Vì sao chưa thể thực hiện được việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn?

Thứ Tư, 06/04/2016, 16:34
Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) vừa ban hành văn bản bãi bỏ Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các nghệ sĩ với lý do “chưa đồng bộ về cơ sở pháp lý”. Vậy, cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Bộ VH-TT&DL đưa ra lý do để giải thích cho việc này là vì trong Nghị định 15 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua ngày 15-3-2016 không đề cập đến nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ.

Trước đó, vào năm 1999, từ đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD, Bộ VH-TT&DL), thẻ hành nghề đã từng được thực hiện với việc cấp cho hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng chỉ 3 năm sau đó, Nghị định 59/2002/NĐ-CP đã bãi bỏ giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật cấp cho nghệ sĩ. Vì vậy, từ đó đến nay, thẻ hành nghề đã không còn tồn tại trong lĩnh vực NTBD.

Trong mấy năm gần đây, Cục NTBD nhiều lần đề xuất lại việc cần phải thực hiện việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nhằm có biện pháp quản lý hiệu quả đối với những nghệ sĩ biểu diễn cũng như là các vấn đề trong loại hình NTBD nói chung. Bởi vì ở thời đại mà các loại hình nghệ thuật giải trí ở nước ta phát triển, hội nhập với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đã xuất hiện ngày càng nhiều những biến tướng, lệch chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam như việc thi hoa hậu chui, ăn mặc phản cảm trên sân khấu, trình độ và đạo đức của người biểu diễn nghệ thuật…

Dự thảo cần qui định rõ đối tượng áp dụng việc xét cấp thẻ hành nghề biểu diễn. (Ảnh minh họa).

Vì vậy, trong Dự thảo Thông tư quy định về vấn đề này ra ngày 16-1-2016, Bộ VH-TT&DL có quy định, người có thẻ hành nghề mới được tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và được nhận thù lao bằng tiền hoặc các quyền lợi vật chất khác. Đồng thời, các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu hát nhép, mặc đồ, hóa trang hoặc có hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam bị “treo” thẻ từ 1 - 3 tháng. Vì vậy, tiêu chuẩn để được cấp thẻ hành nghề biểu diễn là người nghệ sĩ phải dự thi trước một hội đồng thẩm định và vượt qua được các tiêu chí bắt buộc trong phần thi của mình.

Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến, dự thảo đã gặp phải không ít những tranh luận trái chiều. Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi cho rằng, việc tất cả các nghệ sĩ phải đi tập huấn hay tham gia các phần thi trước các hội đồng thẩm định để rồi mới được cấp thẻ hành nghề biểu diễn là không cần thiết đối với những nghệ sĩ đã được đông đảo xã hội công nhận, yêu mến, trong đó có cả những nghệ sĩ đã đoạt được các danh hiệu như nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ Ưu tú... Họ cho rằng việc này, nếu cần thiết, thì chỉ nên tập trung vào các đối tượng mới, chưa có kinh nghiệm biểu diễn hay là ở những lĩnh vực nhạy cảm, thường xuyên vi phạm như giới Showbiz…

Thêm vào đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thực tế có nhiều nghệ sĩ cùng một lúc tham gia biểu diễn ở rất nhiều lĩnh vực như vừa làm ca sĩ lại kiêm người mẫu và diễn viên. Vậy liệu họ có phải tham gia thi cấp thẻ riêng rẽ ở tất cả các lĩnh vực hay chỉ cần cấp một loại thẻ chung? Và khi họ vi phạm ở lĩnh vực này, thì có được tiếp tục biểu diễn ở lĩnh vực kia hay không? Thêm vào đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, làm sao để kiểm soát được tiêu cực nếu như có xảy ra việc chạy trọt, đút lót, mua thẻ?

Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến đồng thuận với chủ trương cấp thẻ hành nghề biểu diễn. Những người theo quan điểm này cho rằng, vàng thật thì không sợ lửa. Nếu một người có trình độ thực sự, họ sẽ không ngần ngại trước việc tham gia biểu diễn để vượt qua một kỳ kiểm tra, sát hạch. Có thẻ hành nghề rồi, người nghệ sĩ sẽ đường hoàng đứng trên sân khấu và tự do biểu diễn. Và nhất là, tấm thẻ cũng là minh chứng cho khả năng nghề nghiệp của họ, để không phải xếp “cùng hàng” với những người biểu diễn vi phạm, yếu kém về trình độ và tư cách đạo đức.

Có một thực tế cần phải nhìn nhận đúng đắn, trong nhiều năm trở lại đây, việc vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ngày càng nhiều. Nổi cộm trong đó là các hành vi lệch chuẩn, ăn mặc, biểu diễn phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý và chế tài xử phạt dường như là chưa mạnh để có thể xử lý kịp thời những sự việc ấy, đồng nghĩa với việc không ngăn chặn được những chương trình, những sản phẩm độc hại đối với người xem- một hậu quả rất xấu đối với người tiếp nhận văn hóa, nghệ thuật.

Việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn có thể là một trong những phương pháp hiệu quả trong công tác quản lý ở lĩnh vực NTBD. Tuy nhiên, để có thể đạt được sự đồng bộ cao và áp dụng vào thực tế, Cục NTBD, Bộ VH-TT-DL cũng cần nghiên cứu kỹ hơn, tham khảo nhiều hơn các ý kiến để từ đó đi đến thống nhất cách làm sao cho hợp tình hợp lý. Có như vậy mới hi vọng mang lại sự đồng thuận của dư luận từ nhiều phía và đạt được hiệu quả thực tế trong công tác quản lý nhà nước về NTBD.

Vũ Quang
.
.
.