Trò chuyện cùng tác giả ca khúc “Chúng ta là chiến sĩ Công an”

Thứ Tư, 08/03/2017, 10:03
Bất ngờ chạm vào mạch cảm xúc, GS, NSND Trọng Bằng liền giơ bàn tay phải lên như động tác trước đây khi ông cầm chiếc đũa điều khiển giàn nhạc giao hưởng, rồi ánh mắt lim dim lại, cùng ngân nga với tôi: “Khó khăn gian khổ biết mấy/ Ghi lời Bác dạy ta quyết vượt qua”.



Vì là phóng viên đang công tác trong tờ báo của lực lượng Công an nên khi vừa gặp GS, NSND Trọng Bằng, tôi đã mạnh dạn hát lên mấy câu: “Chúng ta là chiến sĩ Công an/ Trung với Đảng suốt đời vì dân”. Bất ngờ chạm vào mạch cảm xúc, ông liền giơ bàn tay phải lên như động tác trước đây khi ông cầm chiếc đũa điều khiển giàn nhạc giao hưởng, rồi ánh mắt lim dim lại, cùng ngân nga với tôi: “Khó khăn gian khổ biết mấy/ Ghi lời Bác dạy ta quyết vượt qua”.

Người nghệ sĩ hàng đầu ở dòng nhạc hàn lâm

Tôi vừa cầm tay GS, NSND Trọng Bằng, vừa cùng ông hát đến hết bài hát “Chúng ta là chiến sĩ Công an” rồi mới ngồi xuống ghế. Cô giúp việc vừa đon đả rót nước mời khách, vừa khoe với tôi: “Lâu lắm tôi mới thấy ông hát như thế này. Giờ ông yếu, đi đứng cũng khó khăn, huyết áp lại cao nên mọi sinh hoạt đều phải chú ý. Nay anh đến, ông lại có người để nói chuyện về âm nhạc. Ông mà vui thì ông cũng khỏe hơn nhiều”.

Trải qua 86 mùa xuân của cuộc đời, giờ đây, GS, NSND Trọng Bằng tuy đã yếu hơn trước nhưng ông còn khá minh mẫn. Chị giúp việc còn “mách” với tôi rằng, biết có tôi đến thăm, ông diện bộ vest lịch lãm, chải chuốt lại mái tóc thưa thớt đã bạc trắng để đón khách. Ông là một người chỉn chu, có phong thái đĩnh đạc và chuyên nghiệp nhưng lại cởi mở và dễ gần.

NSND Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, tuy nhiên quê hương ông lại ở huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. “Cha tôi là một công chức ngành Xây dựng nhưng ông lại biết chơi thành thạo đàn bầu và đàn tranh. Vì vậy, tôi đã được hưởng gen yêu âm nhạc của bố từ rất sớm.

Tôi bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm còn là học sinh của các trường trung học thời kháng chiến thuộc địa phận của Liên khu IV cũ. Trong 9 năm kháng chiến của dân tộc, tôi vừa là người chơi đàn guitar, vừa dàn dựng và điều khiển các ban nhạc và đồng ca của học sinh” – NSND Trọng Bằng chia sẻ.

NSND Trọng Bằng hào hứng chia sẻ với phóng viên Báo CAND.

NSND Trọng Bằng cho biết, vào cuối năm 1953, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa khóa thứ nhất, ông đã được Chi hội Văn nghệ Liên khu IV điều động đi Mặt trận Trung Lào tham gia đội văn nghệ phục vụ dân công cầu đường. Sau đó, ông lại ra Việt Bắc, gia nhập Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương với tư cách là Đội trưởng Đội ca nhạc. Ở đây, ông làm công tác sáng tác, chỉ huy, dàn dựng.

NSND Trọng Bằng chia sẻ thêm, năm 1956, ông được cử đi du học tại Liên Xô (cũ). Môn học mà ông học ở đó là chỉ huy một dàn nhạc giao hưởng. Ông là người ViệtNam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky với tấm bằng xuất sắc, cũng là một trong những nhạc trưởng đầu tiên của Việt Nam, người sáng lập Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội.

Sau đó, ông giữ vai trò là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa X. Ông là người vinh dự khi ngay trong ngày 30-4-1975, đã chỉ huy trình diễn một số tác phẩm của Việt Nam và thế giới làm chấn động cộng đồng những người yêu âm nhạc trong và ngoài nước lúc bấy giờ.

