Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu...

Thứ Hai, 29/02/2016, 08:06
Xin được bắt đầu bài viết này từ lời mở đầu ca khúc “Phượng hồng” quen thuộc của Vũ Hoàng và Đỗ Trung Quân, nhưng lại không liên quan gì đến “Những chiếc xe chở đầy hoa phượng/ em chở mùa hè của tôi đi đâu...” mà liên quan đến một hiện tượng buồn cười và bất ổn trong thơ phong trào hiện nay.


Theo chúng tôi, hiện tượng này thực chất là một trò diễn khá tốn kém, có phần xúc phạm đến thơ và người làm thơ nghiêm chỉnh.

Cách nay khoảng hai tháng, một người bạn gọi điện thoại cho tôi: “Mấy hôm nữa, anh đến chỗ ấy “chém gió” giúp em với… Có một người sắp ra mắt một tập thơ…”. Tôi trả lời: “Cũng được. Nhưng anh phải được đọc trước tập thơ đã”. Đọc xong tập thơ, tôi hơi giật mình: “Thơ yếu quá. Chắc anh không đến được”. Nhưng rồi tôi vẫn đến bởi vì bạn tôi bảo: “Không được đâu, anh ơi. Em đã hứa với nó rồi. Với lại, nó đã lên chương trình. Khách mời chính thức chỉ có anh và một người nữa thôi. Lần sau thì được, còn lần này không được”.

Thì đành vậy.

Đến nơi, tôi hơi giật mình vì đại biểu đến dự toàn là người oách cả, trong đó có cả nhiều người được quảng cáo là “nổi tiếng”. Như vậy, “đầu dê” đã được treo lên…

Gian sách ở Văn Miếu Quốc Tử Giám trong ngày thơ Việt Nam năm 2016 vẫn được đông đảo bạn đọc già trẻ quan tâm, chứng tỏ người VIệt vẫn dành cho thơ những tình cảm thiêng liêng quý báu, và luôn trân trọng tìm đến những tác phẩm thơ đích thực, những bài thơ hay (ảnh có tính chất minh họa).

Có gì không bình thường ở đây. Tôi nghĩ thế. Định chuồn. Gọi điện thoại báo lại cho bạn tôi có đến dăm cuộc nhằm rút lui. Chuông cứ đổ nhưng không người nghe. Vài hôm sau, tôi mới biết: Đúng hôm ấy, người tôi cần gặp đã “gặp nạn”. Sau cái vụ cháy ở Xa La, bạn tôi đã vội vàng sơ tán đến ở tạm một nơi khác và bỏ quên luôn điện thoại di động không mang theo người.

Thì lỡ rồi.

Lúc bước vào một quán cà phê sang trọng được bài trí rất màu mè, tôi chợt nhớ một chuyện mà nhà thơ Nguyễn Giang kể: Chuyện này xảy ra đã lâu. Bữa ấy, có một người thuộc diện “lái thơ” đứng ra “làm lễ” cho một tập thơ dưới hạng ba, hạng tư gì đó. “Lái thơ” tán không biết ngượng mồm: “Thơ của P.T.D. ra khỏi Trường Sơn là hết. Thơ của T.Đ.K. ra khỏi thiếu nhi là hết. Nhưng thơ ở trong tập thơ ra mắt mọi người hôm nay sẽ còn sống mãi, sẽ để đời. Thơ này mới đáng gọi là thơ. Rồi “lái thơ” này đọc: "Anh yêu em thế này/ Anh yêu em thế nọ/ Yêu như yêu hôm nay/ Yêu như yêu tháng ngày/ Gần nhau rồi thấy sợ/ Xa nhau rồi thấy nhớ/ Làm sao quên nhau đây…" và tán: ''Yêu thế mới là yêu chứ! Kinh nhất của khổ thơ trên rơi vào chữ “sợ”. Chữ “sợ” làm cho thơ trở nên khác thường đấy. Phải yêu như thế nào thì nhà thơ mới viết ra những câu thơ đặc biệt như thế, phải không nào? Trong trường hợp này, người ta gọi là “cảnh huống” của thơ đấy. Thơ thế được chưa? Nào, cho một tràng vỗ tay đi!”.

Chưa hết. Nhà thơ Nguyễn Giang kể tiếp: “Có một người oanh liệt đầy mình. Vậy mà cũng chưa thỏa mãn. Một hôm, ông này thịt hẳn một con trâu và mời khá nhiều khách đến đánh chén để nói mỗi một câu thôi: Tôi đã có nhiều huân chương, huy chương, bằng khen… trên nhiều lĩnh vực. Nhưng đây là lần đầu tiên có được một giấy khen về thơ đấy”. Và giấy khen này, đương nhiên cũng do “lái thơ” trên cấp”.

Hoa và sách đã được bày biện. Đèn bắt đầu nhấp nháy. Nhạc bắt đầu nổi lên. Một clip đã được “phát”. Những lời có cánh ngọt một cách nhừa nhựa và dinh dính của một MC có hạng đã mở màn rồi… Tất cả đang “vào vai”.

Khách mời thứ nhất “lượn” rất khéo: “Đọc xong tập thơ này, tôi thấy cánh đàn ông của chúng tôi đều vứt đi. Vứt đi hết. Chỉ có phái yếu mới yêu đến như thế và làm được như thế!”.

