Thứ Hai, 20/02/2017, 09:44
Bản Ka Tăng nằm ở trung tâm thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), với trên 90% hộ dân người dân tộc Vân Kiều, cuộc sống còn nhiều khó khăn, song họ tích cực tham gia giữ gìn ANTT địa bàn, không vi phạm các tệ nạn xã hội, không tiếp tay cho đối tượng xấu…


Đứng trưa, bản Ka Tăng khá vắng vẻ. Anh Lê Văn Hùng (Phó bản) dẫn tôi một vòng quanh bản và giải thích: “Giờ này, phần lớn bà con vẫn còn trên nương rẫy, hoặc kéo xe chở hàng thuê ở khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Tuy nhiên, anh vẫn có thể gặp những con người “đáng gặp” của bản để hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con; nhất là công tác đảm bảo ANTT, giữ bình yên bản làng nơi đây”.

Chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Nọ. Bà niềm nở mời nước khách nấu từ lá cây vối thơm phức. Những năm tháng chiến tranh và bao khó khăn, gian khổ từ sau ngày đất nước giải phóng vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của bà. 

“Thời gian cuối năm 1962 đầu 1963, vùng Lao Bảo bị đánh phá dữ dội, bộ đội đã giúp sơ tán dân đến những nơi an toàn, trong đó ưu tiên sơ tán người già và trẻ em ra miền Bắc. Tháng 3 năm đó, mẹ được đưa vào học văn hóa ở Trường Dân tộc Trung ương Hà Nội. Đến cuối năm 1969, thì mẹ tốt nghiệp lớp 10, tình nguyện trở vào lại miền Nam phục vụ kháng chiến”, bà chậm rãi kể. 

Bà Hồ Thị Nọ và ông Hồ Văn Công trò chuyện với phóng viên. 

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, bà Nọ về quê cùng dân bản xây dựng lại bản làng. Rồi bà gặp ông Hồ Văn Công là thương binh, trong chiến tranh đã bao phen vào sinh ra tử ở chiến trường A So, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế. 

Hỏi chuyện duyên nợ vợ chồng, bà cười móm mém: “Bố hơn mẹ 12 tuổi, nay đã 85 tuổi, nhưng những kỷ niệm chiến tranh thì bố thường nhắc tới. Con của bố, mẹ đứa nào cũng được bố dạy dỗ cẩn thận. Bố dạy về truyền thống cách mạng, về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Con cái nhờ đó mà lớn lên không có đứa nào hư. Trong bản này cũng thế, từ trẻ nhỏ đến thanh niên đứa nào cũng nghe lời của bố”.

Thượng tá Tạ Quang Hậu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nói rằng, ông Công, bà Nọ là những tấm gương sáng của bản làng Ka Tăng. Mặc dù tuổi cao sức yếu, không còn có thể lên nương lên rẫy làm những công việc nặng nhọc, họ vẫn luôn hết mình đóng góp cho bản làng, nhất là việc tuyên truyền, nói những lời hay ý đẹp để giúp cho thanh thiếu niên làm những gì nên làm, tránh những việc không nên làm. Những năm qua, nhờ đó mà người dân bản Ka Tăng, mặc dù sống ngay bên cửa khẩu Lao Bảo, nơi vốn phức tạp về ANTT, song bản làng này không hề có người xấu, người vi phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, cho biết thêm: Bản Ka Tăng qua nhiều năm là địa phương điển hình về đảm bảo ANTT; giữ vững, phát huy nét đẹp văn hóa của bản làng. Cả bản hiện có trên 190 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp và làm nghề kéo xe chở hàng thuê ở khu vực cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, phần lớn đất đai lâm nghiệp bị bạc màu, cằn cỗi, cây trồng khó phát triển, nên thu nhập của người dân hiện vẫn còn nhiều khó khăn. 

“Trong Nghị quyết của HĐND thị trấn về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2015-2020, chúng tôi vẫn đặc biệt chú trọng tới vai trò của các già làng, trưởng bản, gương sáng đồng bào. Những gương sáng này không chỉ giúp cho bà con dân bản ngày càng có được cuộc sống ổn định và tiến bộ, mà còn giúp cho chính quyền, ngành chức năng có điều kiện để làm tốt bổn phận của mình đối với nhân dân”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phan Thanh Bình
.
.