“Vẽ” quy định gây khó cho nhà báo tác nghiệp

Thứ Bảy, 27/10/2018, 09:41
Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều nhà báo đang bị “gây khó” khi làm việc tại một số cơ quan, đơn vị và công ty. Điển hình, khi nhà báo đến làm việc, nhất là về vấn đề tiêu cực, các đơn vị cơ sở thường đòi hỏi phải có giấy giới thiệu và thậm chí là cả công văn. 

Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan truyền thông khi đi đến tận cùng sự thật và cung cấp cho độc giả những thông tin nóng hổi nhất…

Chuyện gì cũng đòi giấy giới thiệu, công văn

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu luật từ ngày 1-1-2017, ở mục 4, Điều 25 về quyền và nghĩa vụ của nhà báo quy định: “Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo”. 

Điều này đồng nghĩa với việc, thẻ nhà báo hoàn toàn có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Chỉ trong trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo thì mới cần phải trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp. 

Theo Bộ Thông tin - Truyền thông, đây là điểm mới bởi từ trước đến nay, nhiều cơ quan hành chính Trung ương và địa phương vẫn yêu cầu phóng viên khi tác nghiệp phải trình cả giấy giới thiệu lẫn thẻ nhà báo. Luật hiện hành quy định là vậy nhưng một số cấp Sở, UBND cấp địa phương lại không thực hiện điều này.

Nhà báo đưa tin trong một sự kiện.

Khi đến Văn phòng Sở Xây dựng TP HCM, tìm hiểu về các công trình sai phép, ngoài thẻ nhà báo chúng tôi luôn buộc phải có công văn, giấy giới thiệu. 

Tại Sở Du lịch, khi hỏi về việc xử phạt các công ty du lịch, tổ chức kì nghỉ, nhà báo cũng được đề nghị phải có các “giấy phép con” nêu trên. Tương tự, khi chúng tôi tìm hiểu về các công trình xây sai phép tại quận 3, Văn phòng UBND quận 3 cũng đòi hỏi ngoài thẻ nhà báo phải có giấy giới thiệu… 

Thời gian trả lời của một số Sở, ngành thường là một tháng bởi bộ phận văn phòng sẽ trình lên người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị này sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn trả lời, có nơi còn phải đợi họ trình lại lãnh đạo trước khi cung cấp cho báo chí nên khi chúng tôi nhận được thông tin  thì vấn đề nóng đã trở thành vấn đề nguội. Đó là chưa kể nhiều câu trả lời chung chung, sơ sài, không sát với câu hỏi mà phóng viên (PV) đưa ra.

Tại trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân), cách đây nửa tháng, chúng tôi đề nghị làm việc để xác minh thông tin bạn đọc. Tuy nhiên, bộ phận văn phòng chỉ qua bộ phận tiếp dân. Cán bộ tiếp dân bận họp cả buổi nên đưa bà Chung Mỹ Trần, cán bộ tư pháp phường ra tiếp. 

Nữ cán bộ này đòi hỏi ngoài thẻ nhà báo phải có công văn, giấy giới thiệu. Tuy nhiên, khi phóng viên giải thích theo luật định thì cán bộ này nói PV ghi lại câu hỏi và báo với Chủ tịch phường. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Tới Sở Xây dựng Bình Dương làm việc trong khu hành chính hiện đại, khi nhà báo liên hệ làm việc về một công ty mở bán dự án trái phép thì đều được các nhân viên ở tầng trệt, bộ phận một cửa tiếp dân phô tô giấy tờ, đưa một tờ giấy A4 để viết câu hỏi.

Tuy nhiên, cả tháng sau, chúng tôi vẫn không nhận được lời mời làm việc hoặc phần trả lời. Trong khi đó, nhiều đề tài nóng trở thành…nguội vì không có tương tác của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thực tế cho thấy, một vài đơn vị có giám đốc Sở hoặc Chủ tịch UBND quận, huyện làm người phát ngôn. Câu hỏi của nhà báo đặt ra sẽ chuyển qua rất nhiều bộ phận như Phó chánh Văn phòng UBND kiêm trưởng ban tiếp công dân, sau đó lên Chánh Văn phòng, sau đó chuyển về chủ tịch cấp quận, huyện. 

Sau đó, lãnh đạo cấp này có “bút phê” chuyển cho các phòng, ban chuyên môn trả lời. Khi có phần trả lời phải chuyển lại cho người đầu cấp duyệt rồi sau đó mới mời nhà báo đến lấy. Thành thử ra, quy trình này mất cả tháng. 