Người chủ sự - giám đốc một công ty truyền thông “lượn” một kiểu khác: “Tập thơ này in đến 2.000 cuốn. Đây là số lượng đáng mơ ước của nhiều nhà thơ chuyên nghiệp. Cũng có thể coi là một vấn đề đáng chú ý. Hy vọng sách sẽ bán hết rất nhanh…”.

Đến lượt tôi – khách mời thứ hai – cũng đành phải “bay” một đoạn: “Nếu là tôi, tôi sẽ thêm một từ “dám” vào tên tập thơ này.Tên đầy đủ của nó sẽ là: "Anh có dám cùng em đi hết cuộc đời”. Một người mà viết: “Em hôn vào nỗi đau” thì cũng được. Chắc hẳn nỗi đau phải êm dịu lắm đây!”. Rồi tôi “hạ cánh” ngay: “Tuy nhiên, người viết vẫn chưa tiết chế được cảm xúc và làm thơ chưa có nghề cho lắm”.

Tôi quay ra hỏi tác giả: “Thế có bao giờ cháu đọc thơ của ai không? Thơ của các nhà thơ nước ngoài nổi tiếng chẳng hạn? Thế thơ của cháu thì độc giả chính là ai?”.

Tác giả thành thật: “Cháu không bao giờ đọc thơ của ai cả và cũng không biết bất kể một nhà thơ nổi tiếng nào cả. Độc giả chính của cháu là “dân” Facebook. Để có tập thơ này, cháu cũng vất vả lắm đấy ạ. Cháu phải chuẩn bị nhiều thứ và phải bay từ Đà Lạt ra đây từ hôm qua”.

Tôi giở “Anh có cùng em đi đến hết cuộc đời?” và đọc: "Người biệt ly từ độ/ mây đen, phủ chân trời/ một ngày giông bão nổi/ xơ xác mảnh hồn tôi; Đêm gào lời tiễn biệt/ Trăng khóc thương ngày tàn/ Em cũng khóc anh ạ/ Khóc cho tình vỡ tan; Anh chỉ là anh thôi/ Bình yên và say đắm/ Thương mắt em mặn đắng/ Khóc một đời đa đoan; Vẫn những lời cay độc/ Vẫn những lời thật thà/ Vẫn là tình yêu đó/ Sao giờ tổn thương ta; Em vẫn thế, lòng còn mơ hồ lắm/ Cứ yêu đương, cứ khao khát, mong chờ/ Cứ giãy dụa trong những ngày xa cách/ Cứ điên cuồng và nhớ cả trong mơ…".

Mấy tuần sau, nhà thơ trẻ Hoàng Liên Sơn nói với tôi: Chuyện anh kể, cũng giống như chuyện em vừa chứng kiến hôm qua. Vẫn thế thôi! Vẫn ở địa điểm ấy thôi! Vẫn bày đặt và nhiêu khê thế thôi! Vẫn vở cũ diễn lại thôi! Chỉ có khác: Nhân vật chính là một người làm thơ khác. Cũng ở nơi xa đến và mới “chân ướt chân ráo” vào làng thơ phong trào.

Vậy là ở đây, “thịt chó” đã được bán nhiều lần rồi.

Quà tặng sau cuộc ra mắt, ngoài tập thơ nhắc tới trên còn một tập thơ nữa. Chỉ khác một chút: Thơ viết cho thiếu nhi, không phải thơ tình và tác giả chính là người chủ sự cuộc ra mắt thơ đêm ấy.

Thơ in những 5.000 cuốn thuộc diện… kỷ lục. Những câu thơ kiểu văn vần và cũ như thế này, không hiếm và cũng kỷ lục không kém: "Bé ơi mau nín/ Bé cười thật thà/ Như một mặt trời/ Hồn nhiên của mẹ; Em bé nhỏ tí xíu/ Ngủ ngoan trong chiếc nôi/ Em bé giống mặt trời/ Của cha và của mẹ; Bé ơi dậy thôi/ Mặt trời thức rồi/ Đánh răng rửa mặt/ Chào ngày đi thôi; Mẹ ơi ngày con sinh ra/ Bầu trời màu gì vậy mẹ/ Có phải là màu cửa bể/ Xanh trời, xanh cỏ, xanh cây; Bé à bé ơi/ Em phải ngoan nhé/ Mặt trời be bé/ Không khóc nhè đâu/ Bé ơi mau nín/ Bé cười thật tươi/ Như một mặt trời/ Hồn nhiên của mẹ; Ông mặt trời ơi/ Thức dậy đi thôi/ Em đã dậy rồi/ Mong trời mau tạnh; Con đường hoa nắng/ Chim sáo véo von/ Bầu trời xanh ngắt/ Mặt trời bé con; Con ạ, ngày con chào đời/ Bầu trời màu xanh đến lạ/ Mẹ thấy như màu biển cả/ Mênh mông đến tận chân trời; Mẹ là tất cả/ Ấm áp trên đời/ Mặt trời vĩ đại/ Của mình con thôi…". Rặt bầu trời và mặt trời!

Đọc hết tập thơ này, tôi nhớ lời nhà thơ Quang Huy. Sinh thời, ông bảo: Thơ bây giờ có thể chống mọi thứ nhưng không chống “nghệ thuật yếu”, không chống “nghệ thuật tầm thường”.

Và tôi tin qua các cuộc ra mắt thơ kiểu trên, rất nhiều người hiểu nhưng chỉ có một người không hiểu. Ấy là tác giả các tập thơ trên.

Hoài Văn
.
.
.