Vẫn “nóng” vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh

Thứ Tư, 09/12/2020, 15:41
Vấn đề kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh từng gây nhiều tranh cãi thời gian qua tiếp tục trở thành một trong những tâm điểm, được bàn thảo nhiều nhất trong hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội vào ngày 9/12 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho hay, sau 14 năm thi hành Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), điện ảnh Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp với thực tế Luật Điện ảnh sửa đổi được soạn thảo lần này sẽ khắc phục các hạn chế, bất cập nói trên, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

Tại hội thảo, tất cả các ý kiến đóng góp đều bày tỏ sự đồng tình về việc cấp thiết sửa đổi Luật Điện ảnh nhưng cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật Điện ảnh lần này vẫn cần điều chỉnh thêm mới phù hợp yêu cầu thực tiễn. TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, Luật Điện ảnh hiện hành được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”, tức là điện ảnh phim nhựa. Từ năm 2010, phim nhựa đã chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo sự thay đổi toàn bộ trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim. 

Lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tại Hà Nội ngày 9/12

Một số quy định trong Luật Điện ảnh đã bị các luật khác phủ định, có nhiều điểm lạc hầu, cần sửa đổi. Luật Điện ảnh sửa đổi lần này cần đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong thời đại công nghệ số, có thêm những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh trong môi trường số hóa và khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh, cần quan tâm đến khía cạnh bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt và luật phải điều chỉnh thị trường cho loại hàng hóa này.

Về cấp phép, phổ biến phim, dự thảo đang phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và địa phương (UBND cấp tỉnh) nhưng cần đề phòng trường hợp phim do tỉnh này cấp phép mà tỉnh kia từ chối chiếu vì thực tế đã từng xảy ra tình trạng này. Với phim tham gia các liên hoan phim quốc tế, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề tại Việt Nam, dự thảo chưa quy định rõ thẩm quyền cấp phép thuộc về đâu?

Cũng theo TS Ngô Phương Lan, việc cung cấp nội dung trên mạng (hiện thường được nói đến như dịch vụ OTT) theo điều 19 của dự thảo rất chặt chẽ nhưng không khả thi. Nếu quản lý theo phương thức quản lý phim truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung của mình một lương phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim được chiếu rạp nên không có Hội đồng nào duyệt xuể. Nhưng nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng sẽ đến nhiều hậu quả và không công bằng so với việc phổ biến phim trong các môi trường khác. 

Mặt khác, người xem phim trên dịch vụ OTT sẽ tự chọn nôi dung và thời điểm họ muốn xem mà không phụ thuộc ý chí của các nhà cung cấp dịch vụ, khác với việc người xem phim ở rạp chỉ có thể xem phim do rạp chiếu, theo lịch của rạp. Nếu yêu cầu các tổ chức cá nhân nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng phải có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam cũng có khả thi. Trên thực tế, các tổ chức nước ngoài vẫn cung cấp dịch vụ trên mạng cho người xem Việt Nam và hoàn toàn đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật Việt Nam.

 Ban soạn thảo cần lấy thêm ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan để quy định về phổ biến phim trên môi trường mạng vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và khả thi.

Đồng quan điểm với TS Ngô Phương Lan, ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng cho rằng, việc thẩm định, phân loại, cấp phép phát hành phổ biến phim chiếu rạp và phim phát hành trên mạng internet, xuyên quốc gia cần được quy định chặt chẽ và phù hợp hơn. Nếu chỉ dựa vào Hội đồng thẩm định quốc gia như hiện này thì sẽ rất khó và hiện tại, không ai muốn tham gia vào Hội đồng này, vì thù lao chỉ vài trăm nghìn/phim nhưng trách nhiệm lớn.  Quy định “dán nhãn” phim cho khán giả 21 tuổi trở lên không cần thiết mà chỉ cần dán nhãn phim cho khán giả từ 18 tuổi trở lên.

Ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cũng cho rằng, phim trong nước sản xuất, chiếu rạp, nên để cho Giám đốc cơ sở sản xuất phim và Hội đồng nghệ thuật của cơ sở đó thẩm định và phân loại. Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, các cơ sở đăng ký sản xuất và phổ biến phim với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ sở để nơi sản xuất phim thẩm định chính là những điều ghi trong Luật Điện ảnh sửa đổi, những điều cấm và nguyên tắc phân loại.

 Không nên sợ Hội đồng nghệ thuật của cơ sở yếu vì họ sẽ biết tìm chuyên gia để hội đồng của họ đủ mạnh, giúp cho Giám đốc có sự thẩm định chính xác. Nếu đưa vào luật xác định việc thẩm định và phân loại phim Việt Nam giao cho cơ sở sản xuất phim thực hiện thì Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, như người lái xe máy sẽ phải biết các quy định  như khi tham gia giao thông thì không được vượt đèn đỏ… 

Về phim nhập khẩu thì thẩm định, phân loại là cần thiết, nhất là khi sự khác biệt văn hóa, khác biệt sắc tộc, khác biệt về quyền lợi dân tộc, quan điểm chính trị, xung đột dân tộc tôn giáo còn tồn tại. Việc thẩm định phim nhập khẩu chiếu rạp phải là hội đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề cần Luật Điện ảnh sửa đổi điều chỉnh nhằm khắc phục vấn đề cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng đang diễn biến phức tạp mà luật chưa quy định cụ thể, chưa có chế tài xử lý. Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác. Giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Tạ Quang Đông cho biết, các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện và sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2021.


Hoa Nguyễn
.
.
.