Vắng lặng nhà thờ tổ nghề hát bội

Thứ Bảy, 11/04/2020, 08:22
Thanh Bình từ đường ở phường Phú Hiệp, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992. Đây là nhà thờ tổ nghề hát bội của triều Nguyễn, đã có gần 200 năm tồn tại. Tuy nhiên, nơi đây đang dần vắng bóng du khách...

Thanh Bình từ đường nằm trong kiệt 281 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, TP Huế. Ngôi nhà thờ tổ nghề hát bộ này được triều Nguyễn cho xây dựng và hoàn thành vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825). Cũng giống như nhiều di tích khác do triều Nguyễn xây dựng ở vùng đất Cố đô Huế, Thanh Bình từ đường là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, tường xây bằng gạch, bộ mái bằng gỗ lợp ngói liệt với các kèo, xuyên, quyết trang trí đơn giản. 

Từ ngoài vào, cổng di tích này có hai trụ biểu cao 3,8m; đỉnh trụ biểu có gắn hình bầu rượu cao 0,45m, có la thành chạy dài bao quanh mặt tiền của nhà thờ. Sau cổng là sân rộng gần 700m². Khi chúng tôi đến, bên trong khuôn viên Thanh Bình từ đường vừa được phát quang cỏ dại sạch sẽ. 

Hỏi chuyện cụ Trần Ngọc Lợi (92 tuổi), người trông coi di tích Thanh Bình từ đường, cụ cho biết, di tích vẫn còn tấm bia đá khắc vào năm xây dựng (1825) đặt ở bên trái, phía bên phải là tấm bia bằng xi măng ghi những người có công trong việc trùng tu vào năm 1958. Trước cửa là bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng khắc chữ “Thanh Bình từ đường” vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). 
Di tích Thanh Bình từ đường “cửa khóa then cài” khi ít người ghé thăm.

Ngoài ra, di tích hiện còn lưu một hiện vật quý giá là gia phả từ đường và một số sắc phong của vua Minh Mạng ban tặng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn ấy nên Thanh Bình từ đường đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận di tích cấp quốc gia theo quyết định ngày 23/6/1992...

Trải qua hàng trăm năm, do ảnh hưởng của chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt, dù nhiều lần được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành trùng tu vào các năm 1958, 1992 và năm 2000, nhưng hiện di tích Thanh Bình từ đường đang bị xuống cấp. Bờ tường ngôi nhà rường bên trong di tích xuất hiện nhiều vết nứt nẻ, các kèo cột bị mối mọt làm mục ruỗng. Do ít đón các đoàn khách tham quan nên sân di tích được người dân sinh sống gần đó tận dụng để trồng cây cảnh, tập kết ván gỗ… gây mất mỹ quan. 

Cụ Trần Ngọc Lợi không khỏi luyến tiếc khi di tích cấp quốc gia này ngày càng vắng lặng, ít đoàn tuồng ghé đến nên thường xuyên phải “cửa khóa then cài”. Cụ Lợi còn nhớ, trong đêm diễn duy nhất tại Huế vào năm 2017, đoàn tuồng Ngọc Khanh (tỉnh Đồng Nai) đã thu hút rất đông khán giả đến với sân khấu dựng ngay trước di tích này. Đêm ấy, người dân địa phương đã kéo nhau về đứng ngồi ken đặc trước sân Thanh Bình từ đường để thưởng thức những vở tuồng qua các trích đoạn như: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Huỳnh Châu hội yến, Phàn Định Công chém Sứ đề cờ… 

“Những năm về trước, khi hay tin có đoàn tuồng đến diễn thì rất đông người dân trong khu vực và các vùng lân cận ở TP Huế cùng du khách kéo đến di tích này để xem. Thậm chí, có nhiều suất diễn kéo dài đến khuya nhưng vẫn có người xem. Thế nhưng, càng về sau, vì thị hiếu của người dân và nhiều lý do khác, những buổi diễn như thế trở nên rất hiếm nên tôi lo rằng mai này di tích sẽ bị quên lãng”, cụ Lợi buồn bã nói.

Trao đổi với chúng tôi, NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế cho biết thêm, từ thời các chúa Nguyễn, nghệ thuật tuồng đã được phát triển thành “quốc kịch” và được nâng lên đỉnh cao trong lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật này với sự hình thành phong cách tuồng cung đình. 

Vào thời Nguyễn, Thanh Bình từ đường đều được đông đảo người dân khắp mọi nơi, đặc biệt là những người yêu và có lòng đam mê với tuồng biết đến. Nơi đây hàng năm thường được tổ chức lễ tế tổ trọng thể trong thời gian 3 ngày thu hút các gánh hát bội khắp mọi miền đất nước về tham dự. 

Trong đó, ngày đầu tiên làm lễ cáo và chuẩn bị, lễ chính diễn ra trong ngày thứ 2 với lễ tế trang trọng có phần hát Thất kích và Chèo lễ Đại đàn, đến ngày thứ ba làm lễ tạ và thu dọn. Tuy nhiên, đến nay, các nghi thức của lễ tế đã bị mai một và được đơn giản hoá rất nhiều. 

Mới đây Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tái hiện lễ tế Thanh Bình từ đường tại di tích này theo nghi thức dưới triều Nguyễn nhằm tri ân tổ nghề và các nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nghệ thuật tuồng cổ. 

Tuy nhiên, người dân xứ Huế và các nghệ sĩ tuồng luôn mong mỏi rằng, vào các dịp lễ hội lớn hoặc Festival Huế, cần có nhiều chương trình nghệ thuật về tuồng được tổ chức tại đây. 

Bên cạnh đó, cần hình thành các tour du lịch với điểm đến Thanh Bình từ đường để lôi cuốn, thu hút du khách. Có như thế mới hy vọng di tích cấp quốc gia này sẽ không rơi vào tình trạng bị quên lãng trong tương lai.

Anh Khoa
.
.
.