Có nơi thì ủy quyền cho Chánh Văn phòng làm người phát ngôn, tuy có nhanh hơn nhưng khi họ trả lời thì cũng không đúng thực tế và sát sao với câu hỏi mà nhà báo đưa ra (?!).

Khi xác minh thông tin đa chiều về một công ty bất động sản tại Long An, chúng tôi đề nghị làm việc trực tiếp thì đại diện công ty liên tục từ chối và tránh né. 

Lúc đầu, họ yêu cầu gửi đơn của bạn đọc kèm công văn qua email nhưng sau đó thì đòi phải chuyển công văn theo đường bưu điện, đơn của bạn đọc phải đóng “dấu treo” của tòa soạn dù Luật không quy định như vậy. 

Tòa cũng làm khó

Với nhà báo đưa tin tại các phiên tòa thì càng gian nan hơn. Cách đây chưa lâu, tại Thông tư 01/2014 của Chánh án TAND Tối cao đã đưa vào quy định nhà báo đến dự phiên tòa phải có cả thẻ Nhà báo và Giấy giới thiệu. 

Quy định này đã gây dư luận không đồng tình từ báo giới và dư luận xã hội. Sau đó, theo quy định của Luật Báo chí hiện hành thì các phòng xử án chỉ cần thẻ nhà báo. Tuy nhiên, rất nhiều thẩm phán, thư kí tòa không nắm được. 

Đơn cử, tại trụ sở TAND huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), theo quy định nhà báo tới trước 15 phút, báo với thư kí tòa về việc chụp ảnh, đưa tin và thư kí tòa sẽ báo với thẩm phán, chủ tọa phiên tòa. 

Thế nhưng, chúng tôi vẫn bị một nữ thư kí tòa “hành” là phải có giấy giới thiệu. Đến khi phải mở Luật Báo chí tại điều 25 thì cả thư kí tòa và thẩm phán… mới ngớ người hiểu ra vì họ chưa cập nhật kịp thời.

Ngay tại TP HCM, một số cấp tòa quận, huyện cũng đòi hỏi ngoài thẻ nhà báo phải có giấy giới thiệu, dù luật không quy định. Tại tòa Thủ Đức, chúng tôi từng bị chủ tọa phiên tòa ngăn cản việc chụp ảnh trong một phiên tòa công khai dù trước đó chúng tôi đã làm theo quy trình của Luật Báo chí và Thông tư 01/2014.

Tháng 8 vừa qua, khi đưa tin một vụ xét xử phúc thẩm tại trụ sở TAND tỉnh Lâm Đồng do Tòa cấp cao tại TP HCM xử lưu động, một số nhà báo còn bị cản trở khi phải đi qua cổng từ như ở…sân bay. Mọi phương tiện tác nghiệp phải bỏ bên ngoài. 

Chúng tôi đã chất vấn một bảo vệ tại đây nhưng cũng không thể lay chuyển “ý chí sắt đá” mà làm sai luật kiểu này. Bởi lẽ, nhà báo là nghề được công nhận trên toàn đất nước, được pháp luật bảo vệ. Trong một phiên tòa xét xử công khai, nếu không mang máy ảnh vào phòng xét xử thì làm sao chụp ảnh (?!).

Trong khi đó, tại trụ sở TAND TP HCM, trong các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm hoặc của Tòa cấp cao (TAND tối cao) xét xử tại đây, nhà báo luôn được tạo điều kiện thuận lợi khi chỉ cần tới trước 15 phút, xuất trình thẻ nhà báo theo quy định cho thư kí tòa. Các thư kí sẽ báo lại cho chủ tọa phiên tòa quyết định. Tất cả các vụ xét xử đều được nhà báo thông tin công khai, trung thực. 

Bên cạnh đó, không hề có chuyện giấu giếm hoặc gây khó dễ cho giới truyền thông. Thực tế này rất đáng được các cấp tòa tại các địa phương ghi nhận và học hỏi.

Việc một số cán bộ, đại diện cơ sở không hiểu hoặc cố tình không hiểu quy định rõ ràng, rành mạch của Luật Báo chí hiện hành đã gây rất nhiều khó khăn cho các nhà báo trong việc thông tin trung thực, khách quan các vụ việc mà dư luận quan tâm. Người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân, độc giả bởi họ không thề tiếp cận được thông tin từ cơ quan truyền thông chuyển tải bởi ngay cả nhà báo cũng bị…làm khó!

Hà Tiên
.
.
.