Tác giả của nhiều ca khúc viết về lực lượng Công an

Nhiều người yêu âm nhạc thường biết đến GS.NSND Trọng Bằng là một trong những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam ở dòng nhạc hàn lâm, bác học. Nhạc sĩ Trọng Bằng có cả một sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều thể loại giao hưởng, ca khúc như: “Người về đem tới ngày vui” (1990); “Tây Bắc sáng lại” (1951); “Tình quê hương” (1954); “Nhịp máy khoan” (1961); “Những dũng sĩ Núi Thành” (1965); “Bài hát bên cầu phao” (1966); “Cả nước hướng về Hà Nội” (1967); “Bão nổi lên rồi” (1968); “Quê hương vang tiếng hát tự hào” (1969)…

Ngoài ra, ông cũng dành nhiều thời gian sáng tác các ca khúc về hình ảnh những người chiến sĩ CAND như: “Hành khúc CAND”, “Bước chân lặng lẽ âm thầm”, “Vinh quang Công an hậu cần”, “Bình yên đang đến phố phường” và nhạc hiệu chương trình “Vì an ninh Tổ quốc”… Năm 2014, Bộ Công an đã chọn 10 ca khúc truyền thống, tiêu biểu về lực lượng CAND, trong đó ca khúc “Chúng ta là chiến sĩ Công an” của ông được xếp ở vị trí số 1.

NSND Trọng Bằng chia sẻ, năm 1967, trong một buổi tham quan phòng truyền thống của Bộ Công an, ông đã thực sự xúc động bởi những gì mắt thấy, tai nghe. Đó là hình ảnh những người cán bộ, chiến sĩ Công an bị địch bắt, tù đày và sát hại. Ông hiểu rằng, sự hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ Công an cho cách mạng, cho Tổ quốc rất cần phải được ngợi ca, không chỉ trong hiện tại mà còn mãi mãi về sau.

“Đó là trong chiến tranh. Còn đối với cuộc sống thường nhật, biết bao người chiến sĩ Công an cũng đang ngày đêm phải canh giấc ngủ cho nhân dân được yên bình với các loại tội phạm. Lúc nhân dân vui chơi, nghỉ ngơi thì đang là lúc các anh làm nhiệm vụ. Các anh phải căng mình ra đấu tranh với cái xấu, cái ác trong vô vàn hiểm nguy. Nếu không có người chiến sĩ Công an, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không thể bình yên được” – NSND Trọng Bằng phân tích.

Với suy nghĩ như vậy nên ngay trong đêm hôm ấy, NSND Trọng Bằng đã sáng tác xong ca khúc “Chúng ta là chiến sĩ Công an”. “Lúc tôi viết, mọi cảm xúc của tôi về những người chiến sĩ Công an cứ thế tuôn trào. Ngay sáng hôm sau, tôi đã mang ca khúc đến hát cho các anh ở Bộ Công an và Công an TP Hà Nội nghe. Nghe xong các anh ấy rất thích và khen ngợi ca khúc này. Sau đó, Báo CAND cũng đăng nguyên văn bài hát và Đoàn văn công của Bộ Công an đã tập và hát ngay ca khúc này” – NSND Trọng Bằng cho hay.

Nói về Giải thưởng Hồ Chí Minh, NSND Trọng Bằng chia sẻ: “Tôi rất vui khi được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý này. Đó cũng là sự ghi nhận, khích lệ rất quan trọng đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như chúng tôi”.

Đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Thuận Yến

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Thuận Yến. Theo tờ trình của Bộ VH-TT&DL, ngày 2-3-2017, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bổ sung chứng nhận Giải thưởng cho nhạc sĩ Thuận Yến.

Như vậy, nhạc sĩ Thuận Yến đã đủ điều kiện được xét tặng giải thưởng. Chia sẻ về thông tin này, NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến cho biết, bà thật sự rất vui vì công sức của nhạc sĩ Thuận Yến được ghi nhận.

Được biết, cùng với đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Thuận Yến, Bộ VH-TT&DL cũng có tờ trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật 2016 cho 8 tác giả: Trần Lâm Biền, Hoàng Anh Nhân, Ngô Đức Thịnh, Nguyễn Thị Tài Hồng (Lê Minh), Trần Viết Bính (Trần Việt) và Nguyễn Văn Vinh (Quang Vinh), Nguyễn Thành Đại (Từ Lương) và Phạm Vũ La (Hoàng Luyện).

Lý do là các văn nghệ sĩ này đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bổ sung thêm các giấy chứng nhận giải thưởng ghi nhận thành quả lao động sáng tạo của họ. Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật dự kiến diễn ra vào ngày 11-3 tiếp tục bị tạm hoãn.       

 N.H

Cảnh Vũ
.
.
.