Vì sao nghệ sĩ xiếc chưa quan tâm xác lập bản quyền?

Thứ Năm, 05/07/2018, 07:19
Rà soát sơ bộ của Cục Bản quyền tác giả cũng cho thấy, tính tới thời điểm hiện tại (ngày 4-7), chưa có tiết mục, chương trình, vở xiếc nào được các nghệ sĩ xiếc, chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền. Bản quyền trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn xiếc mới chỉ có đăng ký về kịch bản. 


Theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ, việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật xiếc là hoạt động cần thiết để bảo vệ thành quả lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, sau một số tranh cãi đáng tiếc gần đây, phần lớn các nghệ sĩ gắn bó với bộ môn nghệ thuật này mới giật mình, “rục rịch” tìm hiểu cách bảo vệ bản quyền tác phẩm.

Theo danh sách các nghệ sĩ vượt qua vòng thẩm định, bình xét của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân từ ngày 3-7, Tiến sĩ  Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là 1 trong 77 nghệ sĩ được lựa chọn xét tặng danh hiệu NSND.

Kết quả này góp phần khép lại những tranh cãi đáng tiếc ít ngày trước đó về việc sở hữu bản quyền của ông Khánh đối với tác phẩm xiếc đoạt giải cao: “Những thiên thần đen” và “Cánh chim Việt”.

Đây là 2 tác phẩm phẩm từng bị NSƯT Lê Văn Thể tố cáo TS Hoàng Minh Khánh lấy từ 2 tiết mục của ông nhưng đổi tên khác để dàn dựng, đưa đi dự thi.

“Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” - chương trình hấp dẫn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Tuy nhiên, vụ tai tiếng quanh câu chuyện tranh chấp sở hữu bản quyền tiết mục xiếc của 2 nghệ sĩ lão luyện trong nghề lại khiến nhiều người giật mình. Bởi lẽ, lâu nay, từ các nghệ sĩ cống hiến lâu năm nhất cho đến các nghệ sĩ trẻ, ít ai thực sự quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đăng ký bản quyền cho các kịch mục xiếc của mình.

Dù rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, xiếc là một trong những bộ môn nghệ thuật được và cần đăng ký bản quyền. Việc đăng ký quyền này chính là một trong những  bức tường bảo vệ cho thành quả lao động của các nghệ sĩ gắn bó với nghệ thuật xiếc, tránh được sự xâm phạm từ các cá nhân, tổ chức khác.

Rà soát sơ bộ của Cục Bản quyền tác giả cũng cho thấy, tính tới thời điểm hiện tại (ngày 4-7), chưa có tiết mục, chương trình, vở xiếc nào được các nghệ sĩ xiếc, chủ sở hữu tác phẩm đăng ký bản quyền. Bản quyền trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn xiếc mới chỉ có đăng ký về kịch bản. Số lượng kịch bản được đăng ký không nhiều, thậm chí là rất ít.

Trao đổi quanh vấn đề này, ông Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nghệ sĩ xiếc không đăng ký hoặc không dám đăng ký bản quyền vì không ai dám khẳng định mình là người đầu tiên sáng tạo và nghĩ ra các động tác kỹ thuật này, tiết mục khác. Gần như tất cả các động tác kỹ thuật được sử dụng trong xiếc hiện nay đã được thế giới quốc tế hóa.

Người nghệ sĩ, huấn luyện viên, đạo diễn chỉ căn cứ trên khả năng của từng nghệ sĩ, diễn viên để sắp xếp, đào tạo và tạo ra các tiết mục hay, sắp xếp làm sao cho hài hòa từ âm nhạc, ánh sáng, trang phục và đạo cụ, truyền thụ “hồn cốt” tiết mục cho nghệ sĩ biểu diễn.

Một ví dụ cụ thể nhất là tiết mục của anh em nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp vừa qua rất hay, đã giành được nhiều thành tích trên sân chơi thế giới. Thế nhưng, những tiết mục như thế do truyền nghề mà có, để thực hiện đăng ký bản quyền cho tiết mục là điều không thể.

Tuy nhiên, theo NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì việc sáng tạo tiết mục, đào tạo theo kiểu nghề truyền nghề là cách làm cũ. Khoảng 20 năm trở lại đây, bên cạnh cách thức truyền thống nói trên, hoạt động nghệ thuật xiếc bài bản hơn, hiện đại hơn. Một tác phẩm xiếc được xây dựng, hoàn thiện để biểu diễn trước công chúng bao gồm một quy trình với đủ các khâu sáng tạo, tương tự như các tác phẩm của các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác.

Trong đó sẽ có cả giám đốc sản xuất, chỉ đạo nghệ thuật, tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu. Điều này đồng nghĩa với việc một tiết mục, chương trình, vở diễn xiếc đủ điều kiện và cần thiết thực hiện đăng ký bản quyền một cách đầy đủ. Thế nhưng, nghệ sĩ thường e ngại thủ tục hành chính rắc rối nên bỏ qua hoạt động đăng ký bản quyền.

NSND Tạ Duy Ánh cũng cho biết, từ thử nghiệm đăng ký bản quyền thành công của cá nhân anh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang lên kế hoạch tổ chức họp bàn triển khai đăng ký bản quyền một cách bài bản hơn cho các kịch mục xiếc của đơn vị.

N.Nguyễn
.
.
.