Trượt cơ hội vì phim bom tấn, quảng bá chỉ… kg!

Thứ Ba, 01/03/2016, 09:35
Ngành du lịch không hành động, lãnh đạo địa phương nơi có đoàn làm phim đến chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào thì chúng ta không thể kỳ vọng khi những bộ phim của Hollywood chọn cảnh quay phim, và phim đó dù có làm mưa làm gió khắp nhân loại cũng đừng hy vọng khách du lịch đổ về tìm nơi xuất điểm các cảnh quay.

Khi đoàn làm phim bom tấn Kong: Skull Island tổ chức họp báo ở Hà Nội, rồi tiến hành thực hiện nhiều cảnh quay tuyệt đẹp đầu tiên ở Quảng Bình, thông tin về đoàn làm phim và dàn sao diễn viên xuất hiện đầy trên mặt báo. Thiết nghĩ, đây là cơ hội cực tốt để quảng bá hình ảnh du lịch thông qua điện ảnh, và chính bản thân các ngôi sao diễn viên đã là “đại sứ” du lịch. Song thật tiếc, có vẻ như ngành du lịch cũng như các địa phương có đoàn làm phim xuất hiện đã bỏ qua cơ hội tốt quảng bá du lịch, còn thông tin đưa đến cho độc giả hầu như cũng chỉ dừng lại ở việc đưa hình ảnh, cách thức sinh hoạt và cách làm việc… liên quan đến đoàn làm phim, còn cách lồng ghép giới thiệu cảnh quan du lịch cũng đã bị bỏ ngỏ.

Ngay khi máy bay chở đoàn làm phim Kong: Skull Island hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới, Quảng Bình, hàng ngàn người dân địa phương cũng như lãnh đạo ngành văn hóa của tỉnh đã có mặt để đón đoàn. Tiếp đó, từ ngày 22 đến 26-2, khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như được đánh thức bởi sự có mặt của đoàn làm phim, khi mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn người đến theo dõi đoàn làm phim, trong số đó có không ít phóng viên của nhiều tờ báo đã trèo đèo, lội suối bám theo đoàn làm phim chỉ để chờ cơ hội chụp được một tấm hình…

Sự nồng nhiệt của người dân địa phương đã làm cho đoàn làm phim hết sức xúc động. Hai địa điểm được đoàn làm phim Kong: Skull Island lựa chọn để quay là hồ Yên Phú, xã Trung Hóa và hang Chuột, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Đoàn làm phim đã làm chính quyền và người dân địa phương đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi tinh thần làm việc và trách nhiệm cộng đồng của họ.

Trước khi bấm máy ở hồ Yên Phú, đoàn làm phim đã bỏ kinh phí làm một đoạn đường dài vào nơi thực hiện các cảnh quay. Tiếp đó, đoàn làm phim đã hỗ trợ kinh phí cho người dân trồng hoa màu trong khu vực được chọn làm bối cảnh phim, chi tiền cho người dân để nhốt trâu bò, hỗ trợ tiền thức ăn, tiền thiệt hại cho người dân ở khu vực đoàn bấm máy. Mặc dù gần 200 người trong đoàn phim làm việc suốt 5 ngày cộng với hàng chục tấn thiết bị và hàng chục xe ôtô vận chuyển đi lại liên tục, song tại những khu vực đoàn làm phim Kong: Skull Island bấm máy sau khi họ rời đi không hề tác động đến cảnh quan thiên thiên, không một mẩu rác, mảnh giấy họ để lại.

Diễn viên chính trong phim Kong: Skull Island thư giãn với các bạn diễn ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Không riêng gì ở Việt Nam, dàn sao diễn viên của Hollywood đặt chân đến đâu thường đem lại những cảm xúc thật sự đặc biệt cho người dân địa phương. Và chính những cảnh quay trong các bộ phim họ đóng thường mang lại cho nơi họ đến một giá trị đích thực đó là quảng bá hình ảnh du lịch.

Trước khi đoàn làm phim Kong: Skull Island bấm máy ở hồ Yên Phú hay hang Chuột thì phim bom tấn khác của Mỹ là “Pan và vùng đất Neverland” do hãng phim Waner Bros sản xuất đang làm mưa làm gió trên thị trường phim Bắc Mỹ cũng có các cảnh quay ở hang Én thuộc khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng của Quảng Bình, Tràng An, Ninh Bình; Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Nhưng sau khi đoàn làm phim rút đi, kể cả khi phim đã công chiếu, thử hỏi trong số hàng vạn người xem mấy ai biết đến các cảnh quay trong phim.

Trong lúc, khi đoàn làm phim “Lord of the Ring” đến New Zealand để thực hiện các cảnh quay và sau gần 1 năm phim trình chiếu thì khách du lịch vào New Zealand tăng vọt. Phim “Lost in ChiengMai” do Trung Quốc làm ở Chiềng Mai, Thái Lan, ngay sau khi phim ra rạp, chính quyền địa phương nơi đây đã phải bàn biện pháp hạn chế khách đến vì quá tải. Không ít khán giả Việt tìm đến Hàn Quốc du lịch cũng vì những cảnh quay tuyệt đẹp trong các bộ phim Hàn… Các nước làm được điều đó bởi họ có chiến lược quảng bá du lịch rõ ràng trước khi đoàn làm phim đến bấm máy. Còn ở ta, ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương có đoàn làm phim đến đã tự đánh mất cơ hội tốt để quảng bá du lịch. Sau khi đoàn làm phim Kong: Skull Island rút khỏi Quảng Bình, ngành du lịch tỉnh này mới loay hoay tìm cách xây dựng một số sản phẩm du lịch liên quan đến hoạt động của bộ phim.

Trong lúc cao hứng ông Hồ An Phong - Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình còn hồ hởi: “Chúng tôi sẽ chào đón tất cả các hãng phim lớn thế giới đến với Quảng Bình trong tương lai, với “slogan”: Quảng Bình - phim trường của Hollywood. Và lãnh đạo sở này còn đưa ra ý tưởng xây dựng tượng sáp chú Kinh Kong ở xã Tân Hóa, nơi liên tục bị ngập lụt đến tận nóc nhà dân trong các mùa mưa lũ…

Khi đặt chân tới khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, ông Jordan Vogt-Roberts - đạo diễn phim Kong: Skull Island đã phải thốt lên: “Thiên nhiên nơi đây đẹp đến siêu thực, vừa hoang sơ vừa kỳ vĩ”.

Đạo diễn tài danh, với dàn diễn viên tài năng nổi tiếng của thế giới đã thán phục trước vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng cho Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung. Vậy tại sao chúng ta không có những kịch bản, chương trình hành động cụ thể, bài bản, để nhân dịp này quảng bá hình ảnh ra toàn thế giới? Ngành du lịch không hành động, lãnh đạo địa phương nơi có đoàn làm phim đến chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hô hào thì chúng ta không thể kỳ vọng khi những bộ phim của Hollywood chọn cảnh quay phim, và phim đó dù có làm mưa làm gió khắp nhân loại cũng đừng hy vọng khách du lịch đổ về tìm nơi xuất điểm các cảnh quay.

Dương Sông Lam
.
.
.